1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Tìm lại Ơ Đu

(Dân trí) - Ơ Đu là tộc người cổ xưa và ít người nhất trên đất nước ta. Do biến thiên của lịch sử, tộc người này đã đánh mất hầu hết gia tài bản sắc văn hoá, cả tiếng nói và chữ viết. Tộc người Ơ Đu đang đứng trước nguy cơ “biến mất”.

Ơ Đu xưa và nay

 

Theo một số tài liệu nghiên cứu và qua lời các cụ già cao tuổi của tộc người Ơ Đu truyền lại, những người Ơ Đu đầu tiên xuất hiện ở Tương Dương (Nghệ An). Xưa kia nguời Ơ Đu rất đông đúc, cư trú suốt dọc vùng sông Nậm Nơn và Nậm Mộ. Người Ơ Đu sống bằng nghề phát nương làm rẫy, đãi cát tìm vàng, đánh cá và buôn bán nên cuộc sống khá sung túc, xã hội phát triển đạt đến trình độ khá cao.

 

Người Ơ Đu có ngôn ngữ và chữ viết riêng. Theo GS Đặng Nghiêm Vạn, đây là thứ chữ viết cổ còn giữ được nhiều phụ âm kép, cặp ba như bnt, drb, hrm, phrv, thrm...; thanh điệu cũng manh nha các cặp từ đối lập. Sau, do sự xâm lược của thực dân Pháp và sự chèn ép của các tộc người Thái, người Khơ Mú, người Mông…; tộc người Ơ Đu bị đàn áp, bóc lột thậm tệ, mất hẳn quyền làm người và đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong.

 

Một bộ phận khá đông người Ơ Đu phải bỏ cả tiếng nói, phong tục, tập quán, dòng họ của mình để trốn và rừng sâu núi thẳm hoặc sống trà trộn, lệ thuộc và các dân tộc khác để khỏi bị tiêu diệt.

 

Cách mạng tháng Tám thành công, đồng bào Ơ Đu được giải phóng, được quyền bình đẳng với các dân tộc khác. Người Ơ Đu lại trở về vùng đất xưa an cư lạc nghiệp. Người Ơ Đu được học tiếng phổ thông, một số con em Ơ Đu đã học lên đại học, hiện là giáo viên, là cán bộ ở UBND xã... Đó là một bước thay đổi lớn lao.

 

Từ lối sống du canh du cư, nạn đói đe doạ thường xuyên, giờ đây người Ơ Đu đã biết thâm canh đất, định canh định cư, tổ chức chăn nuôi, làm một số ngành nghề phụ… Cuộc sống đủ ăn, nhà cửa vững chắc, trong nhà đã có các tiện nghi hiện đại như xe máy, ti vi, đài… Đó là cơ sở để người Ơ Đu vươn lên đạt những đổi thay mới về cuộc sống xã hội và tinh thần.

 

Với xu thế phát triển của xã hội, người Ơ Đu trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt; nhưng những giá trị về bản sắc văn hoá, phong tục tập quán, tiếng nói và chữ viết của người Ơ Đu đã mất đi gần hết. Hiện cả tộc người Ơ Đu chỉ có vài người cao tuổi là còn biết tiếng của dân tộc mình.

 

Năm 2006, tộc người Ơ Đu lại có một cuộc thiên di lịch sử để đi đến một miền đất mới, nhường chỗ cho thuỷ điện Bản Vẽ - một công trình chiến lược quan trọng của đất nước.

 

Tìm lại Ơ Đu

 

Chúng tôi tìm về miền đất xưa của tộc người Ơ Đu bên dòng sông Nậm Nơn, thuộc xã Kim Đa, huyện Tương Dương. Cảnh vật đã đổi thay, con sông đã được ngăn dòng; hai bên bờ sông, hàng trăm công nhân cùng các phương tiện máy móc đang hối hả thi công.

 

Bản làng không còn nữa, chỉ còn những viên đá kê cột nhà và những mùn tranh sắp hoá vào đất - vết tích chứng tỏ người Ơ Đu đã từng sống ở đây - tất cả đã trở thành trầm tích. Chỉ còn hai dãy Pù Lũng và Pù Huống hùng vĩ chứng kiến bao biến động, đổi thay, thăng trầm của bao thế hệ  ngưòi Ơ Đu.

 

Vi Tân Hợi, vị Phó Chủ tịch huyện rất tâm huyết với việc tìm lại những gì đã mất của người Ơ Đu, đau đáu nhìn những vết tích còn lại: “Trước nguy cơ “biến mất” của tộc nguời Ơ Đu, chúng tôi đã dày công sưu tầm tìm kiếm ở Ơ Đu, ở Viện Nghiên cứu dân tộc học, ở các nhà nhà nghiên cứu,… để có tài liệu, hiện vật, với mong muốn có cái nhìn tổng phổ về Ơ Đu.

 

Tính đến nay, toàn bộ tộc người Ơ Đu chỉ hơn 500 người nhưng Ơ Đu vẫn là một trong 54 thành phần dân tộc ở Việt Nam, là một trong 5 dân tộc thiểu số ở miền núi Nghệ An. Tuy sắp “biến mất” nhưng Ơ Đu còn bảo lưu được những yếu tố văn hoá cổ xưa của cư dân Nam Á. 

 

Trước khi di dời dân để làm thuỷ điện Bản Vẽ, trong đó có tộc người Ơ Đu, chúng tôi đã tính toán và bàn bạc rất kĩ lưỡng với đồng bào để khi di dời không làm mất đi những những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể”.

 

Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình lên bản Tăng Môn, xã Nga Mi, nơi ở mới của đồng bào Ơ Đu. Những mái nhà sàn quay đầu vào núi được gọi là Dinh, mà khi dựng cột phải theo một thứ tự nhất định. Việc dựng nhà này chỉ tộc người Ơ Đu mới có. Già bản Lo Văn Mằn, một trong 3 người còn biết tiếng Ơ Đu, tâm sự: “Nhờ ơn Đảng, Bác Hồ, người Ơ Đu ta không những có cuộc sống ấm no, có cơm ăn áo mặc, được học hành mà còn bảo tồn được bản sắc văn hoá của  tộc người mình. Các lễ hội  như  hội mùa đầu năm được khôi phục, một số hiện vật như trang phục cổ, những vật dụng dùng lao động và sinh hoạt của người Ơ Đu xưa được  được gìn giữ trang trọng trong nhà bảo tàng huyện... Điều quan trọng nữa là sắp tới đây toàn bộ con em Ơ Đu sẽ được học tiếng Ơ Đu do ta dạy đó”.

 

Hỏi về nơi ở mới, già bản hồ hởi: “Người Ơ Đu ta làm quen với môi trường mới nhanh lắm. Người Ơ Đu ta rồi sẽ lớn mạnh, sánh vai với người Kinh, người Thái, người Khơ Mú... Nhưng ta luôn dạy con cháu không được quyên cội nguồn”.

 

Phó Chủ tịch huyện Vi Tân Hợi cho biết, đầu tháng 10/2007, huyện Tương Dương đã tiến hành triển khai dạy tiếng Ơ Đu cho con em Ơ Đu.

 

Rời bản Tăng Kho của tộc người Ơ Đu trong buổi sáng nắng xuân trải vàng khắp núi rừng, từng đàn học sinh tung tăng tới trường, những sơn nữ váy áo thổ cẩm má ửng hồng mang gùi đi lấy măng, từng đàn trâu bò thung dung gặm cỏ, tiếng lục lạc rộn ràng khắp núi rừng, chúng tôi cũng lâng lâng niềm vui về một tộc nguời đang từng bước hồi sinh.

 

Tiến Dũng