1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

TPHCM gặp khó trong việc "xóa sổ" nhà ven kênh, rạch

Q.Huy

(Dân trí) - Sở Xây dựng TPHCM cho biết, đa số dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch đều có pháp lý nhà, đất phức tạp. Nhiều trường hợp không có pháp lý về quyền sử dụng đất, lấn chiếm.

Trong nhiệm kỳ 2021-2025, TPHCM đặt mục tiêu di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch. Tuy nhiên tính đến hết quý II/2023, địa phương mới hoàn thành việc di dời đối với 657 căn.

Theo tính toán của Sở Xây dựng TPHCM, đến năm 2025, thành phố có thể hoàn tất bồi thường và di dời 4.250 căn, đạt tỷ lệ 65% chỉ tiêu của nhiệm kỳ. Đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, do thay đổi quy định pháp luật về hình thức đầu tư, các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch không còn hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia.

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM chiều 16/11, ông Lý Thanh Long, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TPHCM, nhìn nhận, những vướng mắc chính của TPHCM trong việc di dời các căn nhà trên và ven kênh rạch liên quan tới vốn và chính sách.

TPHCM gặp khó trong việc xóa sổ nhà ven kênh, rạch - 1

Ông Lý Thanh Long, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TPHCM (Ảnh: Nhân Thanh).

Cụ thể, các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch để thực hiện chỉnh trang đô thị, kết hợp giải quyết tiêu thoát nước để chống ngập được Sở Xây dựng đề xuất thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp thiết. Tuy nhiên, so với các dự án hạ tầng, công ích khác, những dự án nói trên không được đặt vào diện cấp bách, cần ưu tiên hàng đầu.

Ngoài ra, thành phố đang hạn chế ưu tiên vốn cho các dự án không có mặt bằng sạch hoặc các dự án có nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường. Trong khi đó, các dự án di dời nhà ven kênh có cấu phần vốn bồi thường là chủ yếu.

TPHCM gặp khó trong việc xóa sổ nhà ven kênh, rạch - 2

TPHCM mới di dời được 657/6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch trong nhiệm kỳ này (Ảnh: Hoàng Giám).

Điều này dẫn đến việc đa số dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch chưa được bố trí vốn, chưa được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

Qua rà soát các dự án chưa được bố trí vốn, Sở Xây dựng đã có nhiều kiến nghị tới thành phố về việc ưu tiên đưa các dự án trên vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, sau khi Quốc hội cho phép TPHCM sử dụng nguồn vốn dự kiến tăng thêm trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, các đơn vị sẽ rà soát, cân đối nguồn vốn đề xuất bố trí kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch.

Về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đa số dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch đều có pháp lý nhà, đất phức tạp. Nhiều trường hợp không có pháp lý về quyền sử dụng đất, lấn chiếm, có diện tích cả đất lẫn kênh rạch...

TPHCM gặp khó trong việc xóa sổ nhà ven kênh, rạch - 3

Đa số dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch tại TPHCM đều có pháp lý nhà, đất phức tạp (Ảnh: Hoàng Giám).

Điều này khiến việc hiệp thương, bồi thường chậm, làm dự án kéo dài. Nhiều trường hợp tiếp tục khiếu nại, chưa đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án theo kế hoạch.

Ông Long cho hay trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị UBND TPHCM quan tâm, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn cho các dự án sử dụng vốn ngân sách. Điều này còn hướng tới thực hiện mục tiêu của Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải của thành phố giai đoạn 2020-2030.

Đồng thời giao, cơ quan này cũng kiến nghị thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND quận, huyện, TP Thủ Đức xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp khiếu nại về chính sách, đơn giá bồi thường.

Ngoài ra, Sở Xây dựng đã xây dựng đề án, trình UBND TPHCM về giải pháp thí điểm cho tất cả hộ gia đình đang có nhà trên và ven kênh rạch được thuê nhà ở xã hội (hoặc thuê mua tùy khả năng).