Kiên Giang:

Cụ bà dành nửa đời người ròng rã đi đòi hơn 5.400m2 đất: Thanh tra Chính phủ nói gì?

(Dân trí) - Ngày 5/7, ông Nguyễn Đức Hương - Phó Cục trưởng Cục III, Thanh tra Chính phủ cùng đại diện một số cán bộ tỉnh Kiên Giang có buổi làm việc với ông Danh Leo xung quanh vụ việc mẹ ông là bà Thị Sảnh dành nửa đời người đi đồi 5.400m2 đất bị UBND huyện An Biên lấy từ năm 1983. Dù buổi làm việc quan trọng, nhưng trước đó ông Danh Leo không hề nhận được thư mời về buổi làm việc này.

Dân bất ngờ về buổi làm việc của Thanh tra Chính phủ

 Buổi làm việc diễn ra tại UBND huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang). Đại diện Thanh tra Chính phủ là ông Nguyễn Đức Hương – Phó Cục trưởng Cục III; đại diện UBND tỉnh Kiên Giang là ông Lê Trường Kế - Phó Chánh thanh tỉnh, ông Bùi Đức Long – Phó Ban tiếp công dân tỉnh, ông Huỳnh Thanh Tuấn  - Phó Phòng khiếu tố, Thanh tra tỉnh và lãnh đạo huyện An Biên.

Tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Đức Hương quán triệt về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 23041/VPCP - V.I của Văn phòng Chính phủ; nêu một số nội dung cần trao đổi, giải thích rõ, làm cơ sở để công dân hiểu và chấp hành khi cấp có thẩm quyền ra quyết định giải quyết vụ việc.

Cụ bà dành nửa đời người ròng rã đi đòi hơn 5.400m2 đất: Thanh tra Chính phủ nói gì? - 1

Buổi làm việc với Thanh tra Chính phủ vào ngày 5/7, gia đình ông Danh Leo không hề được thông báo trước.

Về nguồn gốc đất khiếu nại, đoàn công tác nêu: đất có nguồn gốc của gia đình bà Thị Sảnh khai phá, sử dụng trước năm 1954. Sau đó, chính quyền chế độ cũ xây dựng tuyến đường liên xã cắt mảnh đất của bà Thị Sảnh ra làm 2 phần, phần trên lộ và phần dưới lộ (cặp bờ sông).

Về quá trình sử dụng đất, phần đất cặp bờ sông: gia đình bà Thị Sảnh sử dụng liên tục đến khi cơ quan có thẩm quyền quy hoạch bến đò phục vụ người dân vào năm 1983. Còn phần đất trên lộ, trước 30/4/1975 gia đình bà Sảnh có sử dụng đất nhưng không có tài liệu nào có đủ cơ sở pháp lí theo quy định pháp luật để xác định bà Sảnh sử dụng liên tục đến 30/4/1975. Một số cá nhân là người cố cựu trong khu vực có 2 luồng ý kiến khác nhau, có ý kiến cho là chế độ cũ sử dụng làm đồn Pốt đến 30/4/1975 nhưng cũng có ý kiến gia đình bà Sảnh sử dụng đến 30/4/1975.

Từ sau 30/4/1975 đến khi giải tỏa làm nhà văn hóa: Thanh tra Chính phủ không thu thập được tài liệu nào có đủ cơ sở pháp lí theo quy định pháp luật để xác định gia đình bà Thị Sảnh sử dụng phần đất liên tục từ 30/4/1975 đến khi cơ quan có thẩm quyền quy hoạch, giải tỏa làm nhà văn hóa. Gia đình bà Thị Sảnh không cung cấp tài liệu chứng mình việc sử dụng phần đất này.

Về việc giải tỏa thu hồi đất, đoàn công tác nêu: Phần đất dưới lộ, năm 1983 cơ quan có thẩm quyền thu hồi, giải tỏa để làm bến đò, tuy nhiên Thanh tra Chính phủ không thu thập được các văn bản thu hồi đất và đến bù thành quả lao động, nhà (nếu có) cho gia đình bà Sảnh.

Theo ý kiến của ông Võ Minh Tý – nguyên Bí Thư, Chủ tịch UBND huyện An Biên và gia đình ông Danh Leo trình bày, chính quyền yêu cầu ông di dời nhà và bố trí tái định cư nhưng gia đình không đồng ý vì gia đình còn 4ha đất khác trong khu vực thị trấn, sau đó chính quyền thực hiện việc cưỡng chế, giải tỏa.

Sau khi giải tỏa, chính quyền địa phương bố trí hơn 300m2 đất làm bến đò, diện tích còn lại hơn 95m2 gia đình bà Sảnh vẫn sử dụng, sau đó được cấp sổ đỏ. Khi bến đò không còn hoạt động, do quản lí không chặt nên gia đình bà Sảnh vào chiếm sử dụng từ đó cho đến nay.

Còn phần đất trên lộ, theo đoàn công tác: năm 1983, cơ quan có thẩm quyền quy hoạch, giải tỏa làm Nhà văn hóa, tuy nhiên không có tài liệu có cơ sở pháp lý nào về việc thu hồi, giải tỏa, đền bù thành quả lao động trên đất. Gia đình bà Sảnh và một số ý kiến của những người dân cố cựu tại địa phương xác nhận gia đình bà Sảnh không được xem xét, bồi thường khi giải tỏa thu hồi đất.

Cụ bà dành nửa đời người ròng rã đi đòi hơn 5.400m2 đất: Thanh tra Chính phủ nói gì? - 2

Tại buổi làm việc, đoàn công tác Thanh tra Chính phủ cho rằng không thu thập được tài liệu có cở sở pháp lý nào về nguồn gốc đất của bà Thị Sảnh cũng như những văn bản về thu hồi đất, đền bù hỗ trợ... Tuy nhiên việc lấy đất làm nhà văn hóa đã được ông Danh Long  - nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Thứ Ba và nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND huyện AN Biên xác nhận về nguồn gốc đất cho bà Sảnh và việc lấy đất của bà làm Nhà văn hóa là sự thật

Xung quanh khiếu nại của bà Thị Sảnh đòi bồi thường diện tích 5.400m2 đất mà chính quyền huyện An Biên thu hồi làm Nhà văn hóa, ông Nguyễn Đức Hương – Phó cục trưởng cục III, Thanh tra Chính phủ nêu quan điểm:

Về quá trình sử dụng đất của bà Thị Sảnh, đối với phần đất dưới lộ, quá trình sử dụng đất như đã nêu trên. Còn phần đất nông nghiệp trên lộ, ông Hương cho rằng do việc giải tỏa đất từ năm 1983, tính đến nay đã trên 35 năm nên việc xác minh gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, không có tài liệu nào đủ cơ sở pháp lý khẳng định gia đình bà Thị Sảnh sử dụng phần đất trên lộ một cách liên tục; không có tài liệu đủ cơ sở pháp lí thể hiện bà Sảnh có trồng cây trên đất hay không, nếu có là gì cây gì… làm cơ sở để xem xét bồi thường cây trồng trên đất cho bà Sảnh.

Về chủ trương thu hồi đất, theo ông Hương để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, cần thiết có các vị trí, diện tích đất phù hợp xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng dân cư, như: đường giao thông, trường học, trạm y tế, Nhà văn hóa, bến đò… Chủ trương trưng dụng, thu hồi đất qua các thời kỳ cửa cơ quan có thẩm quyền là phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương.

Còn về trình tự, thủ tục thu hồi, ông Hương cũng cho rằng: Do pháp luật đất đai tại thời điểm 1983 chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục thu hồi đất. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thu hồi đất, nếu người sử dụng đất không chấp hành thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành cưỡng chế là phù hợp với thực tế và theo quy định pháp luật.

 Việc bồi thường khi cơ quan có thẩm quyền giải tỏa diện tích đất nông nghiệp phía trên lộ: Theo quy định của pháp luật tại thời điểm 1983, không có quy định về việc bồi thường về đất đai khi nhà nước thu hồi đất; có quy định về việc Nhà nước giao đất khác để sử dụng nếu người dân bị thu hồi đất cần cần để sản xuất.

Đối với phần đất nông nghiệp trên lộ, nếu  gia đình bà Sảnh có quá trình sử dụng đất liên tục đến khi bị thu hồi, giải tỏa vào năm 1983 mà không xem xét đền bù thành quả lao động trên đất cho bà Sảnh là không phù hợp, gây thiệt thòi cho gia đình bà Sảnh. Tuy nhiên, việc không giao đất khác cho gia đình bà Sảnh tại thời điểm thu hồi đất là phù hợp, vì gia đình bà Sảnh có hơn 4ha đất tại thị trấn để sản xuất.

Ngoài ra, ông Hương cũng cho rằng việc gia đình bà Thị Sảnh, chiếm phần đất trên 300m2 là trái quy định pháp luật. Ngoài ra, theo Luật đất đai qua các thời kỳ (1993, 2003, 2013) đều có điều khoản quy định Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất khi Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng (giao cho tổ chức, cá nhân)…

Cụ bà dành nửa đời người ròng rã đi đòi hơn 5.400m2 đất: Thanh tra Chính phủ nói gì? - 3

Trong biên bản làm việc với đoàn công tác, ông Danh Leo ghi trong biên bản "không thống nhất nội dung của ông Trương Văn Hương

Trước ý kiến của đoàn công tác, ông Danh Leo đề nghị, nếu nhà nước đã thu hồi đất nhưng nay không còn sử dụng nữa thì giao phần đất đó cho người dân sử dụng trước đây. Vì theo ông Danh Leo, phần đất làm Nhà văn hóa, nhiều năm nay huyện không khai thác sử dụng đúng mục đích.

Về hướng giải quyết, ông Nguyễn Đức Hương đề nghị giữ nguyên hiện trạng, gia đình bà Sảnh tiếp tục sử dụng đất và nếu có tranh chấp xảy ra chính quyền địa phương giải quyết theo quy định pháp luật. Nếu nhà nước thu hồi đất thì thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ theo quy định pháp luật tại thời điểm thu hồi đất.

Ngoài ra, ông Hương còn đề nghị gia đình ông Danh Leo phải cam kết không khiếu nại tiếp, không tham gia cùng các cá nhân khác để khiếu nại tại địa phương và trung ương.

Ông Danh Leo đề nghị, Nhà nước giao phần đất dưới sông cho gia đình ông sử dụng; bố trí 5 nền tái định cư, bồi thường phần đất trên lộ tại thời điểm ra quyết định bồi thường.

Ông Danh Leo bức xúc cho biết: “Qua buổi làm việc, tôi thấy ông Nguyễn Đức Hương không thừa nhận nguồn gốc đất trên lộ cho gia đình tôi, vì ông cho rằng không tìm được tài liệu có đủ cơ sở pháp lí để chứng minh gia đình tôi sử đụng đất liên tục từ 1954 đến 1983. Vậy nếu không phải đất của gia đình tôi vì sao nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Thứ Ba và nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND huyện An Biên là những người trực tiếp chỉ đạo lấy đất của gia đình tôi làm Nhà văn hóa xác nhận vào đơn xác minh nguồn gốc đất cho gia đình tôi?

Hơn nữa, vì chuyện đòi phần đất này, má tôi bị Công an huyện An Biên bắt tạm giam và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can vào năm 1996? Nếu không phải đất gia đình, mẹ tôi khiếu nại, đòi đất làm gì để bị khởi tố? Tất cả những việc này không thể hiện phần đất làm Nhà văn hóa là của gia đình chúng tôi hay sao?

Nguồn gốc đất…

 Như Dân trí đã phản ánh, Bà Thị Sảnh có mảnh đất hơn 5.400m2 ở khu phố 2, thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Mảnh đất này do ông bà khai phá và để lại cho vợ chồng bà Thị Sảnh canh tác từ trước năm 1975. Và khi quốc lộ 63 đi qua, chia mảnh đất 5.400m2 bà Thị Sảnh ra 2 phần, phần diện tích 4.500m2 nằm phía trên quốc lộ 63, phần 900m2 nằm cặp kênh Xẻo Rô.

Đến 1983, chính quyền huyện An Biên đến “vận động” gia đình bà Thị Sảnh cho mượn 4.500m2 mở lối đi ra sân bóng và sau đó sử dụng xây dựng Nhà thiếu nhi. Tuy nhiên, thời điểm đó, chính quyền địa phương không hỗ trợ hay bồi hoàn gì cho bà Sảnh.

Cụ bà dành nửa đời người ròng rã đi đòi hơn 5.400m2 đất: Thanh tra Chính phủ nói gì? - 4

Vì con đông nên suốt hơn 35 năm qua bà Thị Sảnh đội đơn đi đòi lại 5.400m2 đất để khi bà xuôi tay nhắm mắt bà an lòng vì con cái có chỗ ở, có đất canh tác

Đến 1995 bà Thị Sảnh có đơn gửi đến UBND huyện An Biên yêu cầu Nhà nước giao trả hoặc bồi thường phần đất 5.400m2 cho bà.

Sau khi tiếp nhận đơn của bà Thị Sảnh, từ 1995 đến 2009, UBND huyện An Biên, UBND tỉnh Kiên Giang lần lượt ra các quyết định giải quyết không thừa nhận khiếu nại của bà Thị Sảnh; giao UBND huyện An Biên giao cấp đất và cấp Giấy CNQSDĐ diện tích 95,5m2 (trong số diện tích 411m2 cặp kênh Xẻo Rô) cho bà Thị Sảnh làm nhà ở. Bà Thị Sảnh không đồng ý nên có đơn gửi đến Chính phủ và nhiều cơ quan Trung ương.

Về nguồn gốc đất của bà Thị Sảnh đã được ông Danh Long, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Thứ Ba (là người trực tiếp đến nhà vận động bà Thị Sảnh giao đất cho nhà nước) và ông Võ Minh Tý - Nguyên Chủ tịch huyện, nguyên Bí thư huyện ủy An Biên (từ 1989 - 2000) xác nhận về nguồn gốc 5.400m2 đất của bà Thị Sảnh cũng như việc chính quyền địa phương đã vận động bà giao diện tích đất này để làm khu vui chơi cho trẻ em từ 1983 - 1989.

 Chính phủ vào cuộc…

Những tháng đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ, Ngành liên quan lập đoàn thanh tra kiểm tra lại nội dung khiếu nại của bà Thị Sảnh. Đến 04/8/2016, Đoàn Thanh tra Chính phủ đến làm việc với ông Danh Long – nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Thứ Ba là người xác nhận nguồn gốc đất cho bà Thị Sảnh.

Trong biên bản làm việc, ông Danh Long tiếp tục khẳng định từ năm 1983 (lúc Nhà nước thu hồi đất), gia đình bà Thị Sảnh liên tục ở trên phần đất cũ như ông xác nhận, trừ phần đất Nhà nước đã lấy làm Nhà văn hóa.

Trong khoảng thời gian này, Đoàn Thanh tra Chính phủ cũng làm việc với ông Võ Minh Tý – Nguyên Chủ tịch UBND huyện An Biên. Tại buổi làm việc, ông Tý tiếp tục khẳng định UBND huyện có lấy đất của bà Sảnh làm Nhà văn hóa là sự thật, đúng như giấy xác nhận viết tay của ông.

Cụ bà dành nửa đời người ròng rã đi đòi hơn 5.400m2 đất: Thanh tra Chính phủ nói gì? - 5

Bút tích xác nhận về nguồn gốc đất và việc UBND huyện An Biên lấy đất của bà THị Sảnh vào năm 1983 do nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND huyện An Biên viết đơn xác nhận với các cơ quan chức năng

Ngày 13/10/2017, UBND tỉnh Kiên Giang mời gia đình ông Danh Leo lên trụ sở tiếp công dân của tỉnh để đối thoại với Thanh tra Chính phủ, thanh tra Bộ TN – MT,  và UBND tỉnh Kiên Giang. Sau đó, Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu ông làm đơn xác minh lại nguồn gốc 5.400m2 đất để làm cơ sở trình Thủ tướng xin ý kiến giải quyết vụ việc.

Đến ngày 15/12/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 13041, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ TN –MT, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Kiên Giang đối thoại lại với bà Sảnh để làm rõ nội dung khiếu nại, có phương án giải quyết theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4836/VPCP-V.I, ngày 11/5/2017 của Văn phòng  Chính phủ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 01/02/2018.

Không nhận được kết quả giải quyết khiếu nại của Thanh tra Chính phủ, gia đình ông Danh Leo trực tiếp đến Trụ sở tiếp Công dân Trung ương gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ phản ánh Thanh tra Chính phủ chậm trả lời vụ việc thì 16/1/2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi đến Thanh tra Chính phủ yêu cầu sớm trả lời cho công dân theo quy định pháp luật.

Và ngày 11/4/2019, ông Danh Leo tiếp tục có đơn đề nghị Thanh tra Chính phủ phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan và tỉnh Kiên Giang tổ chức đối thoại lại theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại công văn số 13041, ngày 15/12/2017.

Đến 28/5/2019 vừa qua, Thanh tra Chính phủ phối hợp với các Bộ, Ngành và UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức đối thoại lại với bà Thị Sảnh theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Nhưng chưa đưa ra hướng giải quyết cụ thể cho gia đình ông Danh Leo, vì chờ xin ý kiến Chính phủ.

Nguyễn Hành