"Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới!": Chuyện tình đẹp của tướng Hoàng Đan

Minh Nhân

(Dân trí) - Hành trình mang chiến thắng trở về để cưới vợ của tướng Hoàng Đan được kể lại chi tiết trong cuốn sách "Thư cho em" do con trai út của ông - tác giả, doanh nhân Hoàng Nam Tiến - biên soạn.

"Anh vẫn tin nhất định chinh phục được trái tim em, vì anh biết em chưa yêu ai... Em chưa yêu ai thì làm sao em lại không yêu anh?".

Tướng Hoàng Đan (1928-2003) làm lễ ăn hỏi với bà Nguyễn Thị An Vinh (1933-2022) trước khi đi chiến dịch Thượng Lào (1953) và khi trở về, ông hôn bà lần đầu.

Ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với lòng tin sẽ thắng trận về cưới vợ. Ông khi đó là Trung đoàn phó Trung đoàn 57, Đại đoàn 304, dưới sự chỉ huy của chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp, được giao nhiệm vụ bao vây, diệt địch ở phân khu Hồng Cúm, chi viện hỏa lực cho bộ đội tiến công.

Ngày 7/5/1954, chiến dịch thắng lợi vang dội. Ông được nghỉ phép 15 đến 20 ngày về thăm gia đình. 

Ngay sau trận Điện Biên Phủ, ông xin đơn vị cho về quê lấy vợ. Cấp trên của ông khi ấy là tướng Hoàng Minh Thảo, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, đã cấp một tờ giấy gửi địa phương ghi rất sảng khoái và đàng hoàng: "Giới thiệu đồng chí Hoàng Đan về quê lấy vợ".

Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới!: Chuyện tình đẹp của tướng Hoàng Đan - 1

Tướng Hoàng Đan và vợ - bà An Vinh (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Tướng Hoàng Đan viết thư ngay cho bà An Vinh khi ấy đã là "vợ chưa cưới":

"Vui mừng báo tin Vinh biết anh vừa chiến thắng Điện Biên Phủ về. Sức khỏe vẫn thường. Từ ngày đi chiến dịch tới nay (7 tháng) không được tin gì ở nhà cả. Chúc Vinh khỏe luôn và cho anh biết hiện nay Vinh ở đâu?".

(Thư ngày 25/5/1954).

Chưa nhận được hồi âm, tướng Hoàng Đan vẫn lên đường với một xe đạp, một ba lô, một tấm giấy giới thiệu, đạp xe từ Điện Biên Phủ về Nghệ An, chỉ để nghe tin bà An Vinh hiện ở Thái Nguyên công tác.

Nén nỗi thất vọng ông lại đạp xe lên Thái Nguyên, thì được cho hay bà đã được cử tới Lạng Sơn. Trong những dòng thư ông viết đầy "oán trách":

"Thôi thế là hết bao nhiêu mộng đẹp của năm 1954, năm hai sáu tuổi thế là tiêu tan…

… Sao lại đi Lạng Sơn? Nếu ở Lạng Sơn thì năm 1955 đánh chiến dịch cũng chẳng đi cưới được. Thời gian đâu bỏ ra hàng tháng mà đi. Trời ơi cô ấy yêu mình thì sao không ở lại Thái Nguyên".

Hiệp định Geneve được ký kết, Việt Nam và Pháp đình chiến, ý định cưới vợ đã tắt nay bùng trở lại, ông Hoàng Đan đạp xe 3 ngày từ Việt Bắc đi Lạng Sơn, cuối cùng cũng tìm được bà An Vinh vào đầu tháng 8/1954. Tổng quãng đường xấp xỉ 1.300km, tương đương từ Hà Nội vào Nha Trang.

Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới!: Chuyện tình đẹp của tướng Hoàng Đan - 2

"Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới!" là một phần trong cuốn sách "Thư cho em" của tác giả, doanh nhân Hoàng Nam Tiến (Ảnh: Minh Nhân).

Lúc hội ngộ, bà An Vinh đã từ chối lời cầu hôn vì muốn tập trung phấn đấu công tác. Bởi lẽ bà xuất thân là một cô bé đi ở, có khát khao thay đổi số phận mạnh mẽ.

Lời từ chối đó là cú sốc quá lớn với ông Hoàng Đan.

"Nếu lấy anh, em sẽ quay trở về quê, cả cuộc đời gắn với chuyện chăm sóc bố mẹ chồng và những đứa con", nghe xong lời tâm sự của người yêu, ông Hoàng Đan mới thực sự hiểu.

Để cưới được bà An Vinh, tướng Hoàng Đan đã hứa sẽ "không làm gì cả", không có con trong 3 năm đầu để vợ được tập trung vào sự nghiệp. Đêm tân hôn, ông không ngủ phút nào, chỉ cầm tay vợ nói chuyện, còn bà An Vinh ngủ được vài ba tiếng.

Người lính đã giữ lời hứa đó cho đến năm 1958, khi vợ được chuyển từ Lạng Sơn về Hà Nội làm việc, hai người mới có cậu con trai đầu tiên.

Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới!: Chuyện tình đẹp của tướng Hoàng Đan - 3

Ông Hoàng Nam Tiến viết sách về chuyện tình của ba mẹ (Ảnh: Minh Nhân).

Hành trình mang chiến thắng trở về để cưới vợ của tướng Hoàng Đan được kể lại chi tiết trong cuốn sách Thư cho em do con trai út của ông - tác giả, doanh nhân Hoàng Nam Tiến - biên soạn.

Thư cho em được phát hành từ cuối tháng 3, kể về tình yêu sâu đậm của thiếu tướng Hoàng Đan và đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh.

Chỉ sau 13 ngày ra mắt, cuốn sách đã tái bản và liên tục cháy hàng trên nhiều nền tảng thương mại điện tử.

Tác phẩm dày 300 trang, gồm 4 phần: Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới!Hương gây mùi nhớThư cho em giữa hai bên súng địch ta vẫn nổ và Về đây bên nhau.

4 phần tương ứng các mốc thời gian từ khi vợ chồng ông Hoàng Đan và bà An Vinh nên duyên đến tháng ngày phải xa cách vì chiến tranh, cuối cùng là cuộc sống tuổi già bên nhau.

Khi tướng Hoàng Đan qua đời vào năm 2003, bà An Vinh đã yêu cầu con trai út Hoàng Nam Tiến xếp đặt để những bức thư và nhật ký của hai ông bà sẽ đi theo ông Hoàng Đan về thế giới bên kia.

Tuy nhiên, ông Tiến đã "to gan trái lời mẹ" giữ lại thư từ của ba mẹ trong suốt 50 năm, từ những năm 1953, thuở mới quen, cho đến quãng thời gian sau này.

Vì chiến tranh, thời gian bên nhau của thiếu tướng Hoàng Đan và bà An Vinh rất ít ỏi. Trong khi vị tướng chinh chiến khắp các chiến trường ác liệt, người vợ ở nhà chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái và phấn đấu vì sự nghiệp.

Bao nhớ thương, giận hờn và chờ đợi, cặp vợ chồng chỉ biết gửi gắm qua hơn 400 lá thư cho nhau, kéo dài qua bao dấu mốc lịch sử của dân tộc: chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh năm 1968, Quảng Trị năm 1972, Sài Gòn năm 1975, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, năm 1884... Những lá thư ấy cũng trở thành sợi dây buộc chặt tình yêu của hai người.

Câu chuyện của tướng Hoàng Đan và bà An Vinh không chỉ là chuyện của một đôi trai gái, một đôi vợ chồng, mà còn là tình yêu của cả một thế hệ, một thời kỳ của đất nước.

Ông Hoàng Nam Tiến, 55 tuổi, vốn được công chúng biết đến trong nhiều vị trí công việc tại tập đoàn FPT, cũng như nhiều chia sẻ ấn tượng về các câu chuyện kinh doanh, công nghệ, giáo dục… với cộng đồng.

Đây là lần đầu tiên ông Hoàng Nam Tiến xuất hiện với tư cách tác giả. Ông cho biết khi đọc những bức thư, chính bản thân ông đã tìm thấy rất nhiều bài học từ tình yêu của ba mẹ.

Đó là sự lắng nghe, thấu hiểu, là sự đồng hành sẻ chia, tình yêu là điểm tựa chắp cánh giúp ta hoàn thiện mình và vượt qua gian khó.