1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm quy hoạch Hà Nội: Khó hình dung

(Dân trí) - Triển lãm đồ án quy hoạch Hà Nội mở cửa tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ (Hà Nội) từ 21/4-1/5 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân thủ đô. Tuy nhiên, rất nhiều người xem cho biết khó hình dung khi xem mô hình thể hiện quy hoạch.

 
 
Triển lãm quy hoạch Hà Nội: Khó hình dung   - 1

Triển lãm đồ án quy hoạch Hà Nội thu hút sự quan tâm của nhiều người dân Thủ đô
 

 

Mô hình khó hình dung

 

Theo nhận định của nhiều người có mặt tại triển lãm ngày khai mạc thì Mô hình đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ  đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 mang ra trưng bày trong triển lãm là quá bé và khó nhìn, không thực sự xứng tầm.

 

Cảm nhận rõ nhất của khách tham quan là sự đơn điệu của một đồ án có tầm cỡ lớn. Các mô hình chủ yếu là hai màu xanh và trắng, trong đó màu xanh biểu hiện cho hệ thống cây xanh, cảnh quan, sinh thái, còn màu trắng là biểu hiện các khu đô thị, các công trình xây dựng. Các mô hình không được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng nên càng khó cho người xem cảm nhận và đánh giá đầy đủ về một quy hoạch Hà Nội hiện đại trong tương lai.

 

Anh Trần Hữu Đại, ở Tây Hồ, Hà Nội cho rằng, mô hình qui hoạch thì rất đẹp nhưng đô thị này chỉ có thể được xây dựng trên những bãi đất trống mà thôi. Bản quy hoạch khiến người xem như chúng tôi rất khó hình dung.

 

Dưới con mắt của một chuyên gia, ông Trương Hữu Đông, nguyên cán bộ Viện quy hoạch (Bộ Xây dựng) băn khoăn tại sao lại đưa trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì bởi theo ông Đông, “cuộc sống phải đi ra biển chứ không nên ngược lên núi”.

 

Ông Đông cũng quan tâm đến việc cần phát triển một đô thị tập trung các trường đại học ở đó, vị trí  đặt ở chỗ nào thì cần phải tính đến việc đáp ứng đủ tiện nghi cho đô thị từ nhà ở, phương tiện đi lại, hệ thống hạ tầng xã hội tương ứng...
 
Triển lãm quy hoạch Hà Nội: Khó hình dung   - 2
 

 

Cần quan tâm  đến việc “cư xử” với đất nông nghiệp

 

Theo đơn vị tư vấn (Liên danh tư vấn quốc tế Perkins Eastman - Hoa Kỳ, POSCO E&C và JINA - Hàn Quốc), năm 2030 dân số toàn TP Hà Nội dự kiến khoảng 9,1 triệu người, trong đó thành thị khoảng 6,2 triệu người, nông thôn khoảng 2,9 triệu người.

 

Đến năm 2050, dân số sẽ trên 10 triệu người. Dân số trong 5 đô thị trực thuộc thành phố khoảng 1,38 triệu người. Còn tại 5 đô thị vệ tinh gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn sẽ có quy mô dân số từ 12,7 vạn đến 75 vạn người.

 

Khu vực nội thành từ vành đai 2 đến trung tâm sẽ được kiểm soát bảo tồn nghiêm ngặt các di sản văn hóa Thăng Long có dân số tối đa là 0,8 triệu người, khống chế kiểm soát mật độ và tầng cao xây dựng...

 

Trong đồ án quy hoạch, 68% diện tích đất tự nhiên được dành cho khu vực hành lang xanh vẫn được giữ nguyên. Trước mắt trụ sở một số cơ quan hành chính nhà nước sẽ được quy hoạch tại khu vực Mễ Trì - Mỹ Đình.

 

Về lâu dài, quỹ đất dự trữ xây dựng đô thị hành chính sẽ được gắn với Trung tâm hành chính quốc gia dự kiến tại khu vực chân núi Ba Vì và gắn với phía Bắc đô thị Hòa Lạc...

 

Hà Nội cũng sẽ hình thành hệ thống các khu hành chính, chính trị, với công sở hiện đại; sẽ là Thủ đô có không gian xanh, sạch, đẹp, có kiến trúc đô thị tiêu biểu…

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ  Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ nhận xét, tư vấn đã đưa ra một số ý tưởng độc đáo như việc lấy đất mặt nước, một trong những vấn đề lớn của xã hội hiện nay, là điểm nhấn để bảo vệ và tôn vẻ đẹp cho Hà Nội.

 

Thứ nữa, quy hoạch được phân tích không gian khá cẩn thận, tỉ mỉ. Tuy nhiên, cũng còn tản mạn một số vấn đề cần thảo luận thêm, như cư xử với sản xuất nông nghiệp như thế nào?

 

“Theo tôi, nếu một thành phố  hoàn toàn phi nông nghiệp không phải là một thành công của đồ án”, ông Võ nói.

 

Bài và  ảnh: Lan Hương