Thủ tướng chỉ ra 7 nguyên nhân dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát

Thái Anh

(Dân trí) - Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, từ bên ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến những sơ hở trong việc quản lý cách ly, địa phương phản ứng chậm trễ, lúng túng, bị động khi dịch xuất hiện...

Thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 nêu, tính từ 27/4, ngày phát sinh đợt dịch mới, đến 19/5, cả nước đã ghi nhận 1.539 ca mắc mới trong cộng đồng tại 28 tỉnh, thành. Đây là đợt dịch có diễn biến phức tạp, khó lường, do chủng mới của vi rút có độ nguy hiểm cao, lây lan nhanh và khó chữa trị.

Thủ tướng chỉ ra 7 nguyên nhân dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát - 1
Ổ dịch tại Bắc Giang đang "nóng" nhất cả nước (ảnh minh họa).

Đặc biệt, đợt dịch này đã lây lan tại một số khu công nghiệp tập trung đông công nhân, nơi Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó. Dịch bệnh xảy ra trong thời điểm chuẩn bị và tiến hành bầu cử, trong bối cảnh dịch bệnh tại các nước trong khu vực vẫn tăng cao, nhất là tại Campuchia, Lào và đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam ở nước ngoài, Việt kiều tăng cao, gây áp lực lớn.

Thủ tướng điểm lại những nguyên nhân dẫn đến đợt bùng phát dịch thứ 4 này, như nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài qua đường nhập cảnh; quản lý nhập cảnh, đấu tranh ngăn chặn nhập cảnh trái phép, quản lý cư trú, kiểm soát và xử lý cư trú trái phép chưa chặt chẽ, còn có sơ hở.

Bên cạnh đó, vẫn còn tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh của một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (kể cả cơ quan, đơn vị của Nhà nước) và một bộ phận nhân dân.

Việc quản lý cách ly người nhập cảnh, theo dõi y tế sau cách ly thiếu chặt chẽ, sơ hở, chủ quan. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm đầy đủ yêu cầu 4 tại chỗ.

Nguyên nhân khác, một số địa phương, đơn vị chưa có dịch bệnh nên chưa có kinh nghiệm, còn chậm trễ, lúng túng, bị động ứng phó khi có dịch.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhận định, một số quy định, quy chế quản lý nhà nước về phòng, chống dịch còn bất cập, hạn chế, chưa đồng bộ, chưa sát thực tế.

Nhìn lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương, tại các cấp, các ngành, của các cấp ủy, chính quyền, Thủ tướng đánh giá  vẫn còn có hiện tượng lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm, cần kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm, xử lý và nhanh chóng khắc phục.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục hiện tượng này. Quan điểm chống dịch tránh cả hai khuynh hướng là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi không có dịch và hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh khi ứng phó dịch.

Thủ tướng lưu ý, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công dịch bệnh, lấy tấn công là chính, phòng là thường xuyên, cơ bản, quyết định.

Lãnh đạo Chính phủ phân tích, tấn công là "5K + vắc xin"; xét nghiệm sàng lọc diện rộng. Các đơn vị tích cực huy động các nguồn lực để tăng năng lực xét nghiệm, bảo đảm nhanh, chính xác, hiệu quả; tiếp cận đa dạng nguồn vắc xin, nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu, sản xuất trong nước.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Bộ Y tế, các địa phương rà soát các biện pháp chống dịch tại các khu công nghiệp. Bộ Công Thương chuẩn bị phương án, kể cả cho tình huống xấu nhất, về cung ứng hàng hóa, vật tư y tế, nhất là hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt tại vùng có dịch bệnh.