1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Rải đơn tới 800 công ty mới được một nơi nhận vào làm

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Tại Trung Quốc, thị trường việc làm khắc nghiệt đã khiến giới trẻ nước này trở nên vô cùng vất vả. Có người thậm chí chỉ xin được việc sau khi đã nộp đơn vào 800 công ty.

Zhang Baichuan (23 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) cho hay vì mới ra trường, không có kinh nghiệm nên hành trình tìm việc rất vất vả. Anh đã nộp đơn xin việc đến khoảng 800 công ty và phải mất thời gian chờ đợi rất lâu thì mới được một công ty nhận vào làm.

Rải đơn tới 800 công ty mới được một nơi nhận vào làm - 1

Sinh viên tốt nghiệp Đại học Vũ Hán tham dự lễ tốt nghiệp (Ảnh: AFP).

Cũng như Zhang, nhiều người lao động trẻ khác ở nước này đang phải đối mặt với thị trường việc làm ngày càng khắc nghiệt. Thế hệ này vừa ra trường ngay khi đại dịch Covid-19 kết thúc, thời điểm kinh tế đang rất biến động. 11,58 triệu sinh viên mới tốt nghiệp này còn phải cạnh tranh với những sinh viên tốt nghiệp trước đó, những người bị trì hoãn do đại dịch.

Nhu cầu việc làm tăng cao, nhưng tốc độ phục hồi kinh tế chậm, thị trường việc làm xuất hiện sự cạnh tranh gay gắt do mất cân đối cung cầu.

Yu Min, thạc sỹ kỹ thuật của Đại học Tongji, một trong những trường đại học hàng đầu ở Thượng Hải, chia sẻ rằng quá trình tìm việc của cô không hề suôn sẻ.

"Khi chúng tôi gửi hồ sơ đi, nhà tuyển dụng thường không phản hồi", Yu Min nói.

Ngay cả khi sinh viên tốt nghiệp thành công kiếm được việc làm ở một công ty tư nhân, họ vẫn có thể phải đối mặt với "văn hóa 996" (làm việc từ 9h đến 21h, 6 ngày/tuần). Những người lao động này chịu cảnh làm việc trong lo sợ về nguy cơ bị cắt lương hoặc bị đuổi việc.

Rải đơn tới 800 công ty mới được một nơi nhận vào làm - 2

Sinh viên tốt nghiệp đại học và người lao động trẻ tham dự hội chợ việc làm ở Yibin, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc (Ảnh: AFP).

Yun Zhou, trợ lý giáo sư Xã hội học tại Đại học Michigan (Mỹ), cho hay tình trạng này đang khiến người lao động trẻ càng ngày có cảm giác bi quan, không chắc chắn và tự cho là bản thân vô ích.

Theo thống kê, tính đến tháng 2/2024, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc (từ 16 đến 24 tuổi) đang ở mức 15,3%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với tháng 1. Nếu vấn đề việc làm không thể được giải quyết, quy mô thanh niên thất nghiệp của Trung Quốc có thể lên tới 50 triệu người trong 5 năm tới. Điều đó có nghĩa là cứ 4 hoặc 5 gia đình thì sẽ có 1 người thất nghiệp.

Zhuo Xian, đại diện Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước, chỉ ra rằng vào cuối năm 2020, sinh viên tốt nghiệp đại học chiếm 46% trên tổng số 34 triệu lực lượng lao động thanh niên thành thị (từ 16 đến 24 tuổi). Trong đó, có tới 66% thanh niên thất nghiệp.

Vì vậy, chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc cũng đã phát động các chiến dịch tạo việc làm. Cụ thể, tỉnh Hà Nam đã triển khai kế hoạch 100 ngày để "xóa sổ" tình trạng thất nghiệp của thanh niên.

Các cơ quan bao gồm Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục cũng đưa ra tuyên bố, yêu cầu tăng cường nỗ lực tuyển dụng nhân viên cộng đồng toàn thời gian từ những sinh viên tốt nghiệp đại học.

Ông chỉ ra rằng trong thập kỷ qua, tăng trưởng việc làm của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, nền kinh tế kỹ thuật số và ngành dịch vụ.

Vì vậy, để thực sự giải quyết vấn đề việc làm, người ta nên bắt đầu bằng việc cải thiện tình hình trong các lĩnh vực này. Bên cạnh đó, thanh niên cũng nên được khuyến khích thành lập doanh nghiệp riêng của mình.