Cấm ghi âm, ghi hình khi chưa xin phép: Quy định gây nhiều tranh cãi

Nội quy về việc tiếp công dân của UBND TP Hà Nội ban hành có nội dung “cấm” công dân quay phim, chụp ảnh cán bộ tiếp công dân khi chưa được sự đồng ý đang gây nhiều tranh cãi.

Cấm ghi âm, ghi hình khi chưa xin phép: Quy định gây nhiều tranh cãi - Ảnh 1.

Cán bộ phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đang tiếp dân. Ảnh minh họa

Trong quyết định về nội quy tiếp công dân tại trụ sở Tiếp công dân vừa được ban hành, UBND TP Hà Nội cấm các hành vi quay phim, chụp ảnh khi chưa được sự đồng ý của cán bộ tiếp công dân. Vấn đề này ngay lập tức gây nhiều tranh cãi và các ý kiến tranh luận liên quan.

Ngày 11.1, trao đổi với PV Lao Động, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhìn nhận, quy định trên sẽ nhận được sự phản ứng từ nhiều người.

Theo LS Cường, hiện nay trong Luật tiếp công dân không có quy định cấm hay hạn chế công dân quay phim, chụp ảnh khi thực hiện thủ tục tiếp công dân. Do đó, nếu UBND TP.Hà Nội đưa ra quy định này trong nội quy tiếp công dân thì cũng cần có luận giải, giải thích về căn cứ pháp lý trong kĩ thuật xây dựng văn bản đối với nội dung này.

Việc ghi âm, ghi hình với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và thực hiện quyền giám sát của công dân đối với hoạt động của các cán bộ, viên chức, của cơ quan nhà nước thì việc này cũng rất tốt. Qua đó, việc thực hiện quyền giám sát để những người thi hành công vụ có ý thức tốt hơn, có trách nhiệm hơn trong việc phục vụ nhân dân, thể hiện công khai, minh bạch, dân chủ.

“Như vậy, nếu công dân thực hiện việc ghi âm, ghi hình thì sẽ có những chứng cứ để khiếu nại hoặc tố cáo hành vi của những cán bộ tiếp dân khi những người này không thực hiện nhiệm vụ, không thực hiện các nghĩa vụ nêu trên, vi phạm nội qui tiếp công dân, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân...” – luật sư Cường bày tỏ.

LS Đặng Văn Cường cũng cho hay các trường hợp công dân lợi dụng việc ghi âm, ghi hình để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cán bộ tiếp công dân hoặc thực hiện những hành vi nêu trên để gây rối trật tự công cộng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với những chế tài hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, sử dụng ghi âm, ghi hình trong quá trình tiếp công dân sẽ phát huy được mặt tích cực của công nghệ.

Việc ghi hình, sử dụng các thiết bị giám sát trong quá trình tiếp công dân sẽ là những chứng cứ khách quan, quan trọng để xem xét việc tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức cũng như của công dân khi thực hiện luật tiếp công dân.

Khi có sự kiện pháp lý xảy ra, có những tình huống va chạm, mâu thuẫn thì những chứng cứ ghi âm, ghi hình này là cần thiết để xử lý bất cứ bên nào (người tiếp công dân hoặc công dân) khi những người đó có hành vi vi phạm nội qui, vi phạm pháp luật.

Nếu không có thiết bị ghi hình thì những hành vi không thực hiện đúng nội qui, không thực hiện đúng các quy định pháp luật sẽ khó có chứng cứ để xử lý trước pháp luật, cho dù người vi phạm là cán bộ tiếp công dân hay là công dân có mặt tại đây.

Theo Vương Trần – Cao Nguyên

Báo Lao động