Quốc hội dự kiến thông qua 10 luật tại kỳ họp thứ 7

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chương trình xây dựng luật tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội rất nặng với việc dự kiến xem xét thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến với 10 dự án luật khác.

Vì khối lượng công việc nặng nề ấy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 diễn ra sáng 26/3 có ý nghĩa rất quan trọng để giúp Quốc hội trong công tác lập pháp.

Ông Huệ cho biết tại kỳ họp thứ 7, chương trình xây dựng pháp luật rất nặng. Quốc hội dự kiến xem xét thông qua 10 dự án luật, trong đó 1 dự án luật Chính phủ chưa kịp trình, 1 dự án luật đang xin rút ra xin ý kiến sau.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ cho ý kiến 10 dự án luật khác, chưa kể một số lượng khá lớn dự thảo nghị quyết Chính phủ đang đề xuất.

Quốc hội dự kiến thông qua 10 luật tại kỳ họp thứ 7 - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: Phạm Thắng).

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan rà soát để phân kỳ, những gì cấp bách cần làm ngay thì đưa vào kỳ họp thứ 7, cái gì chưa đủ chín, đủ rõ, chưa chuẩn bị kỹ thì để kỳ họp thứ 8 hoặc chậm lại. Nhưng dù tình huống nào, khối lượng công việc của kỳ họp thứ 7", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 diễn ra trong 2,5 ngày, cho ý kiến 8 dự án luật, gồm: Luật Thủ đô sửa đổi; Luật Tổ chức TAND sửa đổi; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ; Luật BHXH sửa đổi; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Chủ tịch Quốc hội cho biết từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức 4 hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đóng góp 323 ý kiến vào 25 dự án luật.

Từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội biểu quyết thông qua 32 dự án luật và có 25 dự án luật theo quy trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Nhờ vậy các cơ quan làm luật đã tiếp thu, chắt lọc được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Một số luật quan trọng như Luật Đất đai được xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách 2-3 lần nên chất lượng được nâng lên, đạt tỷ lệ biểu quyết cao khi Quốc hội thông qua.

8 dự án luật trên, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 với hơn 900 ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường cùng 30 ý kiến gửi bằng văn bản.

Trong phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 2 và 3, các đại biểu cũng đã cho ý kiến 8 dự án luật này. "Về tiến độ, các dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 sớm hơn các kỳ họp trước", ông Huệ nhận định.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách trước hết cho ý kiến về cơ sở chính trị của việc xây dựng các dự án luật.

Hai là cho ý kiến về tính hợp hiến, hợp pháp và đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Ba là rà soát xem các dự án luật đã bám sát những chính sách lớn đặt ra khi xây dựng luật chưa. Với những nội dung mới và vấn đề được bổ sung tuân thủ quy trình đánh giá tác động của chính sách mới, ông Huệ lưu ý.

Ngoài ra, ông đề nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến với những vấn đề lớn và vấn đề cho đến nay còn ý kiến, phương án khác nhau hay những vấn đề liên quan áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp.

Ông Huệ lưu ý thêm trong 8 dự án luật lần này có những dự án có thể chế, chính sách đặc thù vượt trội khác với luật hiện hành, như Luật Thủ đô sửa đổi.

"Luật Thủ đô sửa đổi phải có cơ chế đặc thù cho Thủ đô, vì đây là luật cho một đô thị đặc biệt, cần nội dung khác hơn so với hệ thống pháp luật hiện hành", ông Huệ lưu ý làm sao để khi ban hành luật mang tính khả thi và không chồng chéo với luật khác.

Chủ tịch Quốc hội cũng quán triệt tinh thần xây dựng luật với những vấn đề đã chín, đã rõ và có sự đồng thuận cao thì quy định trong luật. Còn với vấn đề thực sự cấp bách nhưng chưa thống nhất cao mà có sự chấp thuận của cơ quan chức năng có thẩm quyền thì nghiên cứu có bước đi phù hợp, như triển khai thí điểm.