1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Vận tải thủy “lẹt đẹt”, cổ phiếu bán mãi chẳng ai mua!

(Dân trí) - “Các công ty đường bộ bán cổ phần thì thi nhau mua, nhưng công ty thủy thì bán mãi chẳng ai mua. Lý do là vì vận tải thủy nghèo, người làm đường thủy rất nghèo!”.

Ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Vận tải Thủy - cho biết như vậy tại cuộc họp bàn về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa khu vực đồng bằng Sông Hồng diễn ra mới đây, tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Vận tải đường thủy nội địa có nhiều lợi thế và vai trò trung chuyển khối lượng hàng hóa lớn, nhiều chủng loại, đặc biệt là hàng siêu trường siêu trọng - khả năng này các loại hình vận tải đường sắt, đường bộ và đường hàng không khó có thể làm được. Tuy nhiên, hiện nay vận tải đường thủy nội địa cả nước nói chung và khu vực đồng bằng Sông Hồng nói riêng đang giữ tỷ trọng khiêm tốn trong tổng khối lượng hàng hóa vận tải của toàn ngành GTVT, tỷ lệ đảm nhận của đường thủy nội địa còn rất thấp.


Vận tải thủy “lẹt đẹt”, cổ phiếu bán mãi chẳng ai mua!

Vận tải đường thủy nội địa có nhiều ưu thế và chi phí thấp, nhưng việc quan tâm, đầu tư phát triển lại chưa được chú trọng

Ông Nguyễn Thủy Nguyên cho hay, việc đầu tư cho vận tải đường thủy nội địa hiện nay quá ít so với với tổng vốn đầu tư cho GTVT, thiếu vốn đầu tư cho chỉnh trị, nạo vét luồng. Vẫn tồn tại tình trạng các tuyến vận tải đường thủy không đồng cấp, chưa được đầu tư nạo vét, khơi thông, mở rộng luồng lạch nên ảnh hưởng lớn đến kinh doanh vận tải. Đó là lí do một số tuyến trong khu vực đồng bằng Sông Hồng như Hà Nội - Sơn Tây - Việt Trì, sông Phi Liệt, kênh đào nội thành Hải Phòng, tuyến sông Đáy… bị khan cạn vào mùa khô.

“Các doanh nghiệp vận tải thủy còn nhỏ lẻ, có quá ít doanh nghiệp có tiền lực lớn cả về tài chính đã hạn chế đến sức cạnh tranh cũng như việc tham gia vào vận tải đa phương thức. Các công ty đường bộ mở bán cổ phần cổ phiếu thì thi nhau mua, nhưng công ty thủy thì bán mãi chẳng ai mua. Lý do là vì vận tải thủy nghèo, người làm đường thủy rất nghèo!” - ông Nguyên cho biết.

Thừa năng lực, thiếu việc làm

Nói đến chi phí vận tải thì đường thủy nội địa là loại hình có giá rẻ nhất, con số so sánh đưa ra khiến nhiều người không khỏi giật mình. Một tấn hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy chỉ hết 200-300 đồng, với đường sắt là 1.200 đồng, còn đưa lên đường bộ thì sẽ hết 4.000 đồng.

Đại diện Cảng Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) khẳng định, cảng đang dư thừa năng lực nhưng lại rất thiếu việc làm. Cụ thể, năng lực vận tải ngay tại thời điểm này là 4 triệu tấn hàng hóa thông qua, nhưng hiện chỉ có 1,5 - 1,7 triệu tấn hàng hóa đang thông qua cảng.

Theo vị đại diện này, để kết nối các phương thức vận tải khác với vận tải thủy nội địa thì Bộ GTVT phải có chỉ đạo các đơn vị ngành xây dựng phương án vận tải phối hợp để tận dụng tối đa các tuyến đường thủy nội địa hiện có; giảm tải cho đường bộ, đường sắt về các trung tâm lớn như Hà Nội, Hải Phòng…

Trước những khó khăn kể trên, ngay tại cuộc họp này, đại diện Cảng Việt Trì đã không ngần ngại “xin” ngành đường sắt chia sẻ nguồn hàng để vận chuyển. Đơn cử như điều hành một số lượng hàng có khối lượng lớn như Apatit Lào Cai về Việt Trì để vận chuyển từ Việt Trì về nhà máy bằng đường thủy…

Vận tải thủy “lẹt đẹt”, cổ phiếu bán mãi chẳng ai mua!

Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Nếu như không nâng cao nhận thức thì đường thủy nội địa vẫn tiếp tục lẹt đẹt"

Những vấn đề của vận tải đường thủy nội địa đã quá rõ, nhưng sự “lẹt đẹt” của ngành vận tải này không chỉ vì chưa được đầu tư đúng mức, mà sự quan tâm của chính các địa phương và đơn vị quản lý Nhà nước cũng không "đến đầu đến đũa". Bằng chứng là tại cuộc họp quan trọng bàn về vận mệnh của vận tải thủy của khu vực có 11 tỉnh và thành phố, nhưng chỉ 3 tỉnh có lãnh đạo tham dự, thậm chí cấp Giám đốc Sở GTVT địa phương đều vắng mặt. Còn ở Bộ GTVT, trong khi Bộ trưởng và các Thứ trưởng chủ trì chỉ đạo cuộc họp thì các Cục, Vụ chuyên môn đa phần chỉ có cấp phó và chuyên viên tham dự!

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, nếu như không nâng cao nhận thức thì đường thủy nội địa vẫn tiếp tục lẹt đẹt và không phát triển được. Nhiệm vụ mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt ra là phải nâng cao quan điểm, nhận thức về phát triển vận tải nội địa, nhằm góp phần tái cơ cấu ngành GTVT, tái cơ cấu các phương thức vận tải, giảm tối đa chi phí vận tải, tạo ra một thị trường kinh doanh vận tải lành mạnh và đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, một cơ chế mới cho đường thủy nội địa phát triển đã có, trong đó Luật đường thủy nội địa sửa đổi mới được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1/1/2015 cùng với các Thông tư hướng dẫn để có một hành lang pháp lý sẽ góp phần đầy đủ thúc đẩy phát triển đường thủy nội địa. Từ đây, thu hút các nguồn lực, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường thủy cũng như phát triển doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa. Đề án tái cơ cấu ngành GTVT cũng ưu tiên đầu tư phát triển đường thủy nội địa…

Châu Như Quỳnh