Không đủ tiền nộp phạt vi phạm nồng độ cồn, xin nộp dần được không?

Hải Hà

(Dân trí) - Luật sư cho biết, việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện như: Bị phạt tiền từ 20 triệu đồng trở lên đối với cá nhân và từ 200 triệu đồng trở lên đối với tổ chức.

Như đã đưa tin, ông T.C.N. (36 tuổi, quê Ninh Thuận) lái xe máy trên đường Hoàng Sa, khi qua khu vực cầu Trần Khánh Dư (quận 1) bị tổ công tác kiểm tra phát hiện nồng độ cồn vượt mức kịch khung (0,588mg/lít khí thở). Ông N. bị CSGT lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái 23 tháng, tạm giữ xe 7 ngày.

Ông N. cho biết, "7 triệu đồng tiền phạt là xem như gần hết tháng lương của tôi rồi.

Ông Đ.T.L. (SN 1990, quê Bến Tre) lái xe máy chở vợ trên đường D2, phường Long Thạnh Mỹ (TP Thủ Đức), bất ngờ bị Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an TP Thủ Đức dừng xe kiểm tra nồng độ cồn, phát hiện ông L. có nồng độ cồn vượt hơn gấp đôi mức kịch khung (0,993mg/lít khí thở). Nam tài xế bị CSGT lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái 23 tháng, tạm giữ xe 7 ngày.

Trong khi đó, vợ nam tài xế L. chia sẻ: "Tôi làm công nhân trong khu công nghệ cao, chồng làm tài xế. Hai vợ chồng có mỗi chiếc xe để đi làm. CSGT phạt 7 triệu là hơn một tháng lương cơ sở của tôi rồi. Gần Tết mà phải đóng phạt 7 triệu, với gia đình công nhân thì số tiền này lớn lắm".

Không đủ tiền nộp phạt vi phạm nồng độ cồn, xin nộp dần được không? - 1

CSGT xử phạt những người vi phạm nồng độ cồn (Ảnh: An Huy).

Bên dưới bài viết, độc giả Lam Nguyen cho rằng cần xem lại việc xử phạt nồng độ cồn hiện nay, chúng ta cần phải xác định mức nồng độ cồn mà người dân được phép và mức độ nào sẽ bị xử phạt bởi "thu nhập kiểu Việt Nam nhưng phạt như ở nước ngoài là không hợp lý".

Tuy nhiên ý kiến này đã vấp phải sự phản ứng của nhiều độc giả khác. Độc giả Nguyen Duc Chanh nêu quan điểm: "Ăn nhậu rồi cố tình lái xe trên đường phố là căn bệnh cần phải dùng thuốc đặc trị, không thể để tình trạng thách thức pháp luật lây lan như hiện nay".

Cho rằng cần tăng mức phạt để công dân phải có trách nhiệm với hành vi của mình, độc giả Tuấn Nguyễn Thế: "Việc phạt này là áp dụng để răn đe người dân biết phạt nặng mà không vi phạm; việc nâng cao mức phạt và xử lý đối với hành vi sử dụng rượu bia lái xe là hợp lý; đồng thời tăng cường tuyên truyền hơn nữa đến từng người dân về việc sẽ bị phạt nếu vi phạm nâng cao nhận thức của người dân trách nhiệm với chính bản thân mình và người khác".

Độc giả Công Thành Nguyễn: "Cách đây hơn chục năm về trước, khi còn ở bên Hàn quốc, mức xử phạt nồng độ cồn đã là 100 triệu, và mức phạt đó cũng là hơn 3 tháng lương cơ bản của người Hàn luôn. Thế nên ở Việt Nam mức phạt này là hợp lý. Chỉ có điều nồng độ cho phép ở mức 0 thì hơi khó. Theo cá nhân tôi thì nên có điều chỉnh về dung sai một chút để nhiều người không bị mất tiền oan khi không hề uống nhưng cũng không đủ lý lẽ, không đủ hiểu biết mà khiếu nại!".

Độc giả Văn Sáng băn khoăn, trường hợp bị phạt tiền với mức tối đa mà do hoàn cảnh khó khăn không thể nộp phạt, người dân có thể xin nộp phạt kiểu "trả góp", xin nộp dần hay xin miễn giảm tiền phạt được không?

Giải đáp băn khoăn này, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc nộp phạt vi phạm giao thông được thực hiện theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo quy định tại Điều 79 Luật này, thì việc nộp phạt có thể được chia ra nhiều lần.

Tuy nhiên, nếu mức vi phạm nếu dưới ngưỡng 20 triệu đồng sẽ không thuộc phạm vi được nộp phạt nhiều lần.

Cụ thể, việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện như: Bị phạt tiền từ 20 triệu đồng trở lên đối với cá nhân và từ 200 triệu đồng trở lên đối với tổ chức; đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần.

Đơn đề nghị của cá nhân phải được UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế; đối với đơn đề nghị của tổ chức phải được xác nhận của cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp.

Khi đạt được những điều kiện trên, người vi phạm có thể nộp phạt nhiều lần. Tuy nhiên, thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 6 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá ba lần. Mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt.

"Người đã ra quyết định phạt tiền có quyền quyết định việc nộp tiền phạt nhiều lần. Quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần phải bằng văn bản", luật sư Quách Thành Lực thông tin.