1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thụy Điển sẵn sàng cho phép bố trí vũ khí hạt nhân trong thời chiến

Thanh Thành

(Dân trí) - Chính phủ Thụy Điển tuyên bố sẵn sàng cho phép bố trí vũ khí hạt nhân trong thời chiến trên lãnh thổ của mình, bất chấp những chỉ trích cùng lời kêu gọi thành viên mới của NATO cấm triển khai chúng.

Thụy Điển sẵn sàng cho phép bố trí vũ khí hạt nhân trong thời chiến - 1

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (Ảnh: AFP).

"Chúng tôi sẵn sàng cho phép triển khai vũ khí hạt nhân trên đất Thụy Điển trong thời chiến", Thủ tướng Ulf Kristersson khẳng định trong tuyên bố hôm 13/5.

Quốc hội Thụy Điển chuẩn bị bỏ phiếu về Thỏa thuận hợp tác quốc phòng (DCA) với Mỹ vào tháng 6, theo đó sẽ cho phép Washington tiếp cận các căn cứ quân sự ở Thụy Điển và cho phép lưu trữ các thiết bị và vũ khí quân sự ở quốc gia Scandinavi này.

Thụy Điển đã từ bỏ 2 thế kỷ phi liên kết quân sự để gia nhập NATO vào tháng 3 năm nay.

Trong những tuần gần đây, Hiệp hội Trọng tài và Hòa bình Thụy Điển cùng nhiều tổ chức khác đã kêu gọi chính phủ đưa ra văn bản trong thỏa thuận DCA rằng, nước này sẽ không cho phép bố trí vũ khí hạt nhân trên đất của mình.

Chính phủ Thủ tướng Kristersson đã nhiều lần khẳng định không cần thiết phải ban hành lệnh cấm, với lý do "có sự đồng thuận rộng rãi về vũ khí hạt nhân" ở Thụy Điển cũng như quyết định của Quốc hội về việc cấm vũ khí hạt nhân ở Thụy Điển trong thời bình.

Nhưng Thủ tướng Kristersson cho biết, thời chiến lại là một câu chuyện khác. "Trong thời chiến, đó lại là một vấn đề hoàn toàn khác, nó sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào điều gì sẽ xảy ra trên thực tế", ông nói với đài phát thanh Thụy Điển.

Theo ông, "trong trường hợp xấu nhất, các quốc gia dân chủ cuối cùng trên thế giới ở khu vực của chúng ta phải có khả năng tự bảo vệ mình trước những quốc gia có thể đe dọa chúng ta bằng vũ khí hạt nhân".

Ông Kristersson nhấn mạnh rằng, bất kỳ quyết định nào về việc đặt vũ khí hạt nhân ở nước này sẽ do chính Thụy Điển thực hiện chứ không phải Mỹ. "Thụy Điển có quyền quyết định về lãnh thổ của chúng ta".

Tuy nhiên, ông Kristersson nói thêm, "toàn bộ mục đích khi trở thành thành viên NATO và nhiệm vụ quốc phòng của chúng ta là đảm bảo rằng tình huống đó không xảy ra".

Hiện tại các nước láng giềng Bắc Âu của Thụy Điển là Đan Mạch và Na Uy, vốn đã là thành viên NATO, đều từ chối cho phép một quốc gia khác thiết lập căn cứ quân sự lâu dài hoặc vũ khí hạt nhân trên đất của họ trong thời bình.

Theo AFP