1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhiều doanh nghiệp Nhật muốn rút khỏi Trung Quốc vì lo ngại an ninh

(Dân trí) - Lo lắng những căng thẳng về ngoại giao giữa hai nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, không ít doanh nghiệp Nhật đang cân nhắc khả năng rút lui khỏi thị trường Trung Quốc.

Những ngày qua, hàng loạt cuộc biểu tình chống Nhật đã nổ ra khắp các thành phố tại Trung Quốc. Nhiều công ty Nhật buộc phải tạm ngừng hoạt động vì lí do an ninh. Trên đường phố Thượng Hải đã có trường hợp người Nhật bị tấn công. Tình hình khiến nhiều nhà đầu tư nước này thực sự lo ngại.
 
Người biểu tình Trung Quốc đập phá ô tô của Nhật
Người biểu tình Trung Quốc đập phá ô tô của Nhật

Kết quả một cuộc khảo sát được Reuters công bố ngày 21/9 cho thấy, có tới 41% doanh nghiệp Nhật được hỏi khẳng định những tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc đang ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của mình. Trong đó không ít doanh nghiệp cho biết đang xem xét rút lui và chuyển hướng sang thị trường khác. 

Tại thành phố cảng Thiên Tân, gần Bắc Kinh, một số doanh nghiệp Nhật chia sẻ với tờ Asahi rằng họ nhận được thông báo từ các nhân viên hải quan rằng sẽ tiến hành kiểm tra hàng hóa thường xuyên hơn, làm dấy lên lo ngại các lô hàng nhập từ Nhật Bản vào Trung Quốc sẽ bị kéo dài thời gian thông quan. 

Tình hình khiến hãng Honda bắt đầu phải tính đến những phương án dự phòng. “Chúng tôi đang cố gắng dự báo mọi thứ và chuẩn bị nhiều nhất có thể để tranh ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh”, CEO Takanobu Ito phát biểu trong buổi họp báo. 

Trong khi đó nhà cung cấp lốp xe cho Toyota là Toyo Tire & Rubber Co. khẳng định đã gác lại kế hoạch mở rộng sản xuất tại thị trường Trung Quốc. “Những cuộc biểu tình có thể ảnh hưởng tới quyết định tiếp tục đầu tư của chúng tôi vào Trung Quốc”, ông Kenji Nakakura, CEO của hãng chia sẻ với tờ tuần báo Osaka. 

“Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng mà chúng tôi chưa thể rút lui nhưng đối với kế hoạch đầu tư thì chúng tôi nghiêng về khả năng phát triển các thị trường khác, ví dụ như Malaysia”. Với phát biểu này của ông Nakakura, Toyo Tire chính là doanh nghiệp Nhật đầu tiên công khai việc xem xét lại kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc vì những cuộc biểu tình chống Nhật.

Trong tuần qua rất nhiều người biểu tình Trung Quốc đã đổ xuống đường. Một số người quá khích đã ném trứng vào cửa đại sứ quán Nhật thậm chí đốt phá các cửa hiệu của các công ty Nhật. Một số xe ô tô của Nhật cũng bị đập phá tan tành hoặc đốt cháy. 

Bản thân Toyo Tire hôm 18/9 đã phải tạm đóng cửa phân xưởng sản xuất lốp xe bus và xe tải tại thành phố Thanh Đảo. Đến 19/9 hoạt động mới được nối lại. Ông Nakakura cho biết các đại lý của Toyo Tire cũng bị người biểu tình phản ứng dữ dội vì bán hàng hóa của Nhật. Nhà sản xuất lốp xe lớn thứ thư của Nhật buộc phải yêu cầu nhân viên tạm dừng các chuyến công tác tới Trung Quốc. 

“So với các loại phụ tùng ô tô khác, lốp xe dễ bị người ta trông thấy hơn bởi đa số chúng được bán trong các gian trưng bày và thương hiệu rất dễ nhận ra”, Nakakura chia sẻ. “Do vậy chúng tôi rất lo ngại trước những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật”. 

Ngoài Toyo Tire không ít doanh nghiệp Nhật khác cũng đang ngày càng e ngại hơn về thị trường Trung Quốc. “Chúng tôi lo rằng các công nhân Trung Quốc có thể tẩy chay làm việc cho các doanh nghiệp Nhật hoặc yêu cầu tăng lương quá đáng”, một nhà sản xuất thiết bị vận tải chia sẻ với Reuters. 

Một công ty sản xuất máy móc khác thì cho biết hàng hóa của họ bị ách lại tại hải quan dù đã làm đầy đủ các thủ tục như mọi khi, khiến việc xuất khẩu trở nên khó khăn. Một công ty thiết bị máy vận tải thì tiết lộ họ đã bị loại khỏi các cuộc đấu thầu tại Trung Quốc. 

“Chúng tôi từng có nhiều sự cố ngoại giao trong quá khứ và cuối cùng các công ty Nhật tại Trung Quốc luôn là người chịu thiệt hại”, Naoto Saito, nhà kinh tế cấp cao của Viện nghiên cứu Daiwa nói. “Chuyện này có thể còn tiếp diễn. Vậy nên các công ty sẽ nghiêm túc đặt câu hỏi liệu họ có muốn tới Trung Quốc hay sẽ đầu tư vào các thị trường khác”. Ông cho biết các doanh nghiệp Nhật có thể chuyển sang các thị trường Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan. 

Thanh Tùng
Theo Bloomberg và Reuters