DNews

Những người Pháp đến Điện Biên tìm dấu vết cha ông

Ngọc Tân

(Dân trí) - "Tôi muốn biết điều gì còn đọng lại trong trái tim họ. Tôi muốn chắc chắn rằng những hận thù đã kết thúc", vị khách Pháp thổ lộ khi đứng đối diện 2 cựu văn công từng phục vụ tại Điện Biên Phủ.

Những người Pháp đến Điện Biên tìm dấu vết cha ông

Giữa trưa nắng, Fabien Tonnerre đứng trầm ngâm trước khối tượng đài màu trắng, trong một khuôn viên nhỏ nhắn nhưng sạch sẽ dành cho những người lính Liên hiệp Pháp đã tử trận tại Điện Biên Phủ.

Khi thù hận giữa 2 đất nước đã được xóa nhòa, những du khách như Tonnerre đến Điện Biên để hiểu thêm về một trang sử mà người Pháp ngày nay ít khi nhắc đến.

"Chúng tôi không quên họ"

"Tại Pháp, Điện Biên Phủ không phải là sự kiện được sóng truyền hình nhắc đến mỗi năm, thay vào đó là Thế chiến I và II", Fabien Tonnerre, du khách trẻ tuổi đến từ Pháp, chia sẻ với phóng viên.

Những gì anh nhớ được khi học phổ thông là người Pháp đã đến Việt Nam, họ thua một cuộc chiến, họ về nước và người Mỹ thay thế… chỉ chung chung như vậy.

Những người Pháp đến Điện Biên tìm dấu vết cha ông - 1

Fabien Tonnerre chụp ảnh chiếc xe tăng hạng nhẹ mà quân đội Pháp sử dụng tại Điện Biên Phủ.

"Tôi đứng đây tại Điện Biên Phủ để cố hình dung xem những người Pháp cách đây 70 năm đã cảm nhận như thế nào, không chỉ về cuộc chiến mà còn về thiên nhiên, khí hậu. Và hơn hết, tôi muốn hiểu về những gì họ (cựu binh và tử sĩ Pháp) đã trải qua, để họ thấy rằng chúng tôi không quên họ", nam du khách nói.

Sau khi thăm đồi A1, hầm Đờ Cát, bước chân bộ hành đưa Tonnerre đến với một khu tưởng niệm nằm ở cuối sân bay Mường Thanh. Nó là một khuôn viên được sơn trắng muốt, chính giữa đặt một tượng đài. Phía trước tượng đài, những bia đá nhỏ nhắn được các đoàn khách Pháp để lại sau mỗi chuyến viếng thăm.

Khi nghĩ về những cựu binh Pháp từng tham chiến ở Việt Nam hay Algeria, Tonnerre không đổ lỗi cho họ. Nước Pháp ngày nay không còn tư tưởng thực dân, nhưng thời 1954, phục vụ quân đội Pháp và chết ở một thuộc địa xa xôi nào đó là chuyện phổ biến.

"Khi đến Việt Nam, họ còn quá trẻ, và điều điên rồ là họ không tranh đấu cho tự do của dân tộc như những người lính thời Thế chiến II đã làm. Nhiều người không biết vì sao họ phải chiến đấu, hoặc biết một cách sai lầm rằng 'Tư bản đang chống lại Cộng sản, Họ là Cộng sản, chúng ta phải giết họ". Với tôi điều đó thật điên khùng", nam du khách nêu quan điểm.

Vị khách cũng bày tỏ niềm cảm kích khi Chính phủ Việt Nam cho phép người Pháp có riêng một khu tưởng niệm tại Điện Biên Phủ.

Những người Pháp đến Điện Biên tìm dấu vết cha ông - 2

Đài tưởng niệm lính Pháp tại thành phố Điện Biên Phủ (Ảnh: Ngọc Tân).

"Điều này thật tốt. Những cựu binh Pháp hoặc người Pháp quay lại đây không chỉ để gợi nhớ ký ức mà còn để hiểu cách ứng xử của người Việt Nam, để xóa đi những hận thù", Fabien Tonnerre chia sẻ.

Trong lúc Tonnerre đứng suy tư trước đài tưởng niệm binh lính Pháp, Yan Fortini (27 tuổi) đang cầm trên tay xấp kịch bản, đứng trước camera và chuẩn bị gửi đến khán giả trên kênh YouTube của anh một bài thuyết trình về hầm Đờ Cát.

"Ông của tôi là lính Lê Dương từng chiến đấu tại Cao Bằng. Khi trận Điện Biên Phủ nổ ra, ông ấy ở cứ điểm Isablle (Hồng Cúm) cho đến ngày cả tập đoàn cứ điểm sụp đổ", Yan Fortini chia sẻ.

Những người Pháp đến Điện Biên tìm dấu vết cha ông - 3

Người thanh niên Pháp giơ ra hình xăm "Dien Bien Phu" trên cánh tay, thứ khiến anh tưởng nhớ về người ông của mình (Ảnh: Ngọc Tân).

Không giống như những du khách đặt chân đến Điện Biên vì vẻ đẹp vùng Tây Bắc, Yan tới đây với một thái độ rõ ràng. Cậu muốn tìm lại dấu vết về sự dũng cảm và danh dự của cha ông tại nơi mà họ đã bại trận.

Một trong những điều đau đớn với quân đội Pháp, đặc biệt là chỉ huy cấp cao, là trong vòng 9 năm họ phải trải qua 2 thái cực trái ngược. Từ những người anh hùng trong lòng nhân dân Pháp khi tham gia đánh đuổi phát xít Đức (1945) cho tới kẻ bại trận nhục nhã trước một quân đội Việt Nam với vũ khí thô sơ vào năm 1954. 

"Tôi biết rằng cả 2 đất nước đều đã phải chịu đựng rất nhiều vì chiến tranh. Bây giờ chúng ta đã sống trong hòa bình. Nhưng tôi vẫn muốn tìm hiểu thêm, điều đó quan trọng với cá nhân tôi", Yan nói, giơ ra hình xăm Dien Bien Phu trên cánh tay phải của mình.

Ông của Yan Fortini đã sống sót trở về Pháp, nhưng rồi lại sang tham chiến ở Algeria và tử trận vào năm 1960. Do đó, anh không có cơ hội nào để hỏi ông về những gì đã xảy ra ở Điện Biên Phủ.

"Các cựu binh Pháp, những người đồng đội của ông, cho tôi biết rằng họ rất kính nể năng lực chiến đấu của những người lính Việt Minh", nam YouTuber chia sẻ.

Sáng tỏ những mơ hồ 

Kết thúc một vòng tham quan Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, Antonio Alves (66 tuổi, đến từ Pháp) cảm thấy chưa thỏa mãn. Cũng giống như Fabien, ông Alves đến Điện Biên để cố hình dung xem những người đồng bào Pháp của mình đã sống như thế nào, chuyện gì đã xảy với họ sau khi tập đoàn cứ điểm sụp đổ.

Ông bà vợ của Alves từng sống ở Hà Nội còn cha vợ của ông thì chào đời tại Hải Phòng vào năm 1929. Hai vợ chồng người Pháp đã bắt đầu chuyến tham quan dọc Việt Nam để cố gắng tìm lại những dấu vết về cuộc sống của cha ông.

Những người Pháp đến Điện Biên tìm dấu vết cha ông - 4

Ông Antonio Alves, du khách từ Pháp đến tham quan bảo tàng Điện Biên Phủ (Ảnh: Ngọc Tân).

"Chúng tôi biết rằng Việt Minh đã cố gắng chăm sóc cho những hàng binh Pháp sau ngày 7/5, nhưng lịch sử cũng cho thấy rằng trong số 10.000 tù binh Pháp bị bắt tại Điện Biên Phủ, chỉ 1/3 trong số họ trở về được quê hương. Những người còn lại thì sao?", Alves đau đáu với câu hỏi.

Trong nhiều năm, câu hỏi của Antonio Alves là chủ đề nhạy cảm, tiếp tục gây chia rẽ ngay cả khi cuộc chiến đã kết thúc. Có những lời đồn đại rằng quân đội Việt Minh đối xử tệ với tù binh, khiến họ thiệt mạng khá nhiều trước khi được trao trả lại cho nước Pháp.

Trên thực tế, câu hỏi của Antonio Alves đã được 2 nhà sử học người Pháp là Pierre Journoud và Hugues Tertrais làm sáng tỏ từ năm 2004 trong công trình sử liệu có tên "Hồi ức Điện Biên Phủ, những nhân chứng lên tiếng". Cuốn sách cũng vừa được Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam hôm 3/5 nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cuốn sách mô tả nhiều khoảnh khắc xúc động và ám ảnh khi các tù binh Pháp phải tiễn biệt đồng đội của mình, chủ yếu do suy dinh dưỡng và bệnh tật.

Những người Pháp đến Điện Biên tìm dấu vết cha ông - 5

Những người lính Việt Minh phải san sẻ lương thực với tù binh Pháp trong hoàn cảnh chính bản thân cũng chưa no đủ (Ảnh tư liệu: TTXVN).

Lời kể của cựu binh Pháp trong cuốn sách cho thấy bộ đội Việt Minh không ngược đãi hay tra tấn tù binh. Thậm chí, những người bỏ trốn bị bắt lại cũng không bị phạt nặng. Tuy nhiên, việc bắt một đạo quân đã quen với bơ sữa, thịt hộp phải sử dụng khẩu phần ăn như bộ đội và hành quân bộ hàng trăm km như bộ đội là một điều quá sức với nhiều cựu binh Pháp.

Những vết thương trong chiến trận còn chưa lành, sốt rét cấp tính, bệnh đường ruột... cũng là nguyên nhân đánh gục nhiều lính Pháp trước khi họ chờ được đến ngày trao trả tù binh. Dĩ nhiên có những nỗ lực cứu chữa từ phía bên thắng cuộc, nhưng lực lượng y tế của Việt Minh khi đó cũng phải ưu tiên cứu chữa cho cơ số thương binh của mình.

Ở đoạn kết chương viết về tù binh, cuốn sách của Pierre Journoud và Hugues Tertrais cũng nêu một số chi tiết đáng buồn như tù binh Pháp sau khi được trả tự do vẫn tiếp tục tử vong trong các bệnh xá của Pháp do không được phục hồi dinh dưỡng đúng cách.

"Tôi mong muốn lịch sử được sáng tỏ, nhưng không phải để phán xét. Bạn biết đấy, thời Thế chiến II, có nhiều người Pháp đã hợp tác với Đức Quốc Xã và lập lên chính phủ bù nhìn, chúng tôi phải chấp nhận những chuyện như vậy vì đó là lịch sử", Antonio Alves chia sẻ.

Trong hành trình tham quan bảo tàng, Alves và vợ tình cờ gặp 2 nữ văn công từng phục vụ bộ đội tại chiến trường Điện Biên Phủ. Cuộc tao ngộ gây cho vị khách Pháp sự xúc động.

Những người Pháp đến Điện Biên tìm dấu vết cha ông - 6

Vị khách Pháp gặp 2 cựu văn công từng tham gia trận Điện Biên Phủ (Ảnh: Ngọc Tân).

Ông cúi chào và gặng hỏi 2 cựu văn công xem bây giờ họ nghĩ gì về người Pháp. Đáp lại, 2 cụ bà hơn 90 tuổi nở nụ cười: "Là bạn, hòa bình và hữu nghị".

"Tôi muốn biết điều gì còn đọng lại trong trái tim họ. Tôi muốn chắc chắn rằng những hận thù đã kết thúc", ông nói.

"Một số người được tuyên truyền rằng Đông Dương là một phần thuộc Pháp, chiến đấu tại Đông Dương là chiến đấu cho Pháp. Dĩ nhiên, người Pháp đáng được nhìn nhận công bằng về những di sản mà họ để lại như những tiến bộ văn minh, quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng còn in dấu đậm nét tại Hà Nội, TPHCM…

Tuy nhiên, họ đã sai lầm khi can thiệp. Đất nước Việt Nam là của người Việt Nam, không phải để người Pháp hay Mỹ bảo người Việt phải làm gì trên mảnh đất của mình".

Fabien Tonnerre

"Tôi đến từ Pháp, nhưng tôi phải nói rằng nước Pháp không bao giờ nên nhúng tay vào cuộc chiến tại Việt Nam. Đó là một trang sử buồn. Nhưng chúng tôi học được nhiều điều từ những sai lầm mà mình đã gây ra.

Hồi nhỏ, khi nghe về cuộc chiến của người Pháp tại Việt Nam và Algeria, tôi cảm nhận được chúng có "mùi" của sự phân biệt chủng tộc. Như kiểu người Pháp "thượng đẳng" và những dân tộc kia thì ở vị thế thấp hơn. Bây giờ, khi tôi hỏi những đứa con của mình, chúng không còn nghĩ như vậy nữa.

Tương lai của Việt Nam và Pháp ngày nay sẽ chỉ có thể là hợp tác, hợp tác trong hòa bình. Không còn lý do để đánh nhau".

Antonio Alves