Chế độ tử tuất có công bằng giữa người đóng cao và người đóng thấp?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Hiện chế độ tử tuất có khoản trợ cấp bằng nhau dù người tham gia bảo hiểm xã hội có mức đóng cao hay thấp. Theo người lao động, như vậy là chưa công bằng với người có mức đóng cao.

Theo quy định hiện hành, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc hay người đang hưởng lương hưu qua đời thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất bao gồm trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần.

Đại diện công ty Á Châu phản ánh, trong 3 khoản trợ cấp của chế độ tử tuất thì có đến 2 khoản có mức bằng nhau là trợ cấp mai táng và trợ cấp hằng tháng. Cụ thể, trợ cấp mai táng là 10 tháng lương cơ sở, trợ cấp tuất hằng tháng cho thân nhân người lao động là 50%-70% mức lương cơ sở.

Theo vị này, người lao động đóng BHXH bắt buộc theo lương cơ bản, có người đóng cao, có người đóng thấp, mức sống của mỗi gia đình cũng khác nhau. Như vậy, việc thân nhân người lao động chẳng may qua đời đều hưởng chế độ tử tuất như nhau thì có công bằng cho người lao động đóng BHXH ở mức cao hay không?

Chế độ tử tuất có công bằng giữa người đóng cao và người đóng thấp? - 1

Trao đổi cùng doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó trưởng phòng phụ trách phòng Chế độ bảo hiểm xã hội BHXH TPHCM, cho rằng: "Chế độ BHXH là một phần bù đắp tài chính khi người lao động bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí… Chế độ tử tuất cũng được quy định trong Luật BHXH theo nguyên tắc san sẻ như vậy".

Theo bà Hồng Nga, chế độ trợ cấp tuất hằng tháng dành cho thân nhân người lao động chẳng may qua đời là để hỗ trợ tài chính cho những thân nhân không có khả năng kinh tế, tùy điều kiện mà hằng tháng được nhận 50% hay 70% mức lương cơ sở để duy trì cuộc sống.

Chế độ tử tuất có công bằng giữa người đóng cao và người đóng thấp? - 2

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó trưởng phòng phụ trách phòng Chế độ bảo hiểm xã hội BHXH TPHCM (Ảnh: BHXH).

Hiện chế độ trợ cấp hằng tháng được quy định tại Điều 67, 68 Luật BHXH và cơ quan BHXH chỉ thực hiện theo đúng những nội dung pháp luật quy định.

Theo Điều 68 Luật BHXH, mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân người lao động qua đời bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Như vậy, hiện mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân là 900.000 đồng/tháng, trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp này là 1.260.000 đồng/tháng.

Khoản 2 Điều 68 quy định, số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không quá 4 người.

Người lao động bị chết thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì thân nhân được xem xét cho hưởng trợ cấp tuất hằng tháng:

Thứ nhất, đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên. Trường hợp người lao động còn thiếu tối đa không quá 6 tháng để đủ 15 năm đóng BHXH, thì thân nhân được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất với mức đóng hằng tháng bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động trước khi chết.

Thứ hai, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Thứ ba, đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Thứ tư, đang hưởng lương hưu mà trước đó có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên.

(Nguồn: Khoản 4 Điều 12 Nghị định 115/2015/NĐ-CP)