Tâm điểm
Vân Thiêng

Ba mong chờ chuyện nhà, đất

Mấy hôm nay trong câu chuyện hàng ngày của tôi với bạn bè và người thân, chủ đề nhà chung cư ở Hà Nội lên giá, cả giá mua bán và giá cho thuê, thường xuyên được đề cập. Một anh bạn khoe căn chung cư gần 80m2 nằm ngoài vành đai 3 đã tăng vài trăm triệu đồng nếu so với trước Tết. Còn một người quen khác thì than thở chủ nhà đang đòi tăng giá cho thuê căn hộ ở khu vực Cầu Giấy…

Quan sát trên các diễn đàn, hội nhóm về bất động sản cũng như thông tin trên báo chí, nhìn chung thị trường được đánh giá đã có những chuyển động tích cực hơn so với trước; ý kiến thận trọng thì cho rằng "ấm hơn"…

Ba mong chờ chuyện nhà, đất - 1

Khu vực phường Nhân Chính (Thanh Xuân) trước đây là làng Mọc cổ nằm bên bờ Nam sông Tô Lịch, quá trình đô thị hóa đã biến nơi đây thành một khu dân cư đông đúc có mật độ xây dựng dày đặc (Ảnh: Hữu Nghị)

Giới chuyên gia cũng như nhiều người dân đều đặt nhiều kỳ vọng vào việc Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), trước đó là các Luật về kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nhà ở (sửa đổi), tổ chức tín dụng (sửa đổi), cùng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng…, sẽ trở thành động lực cho thị trường khởi sắc và phát triển bền vững.

Trong số các kỳ vọng, cá nhân tôi chia sẻ với những ý kiến đề cập ba vấn đề quan trọng hiện nay. Thứ nhất là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Đây cũng chính là chủ đề của hội nghị quan trọng do Thủ tướng Chính phủ chủ trì hôm 16/3 vừa qua. Các số liệu tại hội nghị cho thấy bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Vì vậy có thể nói công nhân, những người thu nhập thấp rất mong chờ các quyết sách trong lĩnh vực này. Hơn nữa việc khơi thông dòng vốn và thúc đẩy tiến độ các dự án nhà ở xã hội cũng sẽ góp phần giúp thị trường bất động sản khởi sắc.

Điểm đáng chú ý là tại hội nghị trên, lãnh đạo Chính phủ đã nêu rõ, nhà ở xã hội ngoài hình thức mua thì phải có thuê và thuê mua; ngành Ngân hàng nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm, lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng phù hợp…

Kỳ vọng các quyết sách đồng bộ của Chính phủ sẽ sớm tháo gỡ các khó khăn đối với chương trình một triệu căn nhà ở xã hội.

Thứ hai, đối với lĩnh vực dự án bất động sản, nhà ở thương mại, những vấn đề tồn tại lâu nay là: thừa phân khúc cấp cao, thiếu sản phẩm dành cho người thu nhập trung bình và thấp; thiếu nguồn cung căn hộ, nhất là ở Hà Nội; hàng loạt dự án vướng mắc về pháp lý; mặc dù thị trường khó khăn song tình trạng đầu cơ, "thổi giá", "đẩy giá" vẫn tồn tại dai dẳng…

Bắt trúng "bệnh" là yếu tố quan trọng để chữa khỏi bệnh. Thực tế thì thời gian qua các cấp có thẩm quyền, trong đó có Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho địa phương, doanh nghiệp đã chủ động vào cuộc, thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ cho thị trường, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực…

Một trong những nguyên nhân khiến nhà chung cư ở Hà Nội tăng giá như tôi đề cập ở đầu bài viết, là nguồn cung khan hiếm, nhiều dự án dở dang, chậm tiến độ do vướng mắc về vốn và nhất là về pháp lý… Như vậy việc tháo gỡ các vướng mắc cụ thể cho từng dự án trên cơ sở quy định pháp luật, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính và nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng, thiết nghĩ sẽ phần nào giúp tạo thêm nguồn cung cho thị trường trong ngắn hạn.

Cuối cùng là về việc quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW.

Đây là một chủ trương đúng đắn, cần sớm được triển khai với kỳ vọng sẽ góp phần làm dịu bớt cơn sốt nhà đất như từng xảy ra ở giai đoạn trước đây, giúp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực… Tuy nhiên quá trình thực hiện chủ trương này, nhiều chuyên gia đã lưu ý cần thiết kế hành lang pháp lý để tránh hiện tượng người có nhiều nhà, đất sẽ tăng tiền cho thuê, ôm hàng chờ tăng giá, chuyển chi phí thuế vào giá bán trong tương lai; còn người có nhu cầu mua nhà thật sự vẫn phải bấm bụng mua hàng giá cao.

Nói cách khác, cần khẳng định ý nghĩa tích cực của đề xuất đánh thuế cao đối với người có nhiều nhà, đất, với kỳ vọng sẽ góp phần "siết" tình trạng đầu cơ, ổn định thị trường bất động sản, tăng nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo công bằng xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế và đúng với diễn biến của thị trường. Tuy nhiên, để đề xuất này được triển khai trên thực tế, chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề cần xử lý nhằm tạo sự đồng thuận xã hội.

Theo tôi, điều quan trọng nhất là xác định cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc xác định quy mô, tính chất, địa bàn và giá trị nhà, đất thuộc diện chịu thuế cao; phân biệt giữa việc sở hữu nhiều bất động sản cho mục đích chính đáng và việc sở hữu bất động sản để đầu cơ; tiêu chí bất động sản thứ nhất và thứ hai, thứ ba...; phân biệt giữa nhà, đất ở của người nghèo với nhà, đất ở của người giàu…

Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!