Tâm điểm
Phạm Thế Anh

Đi tìm những động lực tăng trưởng năm 2024

Khép lại năm 2023, môi trường lạm phát, tỷ giá trong nước tương đối ổn định, là một thành công của Việt Nam so với các nước khác, các nền kinh tế lớn trên thế giới. Chúng ta cũng có thể nhận ra được một số điểm sáng ở cả những chỉ tiêu không đạt kỳ vọng, chẳng hạn như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đã cải thiện dần qua các quý.

Nhìn từ phía cầu của nền kinh tế thấy rằng, bên cạnh xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới, thì nhu cầu đầu tư và tiêu dùng của khu vực tư nhân còn khá yếu. Điều này do nhiều nguyên nhân: Giai đoạn đầu năm 2023, doanh nghiệp phải tiếp cận với lãi suất rất cao, điều kiện tín dụng thắt chặt, khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp xuống thấp do "sức khỏe" không còn tốt như trước sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như sự đóng băng của thị trường bất động sản.

Khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp vẫn tương đối thấp, ngay cả những tháng cuối năm 2023 khi lãi suất đầu ra đã dễ chịu hơn.

Những biến động kinh tế giới cũng như dự báo khó khăn trong nước khiến nhiều doanh nghiệp chưa đủ niềm tin để đầu tư lâu dài. Tương tự là tiêu dùng của khu vực dân cư. Quan sát thực tiễn qua các trung tâm thương mại, các phố mua sắm thì thấy nhịp độ mua sắm của người dân giảm rất nhiều so với các năm trước. Một phần do tài sản của người dân bị mắc kẹt tại các thị trường trái phiếu, bất động sản rất lớn, mà các thị trường này lại đều đang gặp vấn đề.

Xuất khẩu trong năm qua chưa đạt mục tiêu chủ yếu từ nguyên nhân khách quan khi mà kinh tế thế giới vẫn duy trì mức lãi suất cao, lạm phát cao trong khi tăng trưởng chậm lại. Bên cạnh đó, các đối tác đã nhập khẩu quá nhiều trong năm 2022 để tránh gián đoạn nguồn cung, hay xu hướng tiêu dùng nhiều dịch vụ thay vì hàng hóa sau đại dịch, đã khiến hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm 2023 bị giảm sút.

Đi tìm những động lực tăng trưởng năm 2024 - 1

Tình hình xuất khẩu có một số tín hiệu lạc quan (Ảnh: Cảng vụ Hải Phòng).

Tình hình xuất khẩu đã xuất hiện những tín hiệu le lói lạc quan vào quý cuối năm vừa qua. Một số nhóm hàng hóa đã cho thấy sự hồi phục rõ nét, dù vậy sự hồi phục này chưa phải là chắc chắn, có thể chỉ mang tính mùa vụ. Lý do là triển vọng tăng trưởng kinh tế trong 2024 có thể còn tiếp tục khó khăn khi mà các nước đã duy trì nền lãi suất cao trong thời gian dài và đang ngấm dần vào nền kinh tế của họ. Như vậy xuất khẩu của Việt Nam có thể cải thiện trong năm 2024, nhưng để tạo ra sự đột phá, có được mức tăng trưởng cao hai con số như những năm trước thì triển vọng chưa rõ ràng.

Về lĩnh vực đầu tư, bên cạnh những khó khăn, tồn tại như đã nêu ở trên thì vẫn có những điểm sáng. Chúng ta vẫn duy trì được FDI tương đối lớn cả về con số đăng ký lẫn thực hiện. Kinh tế Việt Nam đang hấp thụ tương đối tốt dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc. Hy vọng trong thời gian tới, bên cạnh nguồn vốn FDI truyền thống từ Đông Á, Việt Nam có thể thu hút được nhiều hơn dòng vốn FDI chất lượng cao từ Mỹ và Tây Âu thông qua nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ hay Hiệp định bảo hộ đầu tư với EU.

FDI vào Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực chế biến chế tạo để hướng ra thị trường xuất khẩu, do vậy, kỳ vọng sự hồi phục của kinh tế thế giới sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng lên, đồng thời kéo theo dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mạnh mẽ hơn. Hai yếu tố này gắn chặt với nhau.

Một điểm tích cực khác là giải ngân vốn đầu tư công dù chưa đạt mục tiêu như mong muốn, nhưng đã diễn ra mạnh mẽ hơn những năm trước. Điểm cần lưu ý với đầu tư công là tính dàn trải, bệnh thành tích có thể ảnh hưởng, làm giảm hiệu quả của các dự án. Điều quan trọng là Việt Nam phải đẩy mạnh được các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm, đó mới là nền tảng trong tăng trưởng dài hạn, kéo được khu vực tư nhân lên.

Nhìn từ phía cung, điểm tích cực là năng lực sản xuất của Việt Nam trong những năm qua tăng lên đáng kể. Chúng ta tự chủ được rất nhiều hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, do vậy, dẫn đến hệ quả tích cực khác là Việt Nam tránh được các cú sốc đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt hàng hóa như các nước khác, giúp giữ được giá cả hàng hóa trong nước ổn định.

Điểm chưa được ở phía cung là sự đóng băng trên thị trường tài sản, tập trung ở thị trường bất động sản. Các thị trường tài sản chưa được khơi thông khiến cho nguồn lực của nền kinh tế bị mắc kẹt. Các doanh nghiệp bất động sản hiện nay vừa gặp khó khăn về mặt pháp lý ở các dự án vừa gặp khó ở tiếp cận nguồn vốn, cả vốn tín dụng lẫn vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Do vậy, sản phẩm cung ứng ra thị trường gần như đang bị đứt gãy, đặc biệt là ở những phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực sự của người dân.

Sự tắc nghẽn nguồn cung đặt giữa bối cảnh nhu cầu nhà ở thực của người dân đang rất lớn, nhất là ở các thành phố lớn dẫn đến cơn sốt giá ở một số phân khúc. Chẳng hạn, chung cư ở Hà Nội, TPHCM, bất chấp kinh tế khó khăn giá vẫn tăng cao 30-40% so với năm ngoái. Đó là hiện tượng bất thường chưa được giải quyết, mặc dù Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành rốt ráo giải quyết vướng mắc cho thị trường bất động sản và cho các doanh nghiệp.

Trên các thị trường tiền tệ, lạm phát, tỷ giá, lãi suất, ưu điểm thấy rõ là tỷ lệ lạm phát của Việt Nam chỉ xấp xỉ 3,2% trung bình cả năm, lạm phát lõi tiếp tục xu hướng giảm một cách chậm nhưng chắc chắn - đây là tín hiệu tích cực và xuất phát từ nhiều quyên nhân. Một phần do cầu bên ngoài lẫn trong nước đều rất yếu trong khi năng lực cung ứng hàng hóa lại khá tốt dẫn đến dư thừa cung. Hầu hết mặt hàng tiêu dùng đều giữ giá hoặc tăng thấp.

Ngoài ra, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc kinh tế Trung Quốc, một trung tâm sản xuất của thế giới, cũng đang dư thừa năng lực sản xuất. Giá cả hàng hóa ở Trung Quốc thấp đã giúp cho chi phí nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng cũng như nguyên vật liệu sản xuất từ Trung Quốc thuận lợi, theo đó, chi phí sản xuất cũng như giá cả tiêu dùng ở trong nước thấp theo.

Một điểm tích cực nữa là mặt bằng lãi suất, đặc biệt lãi suất huy động trong những tháng cuối năm xuống rất thấp, là một điều kiện để hỗ trợ cho tiêu dùng cũng như đầu tư ở khu vực tư nhân. Dĩ nhiên, lãi suất thấp cũng dẫn đến một hệ lụy không mong muốn là đầu cơ tài sản trên các thị trường trỗi dậy. Khi mặt bằng lãi suất quá thấp không đủ bù đắp sự mất giá của đồng tiền theo tỉ lệ lạm phát thì sẽ kích thích hoạt động đầu cơ tài sản mà chúng ta đã thấy qua diễn biến giá vàng, giá bất động sản ở các phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực tăng cao bất thường vào những tháng cuối năm 2023. Đây là yếu tố cần tính toán kỹ khi thực hiện chính sách hạ lãi suất.

Đi tìm những động lực tăng trưởng năm 2024 - 2

Lãi suất cho vay còn ở mức khá cao (Ảnh: Mạnh Quân).

Phía lãi suất cho vay vẫn ở mức khá cao, chủ yếu do sức khỏe doanh nghiệp yếu, hồ sơ tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu của bên cung cấp tín dụng. Ngân hàng vẫn lo ngại những rủi ro từ tình hình tài chính và triển vọng doanh nghiệp nên lãi suất phải đủ cao để bù đắp được những rủi ro đó.

Thêm vào đó là nợ xấu, khi sức khỏe doanh nghiệp và người dân khó khăn, các tài sản mất thanh khoản thì rủi ro tín dụng càng dâng cao, nợ xấu tăng nhanh trong năm qua. Nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, phải tái cơ cấu; một số đơn vị, cá nhân vay nợ đầu tư vào tài sản lại càng gặp khó khăn do thanh khoản thấp. Một khi nợ xấu cao thì lãi suất cũng neo ở mức cao.

Một vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quan tâm là môi trường kinh doanh. Qua những thông tin báo chí đưa về các vụ án thì thấy sai phạm xảy ra ở rất nhiều địa phương, ngành nghề, trong đó có doanh nghiệp sai phạm, có doanh nghiệp không sai phạm trực tiếp nhưng có mối liên hệ nhất định thì sản xuất, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó bị ảnh hưởng tiêu cực. Đây là vấn đề cần được xem xét trên tinh thần thượng tôn pháp luật, minh bạch và thúc đẩy việc cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa.

Động lực của nền kinh tế năm 2024

Trong năm 2024, đầu tiên chúng ta phải trông chờ vào sự hồi phục của kinh tế thế giới. Độ mở của kinh tế Việt Nam hiện nay rất lớn, hoạt động xuất nhập khẩu cộng lại có thể gấp đôi GDP của nền kinh tế. Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động xuất khẩu.

Bởi vậy, trong sự hồi phục của kinh tế Việt Nam không thể không có yếu tố hồi phục của kinh tế thế giới, đặc biệt là từ các thị trường lớn, các đối tác thương mại lớn. Kỳ vọng rằng trong năm 2024, kinh tế thế giới sẽ hồi phục một phần nhất định, và nếu như ngân hàng trung ương các nước bắt đầu cắt giảm lãi suất từ giữa năm thì kinh tế thế giới có thể tránh được suy thoái. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trở lại, kéo dòng vốn đầu tư nước ngoài vào tốt hơn.

Đồng thời, Chính phủ được kỳ vọng là sẽ đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công vào các dự án lớn, các công trình trọng điểm và tiếp tục các hỗ trợ về thuế phí đối với người dân và doanh nghiệp trong năm 2024.

Tuy nhiên, để nền kinh tế thực sự khởi sắc, không thể trông chờ riêng vào đầu tư công, bởi như chúng ta đã thấy, đầu tư công dù giải ngân rất tích cực trong năm 2023 nhưng cũng chỉ bằng khoảng 1/3 đầu tư của khu vực tư nhân. Do vậy, muốn kinh tế khởi sắc, phải khơi thông lại được đầu tư của khu vực tư nhân, cũng là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Muốn vậy phải lấy lại được niềm tin của khu vực tư nhân với môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện.

Tóm lại, tôi cho rằng, yếu tố cốt lõi để Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng tốt hơn trong những năm tới vẫn phải dựa vào khu vực tư nhân, khi mà nguồn lực Nhà nước không thể kéo dài mãi để hỗ trợ kinh tế thông qua đầu tư công hay hỗ trợ thuế phí.

Tác giả: PGS.TS Phạm Thế Anh nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế tại Đại học Manchester vào năm 2007; hiện là Trưởng Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, tài chính và từng giữ các vị trí: Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô; Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chính sách công và Quản lý thuộc Trường Đại Học Kinh tế Quốc dân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!