1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đề xuất miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp sau 12 năm tham gia, chưa từng nhận

Hoa Lê

(Dân trí) - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng (12 năm) mà chưa từng hưởng trợ cấp thì không tiếp tục phải tham gia mà vẫn được bảo vệ.

Liên quan đến chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng (12 năm) sẽ không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

Về vấn đề này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ đối với quy định này vì sẽ có ảnh hưởng lớn đến người lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động lý giải, nếu người lao động đóng đủ 144 tháng bảo hiểm thất nghiệp (12 năm), mà không được hưởng trợ cấp thất nghiệp với những tháng đóng nhiều hơn, sẽ khiến họ làm đủ 12 năm rồi nghỉ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Việc người lao động nghỉ đủ 12 tháng sẽ tạo ra nguy cơ rút bảo hiểm xã hội một lần.

Điều này gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng, sẽ mất đi những người lao động làm việc lâu năm, hoặc người lao động sẽ phối hợp với người sử dụng lao động trục lợi chính sách trợ cấp thất nghiệp.

Đề xuất miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp sau 12 năm tham gia, chưa từng nhận - 1

Người dân giải quyết thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh: HL).

Quy định cũng sẽ khiến người lao động có tâm lý không mặn mà quay lại quan hệ lao động chính thức. Vì thế, Tổng Liên đoàn đề nghị bỏ quy định này, cho phép người lao động được đóng và hưởng trợ cấp thất nghiệp, đối với thời gian đóng trên 144 tháng.

Cùng với đó, tổ chức Công đoàn cũng đề xuất nghiên cứu quy định người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng, mà chưa có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Phần bảo hiểm thất nghiệp phải tham gia theo quy định, được bổ sung vào các chế độ khác của bảo hiểm xã hội để tăng quyền lợi cho người lao động khi nghỉ hưu.

Người lao động có thời gian đóng dư, mà chưa có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì được vay ưu đãi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, để duy trì sinh kế, hoặc được tính hưởng hỗ trợ cho thân nhân gặp rủi ro về việc làm.

Tổ chức Công đoàn cũng cho rằng thực tế có những người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đủ để hưởng lương hưu, nhưng chưa đủ tuổi, do đặc thù ngành nghề hoặc nguyện vọng làm việc họ phải nghỉ việc chờ hưởng lương hưu.

Trong thời gian đó, việc người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với thời gian đóng là hợp lý, đảm bảo thu nhập cho người lao động không có việc làm trong thời gian nghỉ chờ hưởng lương hưu.

Thực tế, việc không bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với trường hợp đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng là quy định đang được thực hiện theo quy định của luật Việc làm năm 2013.

Tuy nhiên, do luật Việc làm năm 2013 không nêu rõ quy định này dẫn đến nhiều lao động hiểu lầm. Nay dự án luật Việc làm sửa đổi bổ sung, nêu rõ quy định này tại khoản 3 điều 103.

Ngày 17/10/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có công văn số 4379/LĐTBXH-VL gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giải thích rõ về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng.

Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng và đáp ứng đủ các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng (tương ứng với 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp) và không được bảo lưu đối với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp còn lại.