Quảng Ngãi nói gì khi giải quyết thủ tục hành chính trên Zalo?

(Dân trí) - Tỉnh Quảng Ngãi là một trong 30 tỉnh, thành trong cả nước ứng dụng Zalo vào việc giải quyết thủ tục hành chính công. Vấn đề đặt ra là, đây là một phần mềm chưa được thẩm định. Liệu việc ứng dụng tiện ích này có đảm bảo yếu tố an toàn thông tin?

Đầu năm 2019, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi ký kết với Zalo về việc tổ chức khai thác ứng dụng Zalo, thực hiện cải cách hành chính phục vụ người dân. Theo đó, ứng dụng này chính thức được sử dụng để người dân có thể kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi nói gì khi giải quyết thủ tục hành chính trên Zalo? - 1
Quảng Ngãi là một trong khoảng 30 tỉnh, thành ứng dụng Zalo vào việc giải quyết thủ tục hành chính công cho người dân.

Vấn đề đặt ra là hiện chưa có cơ quan chức năng nào đánh giá, thẩm định mức độ an toàn của ứng dụng Zalo. Do đó, tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhắc nhở một số địa phương thận trọng khi sử dụng ứng dụng này và yêu cầu cần phải có sự thẩm định cẩn thận.

Liên quan đến vấn đề này, PV Dân trí đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi để tìm hiểu mức độ ứng dụng, quan điểm về những lo ngại nói trên.

Thông tin với PV, ông  Nguyễn Ngọc Trân - Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông cho biết, trong quá trình làm việc giữa 2 bên, phía Zalo đề xuất nhiều nội dung hợp tác. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ngãi chỉ đồng ý sử dụng ứng dụng này vào việc quét mã QR để kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ của người dân.

Trong mỗi giấy tiếp nhận và hẹn trả kết quả tại Trung tâm hành chính công có đính kèm một mã QR. Khi cần kiểm tra, người dân sử dụng phần mềm Zalo quét mã QR trong giấy hẹn để xem hồ sơ của mình đã được xử lý đến đâu.

Đối với lo ngại về mức độ an toàn của Zalo, ông Trân cho rằng, việc sử dụng Zalo như hiện nay chỉ giới hạn trong việc kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ theo mã QR được cấp cho từng cá nhân. Ứng dụng này hoàn toàn không can thiệp vào hệ thống thông tin Một cửa điện tử của tỉnh Quảng Ngãi.

"Việc kiểm tra bằng mã QR được hướng dẫn cụ thể trong giấy hẹn. Khi sử dụng thì chủ hồ sơ chỉ cần quét mã kiểm tra, tiện ích này không yêu cầu người dân cung cấp bất kỳ một thông tin nào khác", ông Trân nói.

Quảng Ngãi nói gì khi giải quyết thủ tục hành chính trên Zalo? - 2
Lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, mức độ ứng dụng Zalo vào quá trình giải quyết thủ tục hành chính như hiện nay vẫn đảm bảo yếu tố an toàn thông tin.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi, mức độ ứng dụng như hiện nay chưa đến mức phải lo lắng về yếu tố an toàn thông tin. Tuy nhiên, nếu muốn ứng dụng thêm các nội dung khác của phần mềm này vào công việc thì cần phải có sự thẩm định.

Quảng Ngãi nói gì khi giải quyết thủ tục hành chính trên Zalo? - 3
Phó Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị cần có sự thẩm định, quản lý các ứng dụng trong việc giải quyết thủ tục hành chính công để các đơn vị yên tâm sử dụng.

Về phía đơn vị sử dụng tiện ích này, ông Nguyễn Thanh Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc thực hiện như lâu nay không ảnh hưởng đến an toàn thông tin của người sử dụng. Trên thực tế, chưa có trường hợp nào phản ánh những bất cập liên quan khi sử dụng tiện ích này tại Trung tâm. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ngãi cũng bày tỏ lo lắng, về lâu dài nếu ứng dụng này không được thẩm định sẽ có khả năng phát sinh yếu tố mất an toàn.

"Đây là ứng dụng hữu ích trong việc giải quyết thủ tục hành chính công. Tuy nhiên, ứng dụng chưa được thẩm định nên cũng có thể phát sinh những yếu tố không an toàn trong quá trình ứng dụng. Do đó, về lâu dài cần có cơ quan có thẩm quyền thẩm định, quản lý chặt chẽ", ông Hoài kiến nghị.

Trao đổi với PV Dân trí sáng 9/9, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, vào năm 2018, địa phương này đã bắt đầu triển khai thí điểm cổng dịch vụ công trực tuyến ở bộ phận một cửa thuộc TP Bắc Giang. “Trước đây, địa phương sử dụng 3 phần mềm điện tử ở bộ phận một cửa thì hiện nay đã được chuẩn hóa thành 1 phần mềm. Sau khi thực hiện thí điểm ở TP Bắc Giang, địa phương sẽ lấy ý kiến thẩm định của Bộ Thông tin - Truyền thông, nếu phần mềm này đạt chuẩn thì tới đây sẽ được nhân rộng” - bà Hà nói.

Giải thích về việc áp dụng ứng dụng Zalo trong quá trình triển khai thí điểm phần mềm điện tử, theo bà Hà, ứng dụng này chỉ dùng để kết nối bộ phận một cửa với người dân để cung cấp, trao đổi thông tin và hướng dẫn mọi người cách tra cứu.

“Khi người dân gửi hồ sơ thì bộ phận một cửa sẽ sử dụng Zalo nhắn cho họ biết là hồ sơ đã được gửi thành công và hiện tại hồ sơ đang ở trạng thái như thế nào… Và ngay cả Cổng thông tin của Chính phủ bây giờ cũng nhắn tin trên Zalo” - bà Hà lấy ví dụ minh họa và cho biết, ứng dụng Zalo chỉ phục vụ chức năng duy nhất là hỗ trợ thông tin từ xa.

Nguyễn Trường

Mới đây, tại cuộc họp kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, một số tỉnh, thành đã báo cáo với Tổ công tác của Thủ tướng về việc ứng dụng Zalo trong việc giải quyết thủ tục hành chính công. Về nội dung này, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị các địa phương cần cân nhắc kỹ về vấn đề bảo mật thông tin khi sử dụng các phần mềm, ứng dụng như vậy.  Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, Văn phòng Chính phủ sẽ kiến nghị Thủ tướng giao nhiệm vụ thẩm định, hướng dẫn vấn đề này cho Bộ Thông tin - Truyền thông để cơ quan này tiến hành đánh giá khả năng đảm bao an ninh, an toàn khi sử dụng các loại ứng dụng trong hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới người dân.

Quốc Triều