"Thu hàng của người bán hàng rong nhưng không lập biên bản là trái pháp luật!"

(Dân trí) - Sau khi đoạn clip ghi hình tổ tuần tra thuộc đội thanh niên xung kích quản lý trật tự đô thị TP Nha Trang thu gom đồ của người bán hàng rong mà không lập biên bản được phát tán, dư luận đã có nhiều phản ứng trái chiều về hành động này của tổ tuần tra. Về góc độ pháp lý, luật sư cho rằng hành vi này của đội thanh niên xung kích là trái pháp luật.

Ngày 26/5, chỉ sau vài giờ đăng tải lên mạng, một đoạn clip ghi hình vụ việc tổ tuần tra thuộc đội thanh niên xung kích quản lý trật tự đô thị TP Nha Trang thu gom hàng rong mà không lập biên bản đã nhận được hơn 3.000 lượt chia sẻ và hàng ngàn bình luận về cách xử lý người bán hàng rong của cơ quan quản lý.

Đa số bình luận cho rằng tổ tuần tra thu mũ nón mà không lập biên bản là không đúng pháp luật.

"Tịch thu đồ không phải là mấy anh này, bởi không có quyền. Cơ quan quản lý đô thị khi tịch thu phải ra biên bản và hướng dẫn để người ta đóng phạt" - một tài khoản viết.

Thu hàng của người bán hàng rong nhưng không lập biên bản là trái pháp luật! - 1
Một người bán hàng rong bị tạm giữ hàng hóa. Ảnh minh họa: Nguyễn Trường

Một tài khoản khác chia sẻ: "Chưa có chính sách tạo công ăn việc làm cho người nghèo thì nên tuyên truyền vận động là chính, khuyến cáo bà con đứng sát vào trong cùng vỉa hè giữ gìn trật tự thông thoáng, không nên bắt bớ thu giữ hàng hóa của họ vì họ nghèo lắm, có nghèo mới phải đi làm công việc này".

Ngày 1/7 trả lời báo chí, ông Huỳnh Châu Sơn, đội phó đội thanh niên xung kích quản lý trật tự đô thị TP Nha Trang, xác nhận tổ thanh niên xung kích thu một số mũ, nón của một người phụ nữ lớn tuổi là xảy ra trên đoạn đường Tuệ Tĩnh (TP Nha Trang) được một clip ghi trước đó là những thành viên thuộc đội.

Theo ông Sơn, lúc 9h15 ngày 26/6, bà Nguyễn Thị Thúy Oanh (50 tuổi, trú Đồng Nai) sử dụng xe bán hàng rong (mũ, nón) cho khách du lịch tại khu vực ngã ba đường Trần Phú - Tuệ Tĩnh.

Xác định bà Oanh vi phạm điểm a, khoản 1, điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tổ tuần tra tiến hành tạm giữ 17 chiếc mũ, nón của bà Oanh, sau đó mời bà về trạm trật tự số 3 làm việc.

Đến khoảng 10h20 cùng ngày, bà Oanh đã đến làm việc và ký xác nhận biên bản vi phạm hành chính.

"Do tuyến đường này vào buổi sáng thường xuyên bị tắc do lượng ôtô rất nhiều, du khách đi bộ đông, nên các trường hợp bán hàng rong, lôi kéo du khách xảy ra gây mất trật tự an ninh, an toàn giao thông, nên thanh niên xung kích quản lý trật tự đô thị phải ngăn chặn những người này" - ông Sơn nói.

Về việc cư dân mạng cho rằng tổ thanh niên xung kích thu mũ, nón như vậy là phản cảm, không khác gì hành vi "ăn cướp", ông Sơn cho rằng nói như vậy là bóp méo sự thật gây hiểu nhầm.

"Qua sự việc, anh em cũng họp bàn và thống nhất rút kinh nghiệm, lên phương án các lần tuần tra sau là sẽ sử dụng máy quay phim, ghi lại hình ảnh xử lý, lập biên bản tại chỗ hoặc đưa cả người cả hàng về trạm xử lý", ông Sơn phân trần.

Trả lời báo chí chiều ngày 1/7, ông Ngô Khắc Thinh - phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - cho biết: "Về nguyên tắc vi phạm hành chính, nếu tạm giữ một cái gì thì phải lập biên bản. Về chức năng nhiệm vụ, đội thanh niên xung kích đủ thẩm quyền để lập biên bản, cho nên khi phát hiện hành vi vi phạm đều phải lập biên bản, trừ trường hợp người vi phạm không hợp tác thì buộc phải có người chứng kiến để ký chứng kiến".

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật TNHH LSX, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định: Hành vi của người phụ nữ bán hàng rong có thể tạm xác định hành vi vi phạm hành chính được quy định tại điểm a, khoản 1 điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày26 tháng 5 năm 2016 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ : ‘Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng.  Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Thành viên đội quản lý trật tự đô thị TP Nha Trang có quyền buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chínhtheo quy định tại Điều 55 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012

“Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được người có thẩm quyền đang thi hành công vụ áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra nhằm chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.”

Đối với hành vi vi phạm trên, người xử lý hành chính được quyền không phải lập biên bản theo quy định tại Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản:

“Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.”

Tuy nhiên Điểm b, khoản 1 điều 3 Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định “Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật”.

Theo quy định tại khoản 09 điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP thì không có quy định hình thức xử phạt vi phạm hành chính tịch thu.

Do vậy hành vi tịch thu hàng hóa này của đội trưởng đội thanh niên xung kích quản lý trật tự đô thị TP Nha Trang với một người phụ nữ lớn tuổi là xảy ra trên đoạn đường Tuệ Tĩnh (TP Nha Trang) trong trường hợp này là trái pháp luật.

Dẫu biết rằng cơ quan chức năng phải đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị nên phải xử lý các trường hợp bán hàng rong có vi phạm, tuy nhiên không thể vì lý do đó mà người thực thi pháp luật có hành động tùy tiện, không có căn cứ pháp luật. Chính việc không tuân thủ đúng quy định pháp luật, tự ý cho phép mình có những hành xử vượt ngoài khuôn khổ pháp luật như vậy mà tạo ra những hình ảnh rất phản cảm, gây hiệu ứng xấu trong tâm lý người dân chứng kiến sự việc.

Khả Vân (thực hiện)