Huyện Hòa Bình: Huy động các nguồn lực chung tay giảm nghèo

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Sau thời gian triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, công tác giảm nghèo của huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Khơi dậy ý chí tự vươn lên thoát nghèo

Để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện đạt hiệu quả, UBND huyện Hòa Bình đã chỉ đạo các phòng, cơ quan, đơn vị, mặt trận tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể,... tổ chức hoạt động, biên soạn, phát hành các tin, bài, tuyên truyền về chính sách, chương trình giảm nghèo, gương điển hình hộ nghèo làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo…

Qua đó, địa phương đã truyền tải phổ biến các chính sách, chương trình giảm nghèo đến cộng đồng, người dân; khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, loại bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp để vươn lên thoát nghèo.

Huyện Hòa Bình: Huy động các nguồn lực chung tay giảm nghèo - 1
Lãnh đạo huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) trao tặng nhà tình thương đến hộ khó khăn (Ảnh: H.B).

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã bố trí, phân bổ nguồn ngân sách cùng với huy động nhiều nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện, trọng tâm là hỗ trợ các xã, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo cao; thực hiện tốt phong trào "Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Thực hiện Nghị định 07 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 và các hướng dẫn của Bộ, ngành liên quan, huyện Hòa Bình tổ chức tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2022-2025. Kết quả toàn huyện có 2.380 hộ nghèo (chiếm 8,51%) và 1.947 hộ cận nghèo (chiếm 6,96%.

Cuối năm 2022 toàn huyện còn lại 1.380 hộ nghèo (chiếm 4,9%) và 1.494 hộ cận nghèo (chiếm 5,31%). Dự kiến trong năm 2023 có 573 hộ thoát nghèo (tương đương 2%) và 644 hộ cận nghèo thoát nghèo (tương đương 2,5%).

Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ viễn thông

Từ những kết quả đạt được, huyện Hòa Bình rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo đó là có sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là Ban Chỉ đạo các CTMTQG của huyện, các xã, thị trấn; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài huyện giúp đỡ các hộ nghèo.

Huyện Hòa Bình: Huy động các nguồn lực chung tay giảm nghèo - 2
Ông Trần Văn Út, Bí thư huyện ủy Hòa Bình (bên trái) tặng quà đến hộ khó khăn (Ảnh: H.B).

Bên cạnh đó, việc tổ chức tuyên truyền, vận động phải thực hiện thường xuyên, liên tục, phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong nội bộ và toàn xã hội trong việc tham gia thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững tại địa phương, cơ sở. Địa phương đặt mục tiêu thực hiện tốt công tác huy động các nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình dự án khác có liên quan vào việc thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững.

Gắn kết chặt chẽ việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với giảm nghèo bền vững, tạo cơ sở và tiền đề quan trọng trong triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững; huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc hỗ trợ, hướng dẫn cách thức sản xuất - kinh doanh phù hợp cho hộ nghèo, cận nghèo được quan tâm.

Thời gian tới, để nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục quán triệt sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tạo sự nhận thức đúng, đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của giảm nghèo bền vững trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao và thống nhất nhận thức, làm chuyển biến về hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo; động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội... cũng được đề cập.

Các cơ quan thông tin, tuyên truyền trên địa bàn huyện tích cực tuyên truyền về công tác giảm nghèo, tập trung phân tích, nêu rõ nguyên nhân nghèo, những tiêu chí thiếu hụt để tập trung khắc phục và thực hiện có hiệu quả; kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra, huyện sẽ quan tâm đầu tư, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin ở địa bàn còn khó khăn và khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ viễn thông phục vụ cho sản xuất và đời sống; quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách của Trung ương và địa phương cho CTMTQG giảm nghèo bền vững.

Địa phương sẽ thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn từ các CTMTQG và các chương trình dự án khác với chương trình giảm nghèo, để tăng hiệu quả đầu tư cho chương trình; tiếp tục triển khai thực hiện tốt chính sách giảm nghèo của địa phương và tập trung huy động các nguồn lực từ các tập đoàn, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, tổ chức, mạnh thường quân để phục vụ việc thực hiện công tác giảm nghèo của huyện.