Lo chết người vì cúm gia cầm

(Dân trí) - Việt Nam đã có ca bệnh đầu tiên tử vong vì cúm gia cầm A/H5N1 sau 9 tháng không ghi nhận dịch cúm ở người, cộng thêm diễn biến cúm gia cầm phức tạp ở phía Nam, tình trạng tiêu thụ gà lậu dịp Tết nguyên đán khiến nguy cơ dịch cúm A/H5N1 lan rộng.

Diễn tiến nhanh, tử vong cao

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh nhân tử vong là một nam giới (52 tuổi, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, Bình Phước). Ngày 11/1 bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở và được gia đình đưa đến khám, điều trị tại BV đa khoa Bù Đăng với chẩn đoán viêm phổi do vi rút. Sau 7 ngày điều trị tại đây, bệnh nhân được chuyển đến BV đa khoa Bình Phước cũng với chẩn đoán trên, trong tình trạng rất nặng. Tổn thương phổi bệnh nhân tăng nhanh, bệnh nhân khó thở liên tục nên tiếp tục được chuyển lên BV bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh hôm 18/1 và đã tử vong vì tổn thương phổi nặng nề.

Bệnh nhân cúm nặng đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân cúm nặng đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư. Ảnh: H.Hải

Đây là ca nhiễm cúm A/H5N1 đầu tiên trong năm 2014, sau 9 tháng Việt Nam không ghi nhận ca bệnh trên người. Như vậy đến nay Việt nam đã ghi nhận 153 trường hợp mắc, 63 trường hợp tử vong vì cúm A/H5N1.

Trong khi đó, tại Hà Nội, đêm 20/1, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 1 bệnh nhân nữ 39 tuổi ở Thanh Oai, Hà Nội bị suy hô hấp nặng phải thở máy. Bệnh nhân đến viện sau ngày thứ 4 trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương phổi diễn biến nhanh. Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này cũng đã được đem đi xét nghiệm. Gần nhà gia đình bệnh nhân này cũng có gà chết không rõ nguyên nhân.

Theo BS Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, cúm A/H5N1 tỉ lệ mắc tuy không cao nhưng tử vong thì chiếm tới 50% số ca mắc, bởi vi rút cúm A/H5N1 mang độc lực cao, gây tổn thương phổi nặng nề, diễn tiến bệnh rất nhanh.

Nếu nhiễm vi rút cúm A/H5N1, việc điều trị sớm mới mang lại giá trị cho người bệnh và 3 ngày đầu là thời gian vàng điều trị bằng thuốc kháng vi rút hiệu quả. “Được dùng kháng vi rút sớm sẽ khống chế được vi rút thì phản ứng của cơ thể với tác nhân gây bệnh sẽ giảm đi, tổn thương phổi sẽ nhẹ hơn. Còn điều trị muộn sẽ khó khăn bởi diễn tiến bệnh nhanh, tổn thương phổi nặng nề. Hầu hết các trường hợp tử vong đều không được phát hiện sớm, điều trị thuốc kháng vi rút sau 3 ngày đầu biểu hiện bệnh”, BS Hà nói.

“Đáng nói, biểu hiện của cúm A/H5N1 cũng giống với tất cả các chủng cúm, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác với tiệu chứng sốt, ho”, BS Hà nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hầu hết các biểu hiện của cúm A/H5N1 đều giống như các loại cúm và viêm đường hô hấp khác như sốt cao, ho, đau họng, chảy nước mũi. Vì thế, các bác sĩ thường dựa vào yếu tố dịch tễ, từ đó nghi ngờ và cho bệnh nhân sử dụng thuốc Tamifflu sớm. Theo đó, những trường hợp viêm phổi vi rút tiến triển nặng, có tiếp xúc gia cầm, gia cầm chết, có gia cầm chết trong khu vực đó… cần nghĩ đến nguy cơ cúm A/H5N1 để điều trị Tamiflu sớm.

Nguy cơ cao bùng phát dịch

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, dịch cúm A/H5N1 luôn đe dọa Việt Nam. Trước đây, khi xảy ra dịch phải có dịch trên đàn gia cầm mới lây sang người. Còn hiện tại qua giám sát gia cầm ở các chợ cho thấy nhiều thấy gia cầm không có triệu chứng, trở thành gia cầm lành mang mầm bệnh, vì thế người dân càng dễ chủ quan, nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Trong khi đó, nước láng giềng Campuchia đang trải qua đợt bùng phát cúm gia cầm H5N1 nghiêm trọng nhất kể từ khi chủng vi rút này được phát hiện. Trong khi đó, việc thông thương buôn bán tại những địa phương có chung đường biên giới với Campuchia không được kiểm soát chặt chẽ, cùng với tâm lý chủ quan của người chăn nuôi, giết mổ gia cầm, thủy cầm đã khiến dịch cúm A/H5N1 ở các tỉnh phía Nam luôn bùng phát.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, sau khi phát hiện trường hợp tử vong do cúm AH5N1 tại Bình Phước, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Bình Phước điều tra dịch tễ và tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh lập đoàn điều tra ca bệnh, kiểm tra các điểm chăn nuôi gia cầm tại địa phương.

Bộ Y tế cũng đề nghị Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch cúm gia cầm; đồng thời, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Theo Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm ốm chết,  thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, ăn chín uống sôi. Hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp, tránh đưa tay lên mũi và miệng, làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc, thường xuyên lau chùi bề mặt, dụng cụ đồ vật quanh người bệnh bằng các chất tẩy rửa thông thường..

“Khi có các biểu hiện cúm, ho, sốt, cần phải đi khám để được điều trị đúng bệnh. Người bệnh cũng không nên tự mua Taminflu về uống khi có các triệu chứng cúm vì sẽ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc nếu sau này bệnh nhân bị cúm gia cầm thì sẽ không còn thuốc đặc hiệu để điều trị”, bác sĩ Hà khuyến

Hồng Hải