1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cổ phiếu Vingroup tăng mạnh đẩy VN-Index bật tăng trước nghỉ lễ

Mai Chi

(Dân trí) - Trong mức tăng 4,55 điểm của VN-Index hôm nay, VIC đóng góp tới gần 2,3 điểm. HoSE xanh vỏ đỏ lòng khi phần lớn số mã giảm nhưng chỉ số vẫn tăng.

Nhờ nỗ lực tăng điểm mạnh mẽ của một số cổ phiếu lớn, VN-Index đã đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần với trạng thái tăng điểm tích cực. VN-Index tăng 4,55 điểm tương ứng 0,38% lên 1.209,52 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,75 điểm tương ứng 0,33% và UPCoM-Index tăng 0,43 điểm tương ứng 0,48%.

VN30-Index có mức tăng mạnh hơn so với VN-Index, tăng 6,78 điểm tương ứng 0,55% trong khi rổ này chỉ có 13 mã tăng giá.

VN-Index tăng điểm tốt bất chấp sàn HoSE có 227 mã giảm, nhiều hơn so với 209 mã tăng. Sàn HoSE "xanh vỏ đỏ lòng" do ảnh hưởng của lực kéo từ một số mã lớn, đáng chú ý nhất là sức bật mạnh của VIC.

Cổ phiếu Vingroup tăng mạnh đẩy VN-Index bật tăng trước nghỉ lễ - 1

VIC "nhảy" 3 bậc trong bảng xếp hạng vốn hóa nhờ mức tăng mạnh phiên 26/4 (Nguồn: VDSC).

Trong mức tăng 4,55 điểm của VN-Index hôm nay, VIC đóng góp tới gần 2,3 điểm. Một số mã khác cũng có ảnh hưởng đáng kể lên chỉ số chính là HDB, GVR, MWG, TCB, SHB… Cụ thể, VIC tăng 5,8% lên 44.450 đồng; HDB tăng 4,9%; SHB tăng 3,2%; GVR tăng 2%; MWG tăng 2%.

Nhờ mức tăng mạnh nên VIC cũng "nhảy" 3 bậc trong bảng xếp hạng vốn hóa, vượt qua GAS, HPG và TCB. Giá trị vốn hóa thị trường của VIC đạt xấp xỉ 170.000 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với đầu phiên; vốn hóa của GAS là 168.810 tỷ đồng; của HPG là 165.140 tỷ đồng và vốn hóa TCB là 164.149 tỷ đồng.

Một số mã lớn giảm nhưng mức giảm đáng kể nhất tại MSN là 1,3%; STB giảm 0,9%; BID giảm 0,8%; GAS giảm 0,7%; CTG giảm 0,6%; còn lại giảm nhẹ, không đáng kể.

Thanh khoản thị trường co hẹp trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Khối lượng giao dịch trên HoSE chỉ đạt 620,88 triệu cổ phiếu tương ứng 15.488,39 tỷ đồng và trên HNX là 60,37 triệu cổ phiếu tương ứng 1.210,64 tỷ đồng; trên UPCoM là 30,63 triệu đồng tương ứng 263,92 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục phân hóa. QCG phiên này bị chốt lời, quay đầu giảm mạnh 4,4% còn 15.200 đồng sau khi tăng lên 16.700 đồng trong phiên. DIG, DXG, CCL tương tự cũng chuyển trạng thái từ tăng sang giảm.

Cổ đông các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu bắt đầu kỳ nghỉ một cách nhẹ nhõm khi có nhiều mã tăng giá mạnh. Trong số 5 cổ phiếu tăng trần trên HoSE thì có 3 mã thuộc ngành này là CTI, HAS và DXV. FCN áp sát mức trần, tăng 6,4%; TCR tăng 6,4%; HBC tăng 4,7%; LBM tăng 4,1%; VNE tăng 4%...

Với sự dẫn dắt của HDB, SHB và TCB, cổ phiếu ngành ngân hàng có diễn biến khả quan, nhiều mã tăng giá như NAB, LPB, MSB, OCB, ACB, VCB. Tuy vậy, tại nhóm chứng khoán, nhiều mã chịu sức ép điều chỉnh: EVF giảm 3%; VDS, VND, VIX, APG, BSI, AGR giảm hơn 1%.

Cổ phiếu chứng khoán giảm trên diện rộng sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản nêu ý kiến về việc vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX, cho rằng chưa đủ cơ sở để chấp thuận đề nghị của HoSE trong việc đưa hệ thống KRX vào vận hành chính thức vào ngày 2/5.

UBCKNN yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSDC) chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đảm bảo hệ thống giao dịch, đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ hiện tại vận hành an toàn, ổn định và thông suốt trong mọi tình huống.