"Đất vàng hai bên bờ sông Hồng của Hà Nội giống như bãi cỏ hoang"

Hoài Thu

(Dân trí) - Nhấn mạnh cần luật hóa việc khai thác các dòng sông vào phát triển đô thị của Hà Nội, song ĐB Hoàng Văn Cường tiếc nuối khi hai bên bờ sông Hồng đang bỏ hoang hóa, nhếch nhác và nhiều tệ nạn xã hội.

Vấn đề này được đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân) nêu ra khi góp ý vào dự án Luật Thủ đô sửa đổi, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5, sáng 26/3.

Nhắc đến mô hình "thành phố thuộc thành phố", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh Hà Nội là thành phố thuộc Thủ đô, là một thể chế đặc thù, ở đó có cả đô thị và nông thôn.

Theo ông Cường, thành phố thuộc Thủ đô là đơn vị hành chính cấp hai như quận, huyện nhưng chức năng quản lý và vai trò quản lý hoàn toàn khác so với cấp quận, huyện.

Vì vậy, cần có khái niệm về thành phố thuộc thủ đô và giao quyền cho HĐND thành phố Hà Nội quy định các quyền năng và chính sách đặc thù, vượt trội của thành phố thuộc Thủ đô so với cấp quận, huyện.

Đất vàng hai bên bờ sông Hồng của Hà Nội giống như bãi cỏ hoang - 1

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Ảnh: Phạm Thắng).

Vị đại biểu góp ý cần luật hóa việc khai thác các dòng sông vào phát triển đô thị của Thủ đô để khai thác những tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn hai bên sông.

Mục tiêu được ông Cường nhấn mạnh là sông Hồng phải trở thành không gian cảnh quan đẹp, là trung tâm hội tụ các hoạt động của thành phố để trở thành không gian phát triển dịch vụ, thương mại sầm uất.

"Nhưng rất tiếc, hai bên bờ sông Hồng đang bỏ hoang hóa, phát triển tự phát, nhếch nhác và nhiều tệ nạn xã hội. Do không thể tổ chức khai thác vì vướng vào một quyết định về phòng chống lũ trên sông Hồng và sông Thái Bình, đất vàng hai bên sông Hồng tại Hà Nội cũng giống như bãi cỏ hoang ở hai bên sông của các tỉnh khác", ông Cường ví von.

Từ thực tế đó, vị đại biểu nhấn mạnh dự án Luật Thủ đô sửa đổi phải có các quy định về khai thác hai bên sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy theo hướng quy định về căn cứ hình thành các hành lang, gồm hành lang mặt nước bảo vệ dòng chảy thường xuyên, hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ đê ngăn lũ.

Cũng quan tâm đến quy hoạch và liên kết vùng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Đất vàng hai bên bờ sông Hồng của Hà Nội giống như bãi cỏ hoang - 2

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Ảnh: Phạm Thắng).

Dự thảo Luật quy định mối quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội với 4 vùng, gồm: vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng động lực phía Bắc.

Theo ông Nghĩa, đây là các quy định mới, có nhiều đột phá so với Luật hiện hành và mở rộng hơn so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Cụ thể, vùng đồng bằng sông Hồng gồm Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm Hà Nội và 6 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

Vùng động lực phía Bắc gồm Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục quốc lộ 5 và quốc lộ 18, qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

"Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa xác định Vùng thủ đô gồm những địa phương nào, ranh giới ra sao? Do đó, đề nghị xem xét, bổ sung quy định xác định cụ thể các địa phương thuộc Vùng Thủ đô trong Dự thảo Luật, làm căn cứ thực tiễn cho việc quy định các chính sách liên kết vùng, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng", ông Nghĩa nêu quan điểm.