Thứ trưởng, Cục trưởng không được háo danh, để người thân lợi dụng trục lợi

Phùng Minh

(Dân trí) - Chiều 2/1, theo thông tin từ Bộ Nội vụ, dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước đã được trình Chính phủ xem xét, thông qua.

Nghị định dự kiến áp dụng đối với chức danh công chức lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ (Thứ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh văn phòng, Chánh thanh tra; Phó vụ trưởng, Phó cục trưởng, Phó chánh văn phòng, Phó chánh thanh tra; Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Bộ,…);

Chức danh công chức lãnh đạo, quản lý thuộc Tổng cục (Tổng cục trưởng, Phó tổng cục trưởng và tương đương; Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh văn phòng, Chánh thanh tra thuộc Tổng cục);

Chức danh công chức lãnh đạo, quản lý của Sở và tương đương (Giám đốc Sở, Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, Chánh văn phòng UBND cấp tỉnh, Chánh thanh tra tỉnh,…).

Về chính trị tư tưởng, dự thảo nghị định yêu cầu phải có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước; chấp hành nghiêm sự phân công của cơ quan, tổ chức; tuân thủ kỷ luật phát ngôn theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng.

Công chức lãnh đạo, quản lý nêu trên phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị. Có tinh thần cần, kiệm, liêm chính, bản thân không tham nhũng, háo danh, cơ hội, vụ lợi.

"Không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Không tham vọng quyền lực; cần cù, chịu khó, nhiệt huyết, trách nhiệm cao với công việc", dự thảo nêu rõ tiêu chuẩn.

Thứ trưởng, Cục trưởng không được háo danh, để người thân lợi dụng trục lợi - 1

Trụ sở Bộ Nội vụ (Ảnh: Thế Kha).

Ngoài ra, công chức lãnh đạo, quản lý cũng phải tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm.

Dự thảo nghị định cũng đưa ra nhiều tiêu chuẩn về trình độ, quản lý nhà nước (các chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, trình độ ngoại ngữ) và năng lực, uy tín (tư duy đổi mới, phương pháp làm việc khoa học; có năng lực tổng hợp, phân tích và dự báo…).

Những cán bộ trên phải có khả năng quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, cá nhân; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm; có thành tích nổi trội, có sản phẩm cụ thể tại vị trí hiện đang công tác phù hợp với yêu cầu của vị trí lãnh đạo dự kiến bổ nhiệm.

Một số trường hợp đặc thù áp dụng tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm

Dự thảo đề xuất, trường hợp bổ nhiệm nhân sự từ nguồn bên ngoài thì không nhất thiết phải bảo đảm tiêu chuẩn "đã kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý ở vị trí cấp dưới trực tiếp" nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn về kinh nghiệm phù hợp với vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý dự kiến bổ nhiệm, tiêu chuẩn về sản phẩm cụ thể theo yêu cầu ở vị trí đang đảm nhiệm và tiêu chuẩn về thời gian công tác.

Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm quyết định tiêu chuẩn về kinh nghiệm công tác phù hợp với vị trí lãnh đạo, quản lý dự kiến bổ nhiệm.

Trường hợp được bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh tương đương hoặc kiêm nhiệm thêm chức vụ khác thì không nhất thiết phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh tương đương hoặc kiêm nhiệm.

Ngoài ra, trường hợp đang công tác trong lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước được điều động, bổ nhiệm thì không phải đáp ứng ngay tiêu chuẩn về quản lý nhà nước theo quy định của chức danh bổ nhiệm. Đối với các trường hợp này phải hoàn thiện tiêu chuẩn trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm.