“Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không phù hợp”

(Dân trí) - “Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang gặp phải vấn đề lựa chọn chiến lược phát triển không phù hợp. Chiến lược phát triển ngành này phải dựa vào 2 yếu tố cơ bản là quy mô kinh tế và liên kết. Tuy nhiên, ở Việt Nam có thể nói là chưa thành công”.

Tiến sỹ Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết như vậy khi bàn về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Hội thảo Tham vấn ý kiến các Hiệp hội và ngành hàng về các Hiệp định thương mại trong thời gian tới Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế tổ chức mới đây.

“Lúng túng trong xây dựng chiến lược”

Liên quan đến chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô và những tác động của các Hiệp định thương mại, ông Trần Hữu Huỳnh - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết: “Những người làm chính sách cần phải làm cho được việc đánh giá tác động của các Hiệp định thương mại đối với đối tượng chịu tác động”.

Theo ông Huỳnh: “FTA liên quan đến mặt hàng ô tô trong ASEAN, trong đó ô tô là một trong 9 mặt hàng được ưu tiên hội nhập sớm hơn vào năm 2010 thay vì vào năm 2015 như trước đây, còn bản thân các doanh nghiệp đang nỗ lực hết sức để làm sao tồn tại đến năm 2018”.
 
“Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không phù hợp” - 1

(Ảnh: Việt Hưng)
 
Ngành công nghiệp có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam, tạo ra việc làm cho hơn 70.000 lao động và tạo ra hệ thống dịch vụ do các nhà sản xuất cung cấp, vì vậy chiến lược nào cho sự tồn tại và phát triển của ngành là điều được quan tâm đặc biệt.

Tiến sỹ Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định: “Ngành ô tô của Việt Nam đang gặp phải vấn đề lựa chọn chiến lược phát triển không phù hợp”.

Từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước đến bây giờ, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô phải dựa vào 2 yếu tố cơ bản là quy mô kinh tế và liên kết, nhằm chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, ở Việt Nam có thể nói là chưa thành công”.

“Về cơ bản, Việt Nam phát triển ngành công nghiệp ô tô nhưng dựa vào bảo hộ. Nếu chúng ta bắt đầu từ con số tạm gọi là “zero” thì chi phí để xử lý nó là tương đối thấp, nhưng tích tụ càng nhiều năm thì chi phí điều chỉnh chiến lược, chi phí điều chỉnh phát triển lại cao hơn rất nhiều.

Chính điều này đã phản ánh phần nào sự lung túng nhất định của Việt Nam trong quá trình xây dựng, mở cửa thị trường, lập hàng rào bảo hộ hay nói một cách rộng rãi hơn là tự do hóa thương mại. Đây cũng là bài học tương đối đắt giá cho quá trình phát triển chưa hiệu quả của ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam.” - Tiến sỹ Thành phân tích.

Tuy thời gian cho việc xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đã muộn, nhưng Tiến sỹ Thành cho rằng vẫn chưa chấm hết, nếu nhìn nhận lại thì ngành này vẫn có những “cửa” để có thể xử lý. Để phát triển được ngành công nghiệp ô tô thì chính bản thân ngành này phải đảm bảo các điều kiện nhất định, hoặc nguồn lực cơ bản của Việt Nam sẽ được dịch chuyển sang ngành nghề khác.

“Trong bất cứ trường hợp nào thì quá trình xử lý hết sức quan trọng để giảm chi phí điều chỉnh và một trong những điều kiện đó là phải tăng cường tính minh bạch, tính dự báo của chính sách và tính thời hạn nhất định cho quá trình điều chỉnh. Vai trò quan trọng của nhà hoạch định chính sách là phải giải trình tốt về tài chính và phải biết lắng nghe tất cả những kiến nghị những thắc mắc của doanh nghiệp” - Tiến sỹ Thành khẳng định.

0% thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc vào năm 2012?

Phó Tổng Giám đốc Công ty ô tô Toyota Việt Nam, bà Đặng Phan Thu Hương, cho hay: “Tôi vừa nhận được một bản Dự thảo về nhóm các mặt hàng được cắt giảm và xóa bỏ thuế quan vào năm 2012 (giảm thuế suất xuống mức 0 - 5%), trong đó có ô tô nhập khẩu nguyên chiếc. Đây thực sự là một thông tin bất ngờ”.

“Theo lộ trình phát triển đến năm 2020 - 2030 thì năm 2018 ô tô mới là mặt hàng nhập khẩu được xóa bỏ thuế quan (thuế suất 0%). Vì vậy, nếu bản dự thảo này được thông qua thì tôi tin chắc rằng không chỉ Toyota Việt Nam mà các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) sẽ phải đóng cửa” - bà Hương khẳng định.

Cũng theo bà Hương: “Vấn đề này hết sức quan trọng gắn với sự tồn tại của ngành công nghiệp ô tô, vì vậy chúng tôi đề nghị Ủy ban hợp tác Quốc tế giữ nguyên thời điểm 2018 và thống nhất với cơ quan quản lý ngành có sự xem xét nghiên cứu thấu đáo.

Chính phủ cần có lộ trình cụ thể theo các cam kết, theo lộ trình FTA để doanh nghiệp quyết định từng bước thực hiện. Với mốc thời gian 2012 như trong dự thảo thì các doanh nghiệp gần như là “bó tay” và nói không với ngành công nghiệp ô tô”.

Tuy nhiên, đại diện phía Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội cho rằng: “Việc đẩy nhanh lộ trình giảm thuế đối với ô tô Việt Nam là rất cần thiết, vì hiện nay giá cước vận tải ở Việt Nam hiện đang đắt gấp đôi, thậm chí đắt gấp 3 so với Lào, Campuchia, Trung Quốc nên việc cạnh tranh rất khó khăn.

Một trong những nguyên nhân khiến giá cước vận tải cao là do giá xe. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải ô tô Việt Nam hiện nay rất mong mỏi Nhà nước sớm đẩy nhanh lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan để được mua xe giá phải chăng, tốt và đủ sức cạnh tranh với nước ngoài”.

Quỳnh Anh