Những trăn trở của nguyên CTN Trương Tấn Sang cũng là của dân

(Dân trí) - “Ở các quốc gia văn minh, chỉ cần một Bộ trưởng lỡ lời là đủ để cho Chính phủ buộc người đó thôi chức để giữ uy tín cho Đảng cầm quyền. Còn ở ta, một quốc gia có nền văn hiến hàng nghìn năm rực rỡ, sao lại không thể làm như vậy?”

Những trăn trở của nguyên CTN Trương Tấn Sang cũng là của dân - 1

 Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu trong tôn trọng và sử dụng nhân tài (ảnh tư liệu)

Kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ, nguyên Chủ tịch nước (CTN) Trương Tấn Sang có bài viết tâm huyết được nhiều báo đăng tải, trong đó ông nhấn mạnh về kinh nghiệm chọn hiền tài cho đất nước qua một số thời kỳ,  đặc biệt là cách trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những trăn trở của ông trước các tiêu cực.

Trong bài viết của mình, ông Trương Tấn Sang nhắc lại, “trong những ngày dầu sôi lửa bỏng năm 1946, trước khi sang Pháp thực hiện chuyến công du nước ngoài lâu ngày, Bác Hồ đã ký sắc lệnh ủy nhiệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sĩ ngoài Đảng Cộng sản, làm quyền Chủ tịch nước với lời dặn dò gan ruột: “Dĩ bất biến ứng vạn biến!”. Cụ Huỳnh đã đảm nhiệm công việc này một cách trọn vẹn.” Dù rất ngắn gọn, từ “ngày dầu sôi lửa bỏng” tới “nhân sĩ ngoài Đảng Cộng sản, làm quyền Chủ tịch nước” và đã  “đảm nhiệm công việc này một cách trọn vẹn”, nguyên CTN đã nêu rõ cách Bác Hồ dùng người và đặt niềm tin, trọng trách lớn cho nhân sĩ.

Trải qua hơn 70 năm, kể từ năm 1946, đất nước trải qua bao thác ghềnh, không chỉ từ các cuộc kháng chiến, mà ngay trong trong công cuộc xây dựng đất nước, nhìn lại ngày ấy và so sánh với hiện tại, nguyên CTN Trương Tấn Sang trăn trở và đặt ra những câu hỏi bức thiết là chuyện đương nhiên.

 Khi cầm quyền, không ít cán bộ của Đảng đã biến chất, lúc đầu chỉ là những con sâu, sau là những “bầy sâu”, như nguyên thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã thẳng thắn chỉ ra từ năm 2011 trong cuộc tiếp xúc với cử tri tại quận 1 (TP HCM). Và qua hành động loại trừ tham nhũng tiêu cực ngày càng quyết liệt, dư luận thấy rõ hơn “bầy sâu” này không chỉ đục khoét ngân khố, mà hậu quả của nó lớn hơn nhiều, như nguyên CTN chỉ rõ, “dẫn đến sự bất bình to lớn trong nhân dân và đặt sinh mệnh chính trị của Đảng, của chế độ vào thế bất lợi.”

Một trong những nguyên nhân trên là từ công tác cán bộ. Bởi vậy, ông Trương Tấn Sang đau đáu trước những tiêu cực trong công tác lựa chọn cán bộ: “Chúng ta đã có những bài học đau xót về việc giới thiệu cán bộ không đủ phẩm chất và năng lực nhưng là cánh hẩu, là họ hàng, là đổi chác và cũng không loại trừ việc đút lót tiền bạc, của cải để được vào các vị trí trọng yếu.” Vâng, Ông nói rất thẳng, tiêu cực này dẫn đến cán bộ không đủ phẩm chất “vào các vị trí trọng yếu” - Quá nguy hiểm cho đất nước.

 Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đưa ra “bài học đau xót” một cách bao quát, nhưng dư luận thấy rất rõ, không chỉ giới hạn ở lãnh đạo các doanh nghiệp, địa phương, mà xâm nhập tới cả các vị tướng trong quân đội, công an và một số vị ở “các vị trí trọng yếu” đã nhúng tràm như thế nào. Nhưng điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm hơn là, hầu hết các vị này bị khởi tố bởi những tội danh liên quan đến vị trí công tác trước đó, có khi đến cả chục năm, thậm chí có vị tưởng đã “hạ cánh an toàn”. Điều này cho thấy, công tác quy hoạch, tuyển chọn cán bộ tầng tầng lớp lớp những quy trình, tưởng rằng chặt chẽ nhất, nhưng rõ ràng có những lổ hổng lớn. Một trong những khoảng trống đó được ông Sang đặt ra câu hỏi và tự trả lời:  “Làm thế nào để có thể hạn chế tối đa những sai sót trong công tác lựa chọn cán bộ, đặc biệt là ở cấp chiến lược? Câu trả lời ở đây là cơ chế trách nhiệm.”

 Bởi cơ chế trách nhiệm chưa rõ, nên dù có sai phạm, nhưng Trịnh Xuân Thanh vẫn được thăng chức liên tục. Những người nâng đỡ Thanh có nhiều người, nhưng ông Đinh La Thăng, bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là những người ủng hộ một cách nhiệt thành nhất, nhưng cả hai ông này chưa bao giờ bị kỷ luật vì đã giới thiệu Trịnh Xuân Thanh. Còn với ông Thăng đang phải ngồi tù về những sai phạm đã xảy ra trước đó cả chục năm. Trong chục năm đó, với những sai phạm nghiêm trọng treo trên đầu như vậy, nhưng ông Thăng vẫn thăng tiến. Đó là một vấn đề rất lớn. Rất lớn bởi, ông Thăng được thăng tiến khi đã phạm tội nghiêm trọng, mà không cơ quan chức năng nào phát hiện ra. Tương tự,  một số vị tướng trong quân đội, công an đều bị khởi tố về những tội trước khi được thăng chức.

Do đó, đề xuất quy trình tuyển chọn cán bộ của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được dư luận rất quan tâm, ủng hộ: “Nếu người được tiến cử vi phạm những tiêu chuẩn về chuyên môn, đạo đức trong công việc, người giới thiệu và những thành viên nào trong tập thể tán thành giới thiệu bổ nhiệm nhân sự sai lầm cũng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật tương xứng.” Nếu quy trình này được thực thi, chắc chắn những vị lãnh đạo muốn giới thiệu ai đó sẽ phải cẩn trọng hơn, và cũng không dám giới thiệu với động cơ không trong sáng để tạo vây cánh.

Với văn hóa từ chức, điều mà dư luận đang bàn tán sôi nổi, trong bài viết của mình, nguyên CTN Trương Tấn Sang không né tránh khi đặt ra câu hỏi: “Ở các quốc gia văn minh, chỉ cần một Bộ trưởng lỡ lời là đủ để cho Chính phủ buộc người đó thôi chức để giữ uy tín cho Đảng cầm quyền. Còn ở ta, một quốc gia có nền văn hiến hàng nghìn năm rực rỡ, sao lại không thể làm như vậy?”

Vương Hà