1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Sau 15 năm, TPHCM dừng quan điểm không xây đại học, bệnh viện ở nội thành

Q.Huy

(Dân trí) - UBND TPHCM nhận định, sau 15 năm, quy định không quy hoạch, xây mới trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cơ sở y tế tại khu vực trung tâm, quận nội thành là không còn phù hợp thực tế.

Ngày 23/2, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, đã ký văn bản gửi các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện về việc đầu tư xây dựng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các bệnh viện trên địa bàn. Theo chỉ đạo mới của UBND TPHCM, địa phương này đã thay đổi quan điểm về quy hoạch được quán triệt cách đây 15 năm.

Cụ thể, năm 2007, UBND TPHCM đã ban hành văn bản 8933 về lĩnh vực này. Văn bản này đề cập: "Từ nay trở đi, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các cơ sở y tế ở khu vực trung tâm thành phổ và các quận nội thành cũ chỉ được phép sửa chữa, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị, phương tiện để từng bước hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế; không quy hoạch, xây dựng mới; việc đầu tư xây dựng mới sẽ được triển khai tại các quận mới và các huyện ngoại thành, các cửa ngõ ra vào thành phố".

Sau 15 năm, UBND TPHCM nhìn nhận, các nội dung của văn bản 8933 nêu trên đã không còn phù hợp với thực tế phát triển giao thông, hệ thống giao thông công cộng, thực tế đầu tư xây dựng mạng lưới công trình y tế, giáo dục của địa phương cũng như nhu cầu phát triển đa dạng. Mặt khác, các công trình bệnh viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hiệp hữu nằm tại khu vực nội thành đã xuống cấp trầm trọng, cần xây dựng phát triển phù hợp tình hình mới.

Sau 15 năm, TPHCM dừng quan điểm không xây đại học, bệnh viện ở nội thành - 1

Nhiều bệnh viện tại khu vực nội thành TPHCM đã xuống cấp trầm trọng (Ảnh: Trần Đạt).

UBND TPHCM chỉ đạo, các bệnh viện, cơ sở y tế đầu tư xây dựng mới phù hợp theo các pháp lý quy hoạch được duyệt, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Điều này nhằm đáp ứng cơ sở vật chất cho việc khám, chữa bệnh, phục vụ việc tiếp cận y tế của người dân.

Thủ tục đầu tư, xây dựng mới các công trình nêu trên được thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.

Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp được phép cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành nhưng quy mô phải phù hợp quy hoạch, quy định, quy chế quản lý và đảm bảo đáp ứng yêu cầu của điều kiện hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các cơ sở đào tạo tại các quận nội thành ưu tiên sử dụng cho mục đích đào tạo sau đại học hay văn phòng đại diện của trường.

Ngoài ra, cơ sở đào tạo tại nội thành vẫn tiếp tục thực hiện lộ trình di dời vào các khu đại học đã được quy hoạch.

UBND TPHCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, rà soát quy hoạch tại các khu chức năng đại học, cao đẳng, khu y tế, công viên cây xanh, đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch để thu hút đầu tư các dự án hạ tầng xã hội trọng điểm, đưa vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị có thẩm quyền để nghiên cứu, rà soát, bố trí nguồn vốn, lập kế hoạch và tham mưu xây dựng các tuyến giao thông công cộng, các hạ tầng kết nối cụm y tế, khu đại học tập trung. Đồng thời, các đơn vị cần lưu ý giải pháp để giảm thiểu ùn tắc giao thông, đảm bảo chất lượng môi trường đô thị.

UBND TPHCM nêu rõ, thành phố với vai trò là đô thị trung tâm của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, được phát triển đa cực, đa trung tâm, hình thành các trung tâm tổng hợp và chuyên nghành về nghiên cứu giáo dục đào tạo, y tế... 

Do đó, các vấn đề hạ tầng xã hội, đặc biệt là hệ thống giáo dục đào tạo, y tế là vô cùng quan trọng nhằm cải tạo và phát triển hệ thống, phù hợp với tình hình của khu vực. Ngoài ra, hạ tầng xã hội cần đáp ứng nhu cầu đào tạo, cung ứng nhân lực trình độ cao cho TPHCM, cho những ngành mũi nhọn của cả nước.