Cà Mau:

Hơn trăm công nhân viên bức xúc vì bị cho nghỉ việc chỉ trong.... "nháy mắt"

(Dân trí) - “Nếu thực hiện đề án sắp xếp lại bộ máy, lãnh đạo phải dựa theo tiêu chí nào để bảo đảm quyền lợi cho người lao động và phải xét trên toàn diện công ty. Đằng này, lãnh đạo công ty lại “lùa” cả đội cho nghỉ việc mà không thông báo trước là không thể chấp nhận được”, nhiều lao động tại Công ty CP Cấp nước Cà Mau bức xúc sau khi bị cho nghỉ việc.

Nhiều công nhân viên của Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau (gọi tắt là Cty Cấp nước) cho biết, họ đã có đơn cầu cứu khẩn cấp gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau yêu cầu bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ sau khi bị Cty Cấp nước cắt hợp đồng lao động (HĐLĐ) một cách hết sức bất thường.

Công ty CP Cấp nước Cà Mau, nơi có hàng loạt công nhân viên vừa bị mất việc một cách hết sức bất ngờ.
Công ty CP Cấp nước Cà Mau, nơi có hàng loạt công nhân viên vừa bị mất việc một cách hết sức bất ngờ.

Theo hồ sơ mà PV Dân trí có được, những người bị cắt HĐLĐ là những người có hợp đồng vô thời hạn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đầy đủ, luôn hoàn thành tốt nhiệm và có thâm niên gắn bó với Cty Cấp nước hàng chục năm (có người gần 30 năm).

Theo nội dung đơn yêu cầu cho thấy, vấn đề người lao động bức xúc nhất là gần nửa đời người gắn bó với Cty Cấp nước, nhưng chỉ trong “nháy mắt” lại bị cắt HĐLĐ mà họ không hề hay biết trước dù chỉ một ngày.

Ông T.T.T. (người có gần 27 năm gắn bó với Cty Cấp nước, bị cắt HĐLĐ vào ngày 17/5/2016) bức xúc: “Lúc đó, 29 người chúng tôi đang lao động bình thường thì được công ty thông báo vào ngày hôm sau họp nhưng không nói nội dung. Khi chúng tôi lên họp thì bất ngờ được nghe đại diện công ty nói là cắt HĐLĐ đối với chúng tôi và ngay sau đó chúng tôi bị cho nghỉ việc”.

Ông T. cho biết, lý do Cty Cấp nước đưa ra là do tái cơ cấu bộ máy, bố trí lại lao động sau cổ phần hóa (trước đây Cty Cấp Nước là công ty một thành viên, 100% vốn Nhà nước) nên công ty không bố trí việc làm cho người lao động.

Người lao động cho rằng, lý do mà phía công ty đưa ra là không thỏa đáng. “Nếu muốn cho người lao động nghỉ việc theo lý do trên thì công ty phải họp xét từng bộ phận về các tiêu chí như: Hoàn thành nhiệm vụ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, thâm niên gắn bó với công ty… Đằng này, lãnh đạo lại “lùa” nguyên cả đội cho nghỉ là không thể chấp nhận được. Đó là còn chưa nói đến việc trong những người vừa bị cho nghỉ việc có nhiều người là đảng viên, đội trưởng, đội phó và có những người đã hàng chục năm gắn bó với công ty…”, ông Đ.V.S. (một công nhân bị cắt HĐLĐ) bức xúc.

Cũng theo trình bày của các công nhân viên, trong khi những người hoàn thành tốt nhiệm vụ thì bị cho thôi việc, công ty lại “ưu ái” cho ở lại đối với những người từng bị kỷ luật và mắc nợ công ty lên đến hàng tỷ đồng

Cụ thể, trước đây khi còn là Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước TP.Cà Mau kiêm Bí thư Đoàn ủy công ty, ông Huỳnh Công Tấn đã bị kỷ luật cách chức cả về mặt Đảng lẫn chính quyền về hành vi sử dụng bằng cấp bất hợp pháp. Thế nhưng, vừa mới hết thời gian kỷ luật chưa lâu thì ông này lại được “ưu ái” đưa vào vị trí Trưởng phòng Cấp nước an toàn, thành viên Hội đồng quản trị.

Ông Huỳnh Công Tấn từng bị kỷ luật cách chức cả về mặt Đảng lẫn chính quyền nhưng vừa hết hạn kỷ luật lại được “ưu ái” đưa vào vị trí quan trọng của công ty.
Ông Huỳnh Công Tấn từng bị kỷ luật cách chức cả về mặt Đảng lẫn chính quyền nhưng vừa hết hạn kỷ luật lại được “ưu ái” đưa vào vị trí quan trọng của công ty.

Ông Võ Hoàng An từng bị kỷ luật đình chỉ 2 tháng do Đội xây dựng (ông An là người đại điện) đã nợ tiền công ty gần 4 tỷ đồng. Trước đó, khi làm việc với cơ quan chức năng, ông An cam kết sẽ trả nợ đợt 1 vào cuối năm 2014, với số tiền là 150 triệu đồng; trả đợt 2 (cuối năm 2015) số tiền 200 triệu đồng;… Thế nhưng, đến thời điểm này ông An vẫn chưa trả nợ đồng nào, nhưng không bị xử lý trách nhiệm, còn được “ưu ái” đưa vào vị trí Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước TP.Cà Mau.

Thiếu công ty gần 4 tỷ đồng không trả đúng theo cam kết, ông Võ Hoàng An vẫn được “ưu ái” vào vị trí Giám đốc Xí nghiệp Cấp Nước TP.Cà Mau.
Thiếu công ty gần 4 tỷ đồng không trả đúng theo cam kết, ông Võ Hoàng An vẫn được “ưu ái” vào vị trí Giám đốc Xí nghiệp Cấp Nước TP.Cà Mau.

Một vấn đề bức xúc mà theo các công nhân, thay vì trước khi cho nghỉ việc, Cty Cấp nước phải xét thật kỹ xem trường hợp nào nên giữ lại, trường hợp nào nên cho thôi việc. Đằng này, chỉ sau đuổi việc vài ngày thì một số trường hợp được công ty nhận lại một cách bất ngờ chỉ trong “nháy mắt”.

Tiếp xúc PV, ông Lý Hoàng Trung- Chủ tịch HĐQT Cty Cấp nước, từ chối trả lời các câu hỏi của PV. Ông Trung lý giải, cơ quan chức năng đang thụ lý xác minh nên chờ khi có kết quả mới thông tin cho báo chí.

Tuy nhiên, ông Chủ tịch HĐQT lại “thao thao bất tuyệt” yêu cầu làm rõ và xử lý trách nhiệm những người đã nặc danh, mạo danh để tố cáo ông và tổ chức. “Có tới đâu tôi chịu trách nhiệm tới đó chứ không trốn tránh. Nếu thế này, đề nghị nhà báo làm cho rõ hai khớp là nặc danh và mạo danh. Các vấn đề khác thì chờ cơ quan chức năng có kết luận”, ông Trung nói.

Được biết, đây là lần thứ hai Cty Cấp nước thực hiện việc cắt HĐLĐ sau khi cổ phần hóa. Lần trước vào tháng 9/2015 và cũng thực hiện cắt hợp đồng trong “nháy mắt”, với tổng số lao động bị cho nghỉ việc là hơn 100 người.

Trao đổi với PV xung quanh vụ việc này, luật sư Hồ Nguyên Lễ (Văn phòng Luật sư Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: Việc công ty cắt HĐLĐ như nói trên được xem là đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động. Theo quy định, việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ phải có lý do đúng quy định (Điều 38 Bộ Luật Lao động) và phải báo trước 30 hoặc 45 ngày tùy theo loại hợp đồng.

Ngoài ra, công ty cũng có thể cho người lao động thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp,... Tuy nhiên, công ty phải đảm bảo các quyền lợi của người lao động theo pháp luật quy định.

Việc công ty chấm dứt HĐLĐ với những lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn mà không nêu lý do và không thông báo trước như trên được xem là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

Tuấn Thanh