Bài 1:

Tiếng thét đau đớn của rừng xanh Tây Nguyên và những thước hình gây sốc!

(Dân trí) - Ngày đêm, lâm tặc mở “công trường” khai thác gỗ trái phép trong khu rừng giao khoán thuộc xã Ia Rmok (huyện Krông Pa). Tuy nhiên, khu vực này chính quyền đi kiểm tra về báo cáo không phát hiện…

Giữa trưa, tiếng cưa lốc “thét gầm” từ khu vực rừng Cộng đồng buôn Kniê (thuộc xã Ia Rmok, huyện Krông Pa). Hàng chục gốc cây lớn nhỏ bị lâm tặc đốn hạ, xẻ hộp ngay tại rừng. Những chiếc xe sắt “nhộn nhịp” nối đuối nhau vận chuyển gỗ khai thác ra khỏi bìa rừng.

Như mọi ngày, sáng sớm từ buôn Kniê, hàng chục xe sắt mang theo cưa lốc nối đuôi nhau chạy qua Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Ia Dreh (thuộc BQL RPH Nam Sông Ba) tiến vào hai nhánh rừng thuộc huyện Krông Pa (Gia Lai). Để biết địa điểm khai thác, chúng tôi đã âm thầm bám theo một đoàn xe vào hướng rừng sâu. Vượt qua chặng đường rừng hơn 15km mà chỉ có chiếc xe sắt được độ chế thêm nhông, xích, chúng tôi mới tới được địa điểm khai thác gỗ trái phép.

Lâm tặc ngang nhiên mở "công trường", "xẻ thịt" rừng xanh

Tuy chỉ mới hơn 10h sáng, nhưng cánh rừng giao khoán do cộng đồng buôn Kniê và buôn Hnga bảo vệ đã “nhộn nhịp” nhiều nhóm người khai thác gỗ trái phép. Trên đường đi, chúng tôi đã chạm mặt với hai băng đang khai thác gỗ gồm: Một nhóm khoảng 5 người và nhóm thứ 2 là 11 người dân trong làng.

Tiếng thét đau đớn của rừng xanh Tây Nguyên và những thước hình gây sốc! - 1
Ngay đường vào, nhiều cây có gắn bảng giao khoán, bảo vệ rừng đều bị đốn hạ

Lần mò theo tiếng cưa từ trong rừng sâu, chúng tôi đã đến được “công trường” nơi một nhóm người đang khai thác. Theo quan sát của PV, trong 11 người thì có 4 người làm nhiệm vụ hạ cây, 2 người xẻ và số còn lại là dùng xe sắt thay nhau vận chuyển gỗ từ dưới suối ra ngoài bìa rừng để tập kết.

Tiếng thét đau đớn của rừng xanh Tây Nguyên và những thước hình gây sốc! - 2
Hàng chục gốc bị đốn hạ, chính quyền không biết (?)

Thấy người lạ tiếp cận, tiếng cưa bỗng dưng im hẳn…6 con mắt đổ dồn vào chúng tôi có ý dò xét. Trong vai người đi săn lan, chúng tôi dễ dàng tiếp cận và quan sát nhóm người đang xẻ cây trong khu rừng giao khoán. Một người trong nhóm kể: “Mình là người dân trong làng, mấy cây này mới hạ hôm qua nhưng do hôm qua trời mưa nên anh em ngủ trong rừng. Sáng nay, hạ thêm chục gốc nữa rồi chiều nay tập trung xe chở gỗ ra làng và có xe tận làng đến mua. Mỗi ngày nếu bình quân trừ phí chung chi, xăng xe thì cũng được mỗi người được gần 1 triệu…”.

Tiếng thét đau đớn của rừng xanh Tây Nguyên và những thước hình gây sốc! - 3
Những gốc gỗ mới xẻ, nhựa còn ứa mủ

Tiếng cưa tiếp tục thét vang cả cánh rừng, người hạ cây, người xẻ hộp…tiếng cây đổ ầm ầm khiến lũ chim trong rừng bay nháo nhác tìm nơi trú ẩn. Hàng chục gốc đường kính từ 40 – 60cm nằm la liệt dọc đường. Những chiếc xe sắt chở 4 – 6 tấc gỗ, rồ ga vượt qua những con núi dựng đứng, theo hướng ra bìa rừng. Khó có thể tin, một “công trường” khai thác gỗ trái phép lại hoạt động một cách “công khai” như vậy mà lực lượng chức năng không biết (?) .

Tiếng thét đau đớn của rừng xanh Tây Nguyên và những thước hình gây sốc! - 4
Lâm tặc kéo hàng chục đối tượng vào tận rừng để khai thác gỗ

Nhằm tránh bị phát hiện, nghi ngờ, chúng tôi đã quay ra. Dọc đường ra, các xe sắt đã chất đầy gỗ và đang chờ những xe còn lại để chở về…

Kiểm tra rừng tuần từ 1-2 lần…báo cáo không phát hiện (?)

Trước tình trạng, các đối tượng “lâm tặc” ngang nhiên mở “công trường” khai thác gỗ trái phép trong khu rừng giao khoán thuộc xã Ia Rmok thì PV đã trực tiếp báo lên lãnh đạo Hạt kiểm lâm và chính quyền địa phương để bắt quả tang.

Tiếng thét đau đớn của rừng xanh Tây Nguyên và những thước hình gây sốc! - 5
Rừng giao khoán bị phá, xã kiểm tra nhiều lần không phát hiện được

Trao đổi với chúng tôi, Ksor Run (Chủ tịch UBND xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) thông tin: “Dựa theo vị trí mà phóng viên cung cấp, lực lượng chức năng đã tiến hành vào kiểm đếm và phát hiện có hàng chục gốc bị cưa tại rừng giao khoán nhóm hộ buôn Kniê. Hiện nay, lực lượng đang tiến hành đo đếm và lập biên bản hiện trường để xử lý theo quy định…”.

Tiếng thét đau đớn của rừng xanh Tây Nguyên và những thước hình gây sốc! - 6
Gần chục xe độ chế sắp hàng dày để vận chuyển gỗ đi tiêu thụ

“Mỗi năm, xã được giao hơn 300 triệu đồng từ Qũy dịch vụ môi trường rừng để chi trả cho các nhóm hộ thực hiện công tác bảo vệ rừng. Qua đó, cứ một tuần khoảng từ 1 – 2 lần các nhóm hộ được giao phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn để đi vào khu vực này để kiểm tra. Tuy nhiên, sau mỗi lần báo cáo đều không phát hiện tình trạng khai thác gỗ trái phép trên lâm phần quản lý. Chỉ đến khi phóng viên báo thì chúng tôi mới biết có tình trạng trên xảy ra”, ông Run cho biết thêm.

Tiếng thét đau đớn của rừng xanh Tây Nguyên và những thước hình gây sốc! - 7
Nhận hàng trăm triệu tiền bảo vệ rừng...rừng vẫn bị phá.

Trái với việc báo cáo không thấy của xã, tại hiện trường phóng viên đã chứng kiến các đối tượng lâm tặc ngang nhiên dùng cưa lốc đốn hạ hàng chục gốc. Ngoài ra, phóng viên còn phát hiện rất nhiều gốc đã cũ bị đốn hạ đã nằm rải rác trong khu vực rừng giao khoán thuộc buôn Hnga và Kniê. Trên gốc cây không có dấu hiệu kiểm tra của lực lượng bảo vệ rừng. Dấu chấm hỏi đặt ra về công tác tuần tra, bảo vệ rừng và hưởng lợi hàng trăm triệu đồng từ ngân sách. Tuy nhiên, rừng vẫn bị xâm hại, còn chính quyền xã bảo không phát hiện tình trạng trên (?).

Tiếng thét đau đớn của rừng xanh Tây Nguyên và những thước hình gây sốc! - 8
Những gốc gỗ cổ thụ mới bị đốn hạ, đang chờ xẻ hộp ...

Khi xem những hình ảnh, Clip ghi lại cận cảnh các đối tượng ngang nhiên đốn hạ, xẻ hộp ngay tại rừng, ông Tạ Chí Khanh (Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa) bức xúc nói: “Trong công tác quản lý bảo vệ rừng nhiều năm nay từ cấp tỉnh đến huyện đã chỉ đạo rất nghiêm. Qua đó, thường xuyên lập nhiều đoàn kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm. Với những hình ảnh phóng viên cung cấp, huyện sẽ chỉ đạo và xác minh. Qua đó, xử lý nghiêm các các đơn vị quản lý, đối với những trường hợp “tiếp tay” nếu đủ yếu tối theo quy định sẽ khởi tố hình sự theo quy định pháp luật”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Phạm Hoàng