1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Colombia cắt đứt quan hệ với Israel

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Gustavo Petro tuyên bố Colombia sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel giữa lúc xung đột leo thang ở Dải Gaza.

Colombia cắt đứt quan hệ với Israel - 1

Tổng thống Colombia Gustavo Petro phát biểu tại Bogota, Colombia hôm 1/5 (Ảnh: Reuters).

"Ngày mai (2/5), quan hệ ngoại giao (của Colombia) với nhà nước Israel sẽ bị cắt đứt vì nước này có lãnh đạo phạm tội diệt chủng", Tổng thống Colombia Gustavo Petro tuyên bố tại cuộc mít tinh nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở Bogota.

Tuyên bố của Tổng thống Petro đề cập tới Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Ông Petro là người chỉ trích gay gắt chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza sau cuộc tấn công chưa từng có của Hamas vào miền nam Israel hôm 7/10/2023.

Theo số liệu của Israel, cuộc tấn công của Hamas đã khiến khoảng 1.170 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường. Các chiến binh Hamas cũng bắt giữ khoảng 250 con tin, 129 người trong số đó vẫn ở Gaza, trong đó có 34 người Israel được cho là đã thiệt mạng.

Cơ quan y tế Gaza xác nhận, chiến dịch quân sự trả đũa của Israel đã khiến ít nhất 34.568 người ở Gaza, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng.

Tổng thống Petro đã nói trước hàng nghìn người ủng hộ rằng thế giới không thể chấp nhận "nạn diệt chủng".

"Nếu người Palestine chết, nhân loại cũng không còn", ông Petro nói trong tiếng vỗ tay ủng hộ của đám đông. Một số người đã giăng biểu ngữ ủng hộ Palestine.

Israel đã đáp trả bằng cách chỉ trích Tổng thống Petro là người "bài Do Thái và thù ghét", nói rằng lập trường của nhà lãnh đạo Colombia giống như trao phần thưởng cho Hamas.

Colombia đã cùng với Bolivia, Belize và Nam Phi cắt đứt quan hệ với Israel. Một số quốc gia khác đã triệu hồi các nhà ngoại giao.

Vào tháng 10, vài ngày sau khi xung đột ở Gaza bắt đầu bùng phát, Israel tuyên bố "tạm dừng xuất khẩu thiết bị an ninh" sang Colombia sau khi Tổng thống Petro cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant sử dụng ngôn từ về người dân Gaza tương tự những gì "Đức Quốc xã nói về người Do Thái".

Israel vào thời điểm đó cáo buộc Tổng thống Petro "bày tỏ sự ủng hộ đối với hành động nghiêm trọng do Hamas gây ra, thúc đẩy chủ nghĩa bài Do Thái" và triệu tập đại sứ Colombia. Bogota sau đó yêu cầu đặc phái viên của Israel rời khỏi đất nước Nam Mỹ.

Vào tháng 2, ông Petro đã đình chỉ việc mua vũ khí của Israel sau khi hàng chục người chết trong cuộc tranh giành viện trợ lương thực ở Dải Gaza. Trước đó, lực lượng vũ trang Colombia sử dụng vũ khí và máy bay do Israel sản xuất.

Một số kênh truyền thông đưa tin Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) có thể phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và các sĩ quan quân đội cấp cao khác.

ICC đã mở một cuộc điều tra về cáo buộc tội ác chiến tranh của quân đội Israel và các nhóm vũ trang Palestine ở Bờ Tây và Gaza từ năm 2021. Cuộc điều tra bao gồm các sự kiện kể từ năm 2014. Tòa án có trụ sở tại Hague khẳng định những vi phạm đã xảy ra trong cuộc xung đột sau vụ tấn công của Hamas vào Israel hồi tháng 10 năm ngoái cũng nằm trong thẩm quyền điều tra của ICC.

Israel lo ngại lệnh bắt giữ sẽ được ICC đưa ra dựa trên cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza, khi các quốc gia cáo buộc Israel vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Geneva.

Israel không phải là thành viên của ICC và không công nhận quyền tài phán của ICC. Tuy nhiên, nếu lệnh bắt giữ ông Netanyahu và các quan chức Israel khác được ban hành, 124 quốc gia thành viên ICC sẽ có nghĩa vụ bắt giữ nếu họ đặt chân tới những nước này.

ICC, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, là tòa án quốc tế thường trực duy nhất trên thế giới có quyền truy tố các cá nhân bị buộc tội về tội ác chiến tranh, diệt chủng và tội ác chống lại loài người. Cơ quan này không sở hữu lực lượng cảnh sát riêng mà chủ yếu dựa vào 124 quốc gia thành viên, bao gồm hầu hết các nước châu Âu để bắt giữ những nhân vật bị kết án.

Theo AFP