Thủ tướng: "Hệ thống khí hậu toàn cầu gần đến giới hạn đỏ"

Hoài Thu

(Dân trí) - Hàng loạt nguy cơ từ biến đổi khí hậu được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới diễn ra ở Dubai. Ông kêu gọi thế giới chung tay cùng hành động.

"Hệ thống khí hậu toàn cầu gần đến giới hạn đỏ. Trong một năm nóng nhất lịch sử đương đại, băng đang tan nhanh chưa từng có. Nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt, sạt lún, sạt lở, cháy rừng đang trở nên tàn khốc hơn. Nhiều lãnh thổ, cộng đồng có nguy cơ bị ngập lụt, nhấn chìm", Thủ tướng Phạm Minh Chính mở đầu bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới, sáng 2/12 theo giờ địa phương.

Sau 14 năm chưa đạt cam kết 100 tỷ USD để chống biến đổi khí hậu mỗi năm

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng nêu thực tế an ninh lương thực, an ninh năng lượng bị đe dọa, thành quả phát triển có nguy cơ bị đẩy lùi. Bên cạnh đó, vấn đề già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên là những vấn đề cộng hưởng làm gia tăng khó khăn, thách thức cho toàn cầu.

Trong khi đó, khoảng cách giữa cam kết và hành động khí hậu vẫn còn xa. Sự cạnh tranh, chia rẽ, phân tách, chiến tranh, xung đột, dịch bệnh càng làm phân tán nguồn lực cho biến đổi khí hậu.

Thủ tướng: Hệ thống khí hậu toàn cầu gần đến giới hạn đỏ - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Dương Giang).

"Sau 14 năm, chúng ta vẫn chưa đạt được cam kết 100 tỷ USD mỗi năm cho các hành động về biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện là chìa khoá để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu", theo lời Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh những năm qua, theo Thủ tướng, càng chứng tỏ đây là vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến toàn cầu, vấn đề của toàn dân.

"Chúng ta phải có nhận thức, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, chủ động, tích cực, thiết thực, hiệu quả hơn và hành động thống nhất mang tính toàn cầu", Thủ tướng nói.

Ông nhấn mạnh mỗi quốc gia phải có trách nhiệm quản lý thực hiện hiệu quả, khai thác tối đa sức mạnh nội sinh kết hợp với sức mạnh đoàn kết quốc tế; lấy người dân, lợi ích chung toàn cầu là trung tâm, chủ thể, không để bất cứ quốc gia nào, người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Đa dạng hóa huy động nguồn lực, kết hợp công và tư, kết hợp trong và ngoài nước, song phương và đa phương và các nguồn lực hợp pháp khác, nhất là nguồn lực từ tư nhân, cũng là định hướng quan trọng được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chia sẻ trong bài phát biểu.

Động thái quyết liệt của Việt Nam

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các quốc gia phát triển phải tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển, nhất là nguồn vốn ưu đãi, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh và hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại, phù hợp, hiệu quả với từng quốc gia.

Ngược lại, các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển phải nỗ lực hơn nữa không bị động, không trông chờ, không ỷ lại mà phải nâng cao năng lực, tự cường, tự chủ, tự vươn lên với tinh thần không ai làm tốt cho mình hơn chính bản thân mình.

Thủ tướng: Hệ thống khí hậu toàn cầu gần đến giới hạn đỏ - 2

Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới diễn ra tại thành phố Dubai, UAE (Ảnh: Dương Giang).

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý cần bảo đảm công bằng, công lý về chống biến đổi khí hậu. "Điều đó đồng nghĩa với đảm bảo tự chủ và an ninh năng lượng quốc gia, khả năng tiếp cận năng lượng sạch với chi phí phù hợp, hiệu quả cho mọi doanh nghiệp, người dân và với mỗi quốc gia", ông nói.

Về phía Việt Nam, kể từ sau COP26 ở Glasgow, Thủ tướng cho biết tình hình thế giới có nhiều biến động, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, song Việt Nam với trách nhiệm với toàn cầu và toàn dân đã thực hiện nhiều công việc toàn diện, quan trọng.

Thứ nhất, Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chiến lược biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh; Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo; Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo (như nhân lực, nguồn lực, quy hoạch, cơ sở vật chất...).

Thứ hai, Việt Nam đã thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); Thành lập Ban Thư ký; công bố Kế hoạch thực hiện và Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP; Ban hành và thực hiện Kế hoạch phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Thứ ba, trong xây dựng thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh việc  xây dựng Luật Dầu khí, hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Điện lực theo hướng hỗ trợ kiến tạo phát triển năng lượng tái tạo.

Việt Nam cũng đang xây dựng, hoàn thiện Nghị định mua bán điện trực tiếp, xử lý các dự án điện tái tạo và các vấn đề tồn đọng, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

"Thời gian không chờ đợi. Khó khăn, thách thức ngày càng nhiều, phức tạp và khó lường hơn. Vì vậy, chúng ta đã đoàn kết rồi phải đoàn kết hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, đã hành động rồi phải hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, đã cố gắng rồi thì phải cố gắng nhiều hơn nữa", Thủ tướng chia sẻ định hướng.

Định hướng này, theo ông, vì sự phát triển thịnh vượng của cả nhân loại, vì sự mát lành của trái đất và vì sự ấm no, hạnh phúc của mọi người dân trên thế giới.

Hoài Thu (Từ Dubai, UAE)