1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

VinaPhone giải thích "bản kê tin nhắn dài 19,2m"

<a href=" http://dantri.com.vn/kinhdoanh/2005/10/82838.vip"> Trước sự cố tin nhắn gửi đi lặp lại nhiều lần </a>, ''khủng bố'' tinh thần cả người gửi và người nhận tin, ông Hoàng Trung Hải, giám đốc công ty Dịch vụ Viễn thông GPC-đơn vị quản lý mạng VinaPhone đã đưa ra những nguyên nhân cụ thể.

Theo đó, các cuộc nhắn tin lặp lại thường xuyên xảy ra đối với những trường hợp nhắn tin SMS liên mạng, khó xảy ra trong cùng mạng. Ví như, thuê bao VinaPhone nhắn sang MobiFone, Viettel, S-Fone.

 

Nguyên nhân chính là do hai tổng đài hai mạng khác nhau không đồng bộ về thiết bị, nên khi từ thuê bao A nhắn sang thuê bao B, tổng đài mạng bên B không kịp ghi nhận đã có tin nhắn đến.

 

Những tình huống khai báo trên tổng đài khi nhận tin nhắn có thể là: độ trễ, thời gian chờ thuê bao trong vùng phủ sóng, mở máy trở lại sau khi tắt máy... Vì thế, tổng đài bên A vì chưa thấy tín hiệu bên B nên vẫn tiếp tục gửi tin nhắn liên tiếp, lặp đi lặp lại trong cùng một thời điểm ngắn.

 

Do đó, thời gian gần đây, cuộc nhắn tin liên mạng của các thuê bao di động gặp khó khăn hơn, không thực hiện được, thậm chí, khi nhận được, lại nhận hàng chục tin cùng một nội dung, gây phiền hà không ít cho người sử dụng.

 

Cũng theo ông Hải, trong ngày hôm qua (19/10), đại diện kỹ thuật hai mạng VinaPhone và Viettel đã cùng hợp tác, rà soát lại hệ thống tổng đài hai bên. Hai mạng này cũng đặc biệt quan tâm nhiều hơn đến thiết bị mạng được xây dựng sao cho đồng bộ, thống nhất để triển khai không chỉ những cuộc gọi, cuộc nhắn tin nội mạng mà cả liên mạng.

 

Trở lại sự cố list nhắn tin dài tới 19,2m, đại diện lãnh đạo cho biết, không chỉ với mạng Viettel, thời gian tới, VinaPhone sẽ làm việc, cộng tác với cả MobiFone, S-Fone để tìm ra "tiếng nói" chung, bảo đảm chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Về cước phí của bản tin nhắn lạ lùng này, VinaPhone cũng khẳng định rằng, các tin nhắn bị lặp chắc chắn không bị tính cước phí.

 

Tương tự như vậy, giải thích về các cuộc gọi dài, ''bất thường'' khi các thuê bao bị tính ''đội'' cước phí gấp nhiều lần, ông Hải cho rằng, có bốn nguyên nhân chính.

 

Thứ nhất, lỗi thuộc về các thuê bao khi kết thúc cuộc gọi, không tắt máy, từ cả phía gọi và phía nhận cuộc gọi.

 

Thứ hai, lỗi do một trong hai bên sử dụng dịch vụ Cuộc gọi chờ (Call Wait), cho phép nhận hai cuộc gọi cùng một lúc, khi nhận cuộc thứ hai, đã không tắt máy cuộc đầu.

 

Thứ ba, lỗi do phím tắt của máy đầu cuối. Hoặc tình trạng tương tự, với máy không có nắp bảo vệ, khi người sử dụng không để chế độ khóa máy, cũng dẫn đến cuộc gọi dài.

 

Thứ tư, lỗi do tổng đài, hệ thống kỹ thuật của hai bên có sự cố, không kiểm soát, ngắt cuộc được khi đã kết thúc cuộc gọi.

 

Để khắc phục tình trạng này, quy trình báo cước của tổng đài di động là thường xuyên đối soát, kiểm chứng giữa hai bên tổng đài, các hệ thống lẫn nhau, thống nhất trong việc tìm ra chi tiết cuộc gọi.

 

Khi có dấu hiệu bất thường, người sử dụng nên gửi khiếu nại với nhà cung cấp. Từ những khiếu nại của khách hàng, khi các nhà cung cấp dịch vụ tiếp nhận những thông tin này, đồng thời, sẽ rà soát, kiểm tra được hệ thống kỹ thuật của mình.

 

Theo Hoàng Hùng

VietNamNet