Bảo hiểm thất nghiệp quá lợi, người lao động thích… thất nghiệp

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Chỉ cần đóng bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng rồi nghỉ việc, người lao động được hưởng 3 tháng trợ cấp, tương đương 1,8 tháng lương. Lợi ích lớn nên người lao động thích… thất nghiệp.

Đóng 12% hưởng 180%

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động (NLĐ) khi bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN.

Mức đóng BHTN được quy định như sau: NLĐ đóng bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1%; nhà nước hỗ trợ tối đa 1%.

Như vậy, mỗi năm, quỹ BHTN thu 36% tiền lương tháng của NLĐ, trong đó chỉ có 12% là NLĐ đóng từ tiền lương của mình.

Nhưng khi hưởng, NLĐ được nhận rất nhiều quyền lợi để đảm bảo cuộc sống khi chưa tìm được việc làm mới như: trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế miễn phí, chi phí hỗ trợ học nghề…

Bảo hiểm thất nghiệp quá lợi, người lao động thích… thất nghiệp - 1

Trợ cấp thất nghiệp là khoản tài chính đảm bảo đời sống cho NLĐ khi chẳng may mất việc (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Nếu chỉ xét riêng về trợ cấp thất nghiệp, mức hưởng trợ cấp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

NLĐ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp, tối đa không quá 12 tháng.

BHTN hoạt động theo nguyên tắc chia sẻ, ai đi làm cũng đóng nhưng chỉ người bị mất việc mới được hưởng, giúp chia sẻ gánh nặng tài chính cho NLĐ thất nghiệp trong lúc chưa tìm được việc làm.

Tuy nhiên, vì điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp rộng rãi nên xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách này để hưởng lợi, nhất là những lao động vừa đóng BHTN đủ 12 tháng. Khi đó, họ nghỉ việc là được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 3 tháng.

Tức là, NLĐ đóng BHTN với số tiền bằng 12% lương tháng (trong 12 tháng) nhưng họ được hưởng trợ cấp trong 3 tháng, mỗi tháng bằng 60% lương tháng (3 tháng là 180%).

Chính vì lợi ích lớn như trên thực tế, có tình trạng xuất hiện một nhóm người lao động… thích nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bảo hiểm thất nghiệp quá lợi, người lao động thích… thất nghiệp - 2

Hệ lụy cho thị trường lao động

Theo cán bộ công đoàn một công ty may mặc có hơn 5.000 công nhân ở TPHCM, hơn 50% lao động nghỉ việc mỗi năm tại công ty là chủ động nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thậm chí, có trường hợp NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ động xin làm tiếp tại doanh nghiệp vừa nghỉ theo dạng thời vụ, không tham gia bảo hiểm. Khi hết thời gian hưởng trợ cấp, họ mới ký hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm trở lại.

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho thấy, nhóm đăng ký thất nghiệp nhiều thường là lao động trẻ tuổi vì họ dễ xin việc hơn lao động lớn tuổi, có thời gian đóng BHTN ngắn (thường là 1-2 năm) và lao động phổ thông (doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao nên không sợ mất việc).

Trong quý I/2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tiếp nhận 28.535 người nộp hồ sơ đăng ký thất nghiệp thì lao động từ 40 tuổi trở xuống là 71%; lao động không có bằng cấp chứng chỉ chiếm đến 50% (dù tỷ lệ lao động phổ thông ở TPHCM rất thấp).

Không phải lao động trẻ dễ mất việc hơn lao động lớn tuổi, không phải lao động phổ thông bị đuổi việc nhiều hơn lao động có tay nghề mà là có một bộ phận không nhỏ chủ động nghỉ việc.

Theo lãnh đạo một trung tâm dịch vụ việc làm, việc NLĐ chủ động nghỉ việc chỉ để hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong thời gian hưởng trợ cấp vẫn đi làm là một hình thức trục lợi quỹ BHTN.

Tình trạng này không chỉ gây hại cho quỹ BHTN mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thống kê thông tin thị trường lao động. Bởi trong số liệu thất nghiệp được các trung tâm dịch vụ việc làm thống kê chắc chắn có một số không nhỏ là những NLĐ thích… thất nghiệp, chủ động nghỉ việc để hưởng trợ cấp.

Số liệu thống kê sai lệch sẽ ảnh hưởng đến kết quả đánh giá cung cầu và thực trạng thị trường lao động, dẫn đến các dự báo kinh tế thiếu chuẩn xác và xây dựng chính sách không sát thực tiễn thị trường.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, NLĐ chỉ cần đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật là đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, tình trạng trên rất khó ngăn chặn vì NLĐ vẫn làm đúng quy định.