1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nguy cơ chiến tranh kinh tế Trung-Nhật

Nguy cơ về một cuộc chiến kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đang gia tăng khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm tra hàng hóa Nhật Bản vào nước này, còn Nhật Bản cảnh báo đầu tư vào Trung Quốc sẽ bị giảm sút.

Trong khi đó, căng thẳng giữa hai nước xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
 
Một siêu thị của Nhật Bản bị phá tại Trung Quốc
Một siêu thị của Nhật Bản bị phá tại Trung Quốc
 
Ngày 25/9, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai đã có cuộc gặp người đồng cấp phía Trung Quốc là ông Trương Chí Quân tại Bắc Kinh nhằm tìm giải pháp tháo ngòi nổ cho những căng thẳng giữa hai bên liên quan tới tranh chấp quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, trên biển Hoa Đông.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh làn sóng chống Nhật đã bùng phát ở Trung Quốc tuần qua và vẫn đang đe dọa mối quan hệ hữu nghị hợp tác cũng như kinh tế cả hai nước.

Trung-Nhật hội đàm trong căng thẳng

Bất chấp việc các nhà ngoại giao của hai nước ngồi vào bàn hội đàm ở Bắc Kinh, trong khuôn khổ chuyến công du Trung Quốc hai ngày của Thứ trưởng Kawai, bên ngoài phòng họp, cuộc xung đột giữa hai nước vẫn tiếp tục leo thang.

Tokyo đã cáo buộc 3 tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản sáng 24/9. Ông Kawai đã gọi điện cho Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa để phản đối việc các tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản.

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cũng tố cáo rằng, sáng 25/9, hàng chục tàu cá cùng sáu tàu tuần duyên của Đài Loan đã đi vào vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết, JCG đã đưa ra cảnh báo các tàu không được xâm nhập lãnh hải Nhật Bản và đã sử dụng vòi rồng cũng như các biện pháp khác nhằm buộc các tàu Đài Loan thay đổi hải trình.

Trong khi đó, Đài NHK dẫn lời các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 25/9 cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã trình Liên hợp quốc văn bản phản đối bản đồ hải giới quần đảo Senkaku mà Trung Quốc mới đệ trình hồi đầu tháng. Trong văn bản trên, Nhật Bản đã khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này cũng như các đảo phụ cận.

Cũng theo NHK, trong ngày 26/9, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sẽ có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó sẽ đề cập tới điều mà ông gọi là nguyên tắc luật pháp trong giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Như vậy, xung đột Trung-Nhật đã leo thang trong những ngày đầu tuần này và “cuộc chiến” giữa hai bên không chỉ dừng lại ở các cuộc biểu tình đường phố, mà đã trở thành vấn đề ‘nóng” trên bàn nghị sự của các nhà ngoại giao hai nước và Liên hợp quốc.

Cuộc chiến kinh tế sẽ gây hậu quả nghiêm trọng

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là tranh chấp lãnh thổ đang có nguy cơ đẩy hai nước Trung-Nhật vào một cuộc chiến kinh tế. Và một khi điều này xảy ra, không chỉ hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này bị tổn hại nghiêm trọng, mà kinh tế khu vực cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong vài ngày qua, đã có những động thái rõ ràng cho thấy, hai nước Trung-Nhật sẽ sử dụng “vũ khí kinh tế” để chống lại nhau. Các doanh nghiệp Nhật Bản ngày 24/9 cho biết Hải quan Trung Quốc đã thông báo với các công ty vận chuyển hàng hóa Nhật Bản rằng, họ sẽ siết chặt kiểm tra hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không của Nhật Bản tại sân bay ở Bắc Kinh.

Theo Kyodo, trước đó, Hải quan Trung Quốc đã siết chặt kiểm tra hàng hóa Nhật Bản đến Trung Quốc cũng như các chuyến hàng Trung Quốc đến Nhật Bản tại các cảng biển chính của Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Noda trong bài trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal hôm 23/9 nhận định rằng, các công ty Nhật Bản hiện đang đối diện với một dạng “quấy rối về kinh tế” ở Trung Quốc. Các trì hoãn gần đây trong thủ tục hải quan và thị thực đã gây quan ngại. Ông Noda cũng cảnh báo rằng, thái độ cứng rắn và không thỏa hiệp của Bắc Kinh trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ có thể làm suy yếu nền kinh tế của chính Trung Quốc.

Trong khi đó, theo một số chuyên gia kinh tế, thì một cuộc chiến kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế khu vực, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang ảm đạm. Joe Mannix, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thái Lan (AmCham) cho rằng, tranh chấp Trung-Nhật sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế châu Á.

Khi các công ty của Nhật phải đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc bởi biểu tình của người dân trên diện rộng, hàng tỷ USD vốn đầu tư và nhiều hơn thế trong buôn bán và xuất nhập khẩu giữa 2 nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới đang bị đe doạ.

Thủ tướng Nhật Bản Noda hôm 23/9 cũng đã nhận định rằng, tranh chấp lãnh thổ Trung–Nhật “không chỉ mang tới hệ quả xấu cho nền kinh tế của đôi bên, mà còn ảnh hưởng cả kinh tế toàn cầu”.
 
Theo Trung Việt
VnEconomy