1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Masan MeatLife hé lộ tham vọng “chinh phục” thị trường 10 tỷ USD

(Dân trí) - “Thịt lợn là mảng lớn nhất trong ngành thực phẩm và đồ uống có giá trị thị trường hơn 10 tỷ USD tại Việt Nam, gấp 2,5 lần thị trường ngành sữa và lớn hơn tất cả các ngành như nước chấm, nước tương, sữa,… của ngành này cộng lại”, Tổng Giám đốc Masan MeatLife cho hay.

Chiều nay 2/12, Công ty thành viên của Tập đoàn Masan là Công ty CP Masan MeatLife (MML) đã tổ chức buổi roadshow với nhà đầu tư tại Hà Nội trong chuỗi sự kiện chuẩn bị đưa cổ phiếu giao dịch tại thị trường UpCom.

Do Masan MeatLife vẫn đang chờ phê duyệt của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) nên chỉ có thông tin ngày dự kiến đưa cổ phiếu giao dịch tại thị trường UpCom là 9/12 tới. Các thông tin về giá dự kiến, ngày giao dịch hiện chưa được công bố.

Masan MeatLife hé lộ tham vọng “chinh phục” thị trường 10 tỷ USD - 1

Masan MeatLife là cái tên mới, nhưng với giới đầu tư và người trong ngành nông nghiệp thì không xa lạ bởi Masan MeatLife là được đổi từ Masan Nutri-Science (MNS) với các loại thức ăn gia súc (đứng đầu thị trường với dòng sản phẩm Biozeem), thức ăn cho gà, thức ăn cho cá sản xuất bởi các công ty ANCO, Proconco.

Masan MeatLife đã ra mắt thành công sản phẩm thịt mát đầu tiên được chứng nhận với công nghệ chế biến đạt chuẩn châu Âu mang thương hiệu “MeatDeli” vào tháng 12/2018. Dòng sản phẩm này được người tiêu dùng đón nhận như một trong những sản phẩm thịt tươi ngon nhất trên thị trường, đảm bảo an toàn và giá cả hợp lý.

Cho đến nay, công ty đã phát triển nhanh chóng, phục vụ hơn 700.000 người tiêu dùng với hơn 260 điểm bán tại Hà Nội và hơn 40 điểm bán tại TPHCM. Riêng tại Hà Nội, Masan MeatLife cho biết sẽ có 500 điểm bán hàng MeatDeli vào dịp tết năm nay.

Trích số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), ông Phạm Trung Lâm - Tổng Giám đốc Masan Meatlife cho biết: Việt Nam là nước có lượng tiêu thụ thịt lợn cao thứ 2 thế giới, tỷ lệ tăng trưởng 20% trong giai đoạn 2019-2025.

“Thịt lợn là mảng lớn nhất trong ngành thực phẩm và đồ uống - F&B- có giá trị thị trường hơn 10 tỷ USD tại Việt Nam, gấp 2,5 lần thị trường ngành sữa và lớn hơn tất cả các ngành như nước chấm, nước tương, sữa,… của ngành F&B cộng lại”, ông Lâm cho hay.

Thị trường lớn như vậy, nhưng 99% thị trường là các sản phẩm thịt lợn không có thương hiệu. So sánh với Mỹ, ông Lâm cho biết, sức mua thịt lợn của Mỹ gấp 9 lần ở Việt Nam, nhưng giá mua đến tay người tiêu dùng thì ở Việt Nam cao hơn 40% so với Mỹ.

Đây là sự bất cập của thị trường. "Thị trường thịt lợn của chúng ta hiện nay rất giống thị trường sữa cách đây 20 năm, khi cùng tồn tại nghịch lý lớn là không có tiêu chuẩn, hầu hết sản phẩm không có thương hiệu, không có người dẫn đầu thay đổi thị trường. Trong vòng 20 năm, thị trường sữa tăng trưởng gấp 4 lần, một doanh nghiệp nội địa (Vinamilk) vươn lên chiếm hơn 50% thị phần”, ông Lâm so sánh.

Masan MeatLife hé lộ tham vọng “chinh phục” thị trường 10 tỷ USD - 2

MeatDeli đã được phân phối qua hệ thống 410 điểm bán và kênh bán trực tiếp B2B tới doanh nghiệp

Do đó, “chúng tôi nhận định đây là thời cơ rất lớn để mở rộng quy mô, cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn chất lượng cao, giá cả hợp lý, đồng thời đón đầu xu hướng tiêu dùng để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường vô cùng tiềm năng”, ông Lâm chia sẻ.

Mục tiêu của Masan MeatLife là chiếm khoảng 15% thị trường thịt vào năm 2025. Theo ông Lâm: “Tôi cho rằng đây là con số bảo thủ, tốc độ mở rộng thị phần sẽ nhanh hơn. Quá trình chuyển đổi từ một công ty chuyên về thức ăn chăn nuôi thành công ty theo mô hình hàng tiêu dùng cung cấp sản phẩm thịt có thương hiệu sẽ không thể thành công nếu không có sự đóng góp của hơn 3.000 thành viên công ty. Tất cả chúng tôi đều cùng chung mục tiêu mang đến nguồn đạm động vật chất lượng hơn cho mỗi gia đình người Việt".

Nằm trong chiến lược chuyển đổi sang mô hình ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) có tốc độ tăng trưởng nhanh, MeatDeli dự kiến đạt doanh thu từ 500 - 1.000 tỷ đồng trong năm 2019 với hơn 500 điểm bán tại miền Bắc và miền Nam. Công ty kỳ vọng đến năm 2022, các sản phẩm thịt có thương hiệu sẽ đóng góp 50% - 70% doanh thu của công ty, khi người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang tiêu thụ sản phẩm thịt có thương hiệu, an toàn, truy xuất được nguồn gốc, vệ sinh và giá cả hợp lý, thay vì các sản phẩm thịt không rõ nguồn gốc như trước đây.

Chia sẻ thêm về lý do lên sàn UpCom, đại diện Masan cho biết: Ngoài việc mang đến tính minh bạch cho các cổ đông, đây là bước đi chiến lược góp phần đưa công ty đạt mục tiêu IPO theo tiêu chuẩn quốc tế trên sàn chứng khoán HOSE vào năm 2022 – 2023. Điều này cũng nhất quán với chiến lược tổng thể của Masan Group nhằm niêm yết tất cả các công ty thành viên trên các sàn giao dịch chính trong năm 2022-2023 để đem lại giá trị tối đa cho cổ đông.

 An Hạ