1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Lương 6 triệu đồng/tháng, tài xế ông Trịnh Văn Quyết từng có 230 tỷ đồng?

Hải Nam

(Dân trí) - Được sự nhờ vả của em gái ông Quyết, Trương Văn Tài đã ký Hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần/Giấy nộp tiền để sở hữu 23 triệu cổ phần Công ty Faros, tương đương 230 tỷ đồng.

Trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, VKSND Tối cao cáo buộc tài xế riêng của ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) đã giúp sức để tăng vốn góp khống tại Công ty Faros.

Theo cáo trạng, lái xe của ông Quyết là Trương Văn Tài. Dù không nộp tiền góp vốn nhưng Tài được Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) nhờ đứng tên là cổ đông góp vốn để hợp thức việc tăng vốn góp khống.

Cụ thể, Tài đã ký Hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần/Giấy nộp tiền để sở hữu 23 triệu cổ phần, tương đương 230 tỷ đồng.

Sau đó, bị can này chuyển trả lại toàn bộ số cổ phần này cho Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết) đứng tên là cổ đông góp vốn vào Công ty Faros để hợp thức việc nâng khống vốn góp.

Lương 6 triệu đồng/tháng, tài xế ông Trịnh Văn Quyết từng có 230 tỷ đồng? - 1

Ông Trịnh Văn Quyết (Ảnh: L.P.).

Cáo trạng cáo buộc, hành vi của Trương Văn tài đã giúp sức để Huế nâng khống vốn chủ sở hữu, để cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán. Từ đó, hành vi này giúp ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của hơn 30.000 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.

Tại cơ quan điều tra, Tài khai nhận hành vi phạm tội và cho biết bản thân chỉ được hưởng lương 6 triệu đồng/tháng. Bị can đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả 20 triệu đồng.

Cơ quan công tố cho rằng, hành vi phạm tội của Tài là rất nghiêm trọng. Bị can biết rõ là không có tiền góp vốn, không nhận tiền vay của Công ty Faros nhưng dùng thủ đoạn gian dối để thực hiện hành vi nâng khống vốn điều lệ. Trương Văn Tài bị VKSND Tối cao truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, ông Trịnh Văn Quyết và em gái đã hợp thức việc góp vốn, sử dụng vốn góp, tạo dòng tiền để ghi nhận tăng vốn góp chủ sở hữu từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng trong sổ sách kế toán và Báo cáo tài chính của Công ty Faros trái pháp luật.