Tình huống ô tô buộc phải đè vạch liền để vượt xe dừng đỗ giữa đường

Nhật Minh

(Dân trí) - Đây là tình huống mà không ít tài xế gặp phải cả trên đường cao tốc lẫn trong phố; đi chậm phía sau hoặc dừng chờ thì mất thời gian và cũng có thể phạm luật, vượt lên thì dính lỗi đè vạch liền...

Sự việc diễn ra hôm 14/5 trên đường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Theo đó, một chiếc Mitsubishi Xpander đã bật đèn khẩn cấp và dừng/đỗ giữa đường, song song một xe 16 chỗ, khiến xe có camera hành trình chỉ còn cách đè vạch liền, lấn làn đối diện nếu muốn vượt lên để đi qua.

Khi bị nhắc nhở, người đàn ông có vẻ như là tài xế hoặc chủ xe Xpander còn đáp trả người lái xe có camera hành trình với thái độ ngang ngược, thách thức.

Tình huống ô tô buộc phải đè vạch liền để vượt vì có xe dừng đỗ giữa đường (Video: Quốc Tuấn/OFFB).

"Đoạn này thường xuyên có xe trung chuyển dừng đỗ để chuyển khách rất lộn xộn. Đường mới, không có biển cấm dừng đỗ nên các xe rất tùy tiện", tài khoản Đức Linh bình luận sau khi xem video được chia sẻ trên mạng xã hội.

"Dừng đỗ xe quá tùy tiện. Chỉ vì muốn được việc mình, muốn tiện mà nhiều người sẵn sàng gây ách tắc giao thông", nickname Quang Long bình luận.

Điều 18 Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 có quy định về khái niệm dừng hoặc đỗ xe trên đường phố như sau: Dừng xe được hiểu là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.

Trong khi đó, đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện không giới hạn thời gian. 

Nhiều lái xe cho rằng chỉ cần không có biển cấm là có thể thoải mái dừng, đỗ xe. Tuy nhiên, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rằng dù không có biển cấm nhưng người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại 11 vị trí sau đây:

1. Bên trái đường một chiều;

2. Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

3. Trên cầu, gầm cầu vượt;

4. Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

5. Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

6. Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5m tính từ mép đường giao nhau;

7. Nơi dừng của xe buýt;

8. Trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

9. Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

10. Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

11. Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Với tình huống như trong clip trên, khi đèn giao thông chuyển sang màu xanh, nếu nữ tài xế không quay lại và cho xe di chuyển thì sẽ phạm lỗi dừng xe ở nơi đường giao nhau.

Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định các mức phạt 800.000-1.000.000 đồng đối với lỗi dừng đỗ ô tô tại nơi đường bộ giao nhau hoặc trong phạm vi 5m tính từ mép đường giao nhau.

Nếu việc dừng, đỗ xe trái quy định gây tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền 10.000.000-12.000.000 đồng.