1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Người trồng mía khốn đốn vì công ty mía đường không chịu trả nợ

(Dân trí) - Sau khi thu mua nguyên liệu từ người dân, thay vì trả nợ theo đúng hợp đồng, phía Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống lại tìm cách “gài nợ” cho một công ty khác khiến nhiều hộ dân ở xã Công Chính (huyện Nông Cống) không được thanh toán tiền bán mía và đối mặt với khoản nợ hàng trăm triệu mà họ đã vay để đầu tư.

Nhận nguyên liệu xong, khước từ thanh toán!

Theo phản ánh của các hộ dân, ngày 25/06/2018 Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống (Cty mía đường) ký 5 hợp đồng với 5 người (đại diện cho hàng trăm hộ dân xã Công Chính về việc trồng và thu mua mía nguyên liệu vụ ép 2018-2019).

Người dân bức xúc vì mía thu hoạch đã hơn 6 tháng vẫn không nhận được tiền trả nợ từ công ty.

Hợp đồng thỏa thuận, sau khi thu hoạch mía 7 ngày, phía Cty mía đường sẽ phải thanh toán tiền  2,9 tỷ đồng cho người trồng mía, thế nhưng từ ngày thu hoạch mía là 4/4/2019 đến nay Cty mía đường vẫn khước từ thanh toán số tiền đã thỏa thuận.

Người trồng mía khốn đốn vì công ty mía đường không chịu trả nợ - 1

Công ty cổ phần mía đường Nông Cống khước từ thanh toán sau khi lấy nguyên liệu từ người dân.

Ông Mai Xuân Nam (một chủ hợp đồng) cho biết, do người dân không được thanh toán nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư sản xuất cho vụ tiếp theo. Nhiều hộ đã phải nợ lại tiền công cày đất, công trồng mía và phân bón... của nông trường.

“Người dân hàng năm chỉ trông chờ vào mấy đồng thu nhập từ cây mía, 6 tháng trôi qua công ty không chịu trả tiền khiến chúng tôi khốn đốn đủ đường. Những người cho chúng tôi nợ phân bón, tiền công… thường xuyên tới nhà yêu cầu thanh toán tiền nhưng phía công ty không trả, chúng tôi cũng không biết phải lấy đâu tiền để trả nợ”- ông Nam bất bình.

Còn ông Dương Thanh Nhẫn- cũng là một trong số người dân bán mía cho Cty mía đường thì bức xúc: “Đã phải thuê đất của nông trường với giá cao để trồng mía, bỏ tiền túi ra thuê nhân công, đầu tư phân bón, giống… nhưng cuối cùng chúng tôi không được trả nợ mà công ty thoái thác bằng cách gài nợ cho một công ty khác. Một điều hết sức vô lý là nợ của hai công ty nhưng lại kéo người dân vào”.

Người trồng mía khốn đốn vì công ty mía đường không chịu trả nợ - 2

Giấy xác nhận công nợ mà Công ty đường Nông Cống đang nợ cá nhân ông Nguyễn Bá Hoàng.

Cũng theo người dân thì Cty mía đường lấy lý do không thanh toán tiền là do Công ty TNHH 2 Thành viên ứng dụng Công nghệ cao, Nông nghiệp, Thực phẩm sữa Yên Mỹ (Công ty sữa Yên Mỹ) đang nợ họ số tiền hơn 2 tỷ đồng, khi nào lấy được tiền đó thì họ sẽ trả tiền mía cho dân.

Công ty mía đường tính “ăn quỵt” tiền dân?

Ông Nguyễn Trọng Hải, Tổng giám đốc Cty mía đường xác nhận việc công ty nợ 2,9 tỉ đồng tiền mua mía nguyên liệu vụ ép 2018-2019 là đúng thực tế, tuy nhiên ông cho rằng công ty nợ tiền của Công ty Yên Mỹ chứ không nợ người dân.

Người trồng mía khốn đốn vì công ty mía đường không chịu trả nợ - 3

6 tháng sau khi thu hoạch mía, người dân vẫn không nhận được tiền từ Công ty mía đường Nông Cống.

“Chúng tôi có nợ tiền mía nhưng nợ của Công ty Yên Mỹ và công ty này cũng có nợ tiền đầu tư của chúng tôi. Năm vừa rồi (2018-2019) chúng tôi có nợ tổng số tiền mua mía là 2,9 tỉ đồng, trong khi đó công ty này đang nợ chúng tôi 2,2 tỉ đồng. Sau khi đối trừ công nợ, chúng tôi có nợ Yên Mỹ 700 triệu đồng và bên đó cũng đã lấy 1 nửa, hiện chúng tôi chỉ còn nợ khoảng 300-400 triệu đồng thôi”- ông Hải nói.

Khi được hỏi trong hợp đồng Cty mía đường ký trực tiếp với các hộ dân, tại sao công ty lại không trả tiền trực tiếp cho các chủ hợp đồng. Ông Hải lý giải, 5 chủ hợp đồng trên là đội trưởng các đội sản xuất của Công ty Yên Mỹ được công ty ủy quyền nên là người đại diện cho công ty, vì thế đơn vị sẽ trả tiền cho Công ty Yên Mỹ và công ty này có trách nhiệm trả tiền cho người dân.

Người trồng mía khốn đốn vì công ty mía đường không chịu trả nợ - 4

Người dân cho rằng, Công ty mía đường Nông Cống "lập lờ" để tính ăn quỵt tiền dân.

Trong khi đó ông Mai Văn Nho, Phó giám đốc Công ty 2 thành viên sữa Yên Mỹ lại khẳng định công ty không ký hợp đồng với Cty mía đường mà chỉ có một nhóm hộ ký trực tiếp với công ty.

“Việc công ty chúng tôi có nợ tiền của Cty mía đường là việc của 2 công ty, chúng tôi cũng đã có phương án trả nợ, còn việc nợ tiền mía của người dân thì họ phải trả cho dân chứ, sao bắt người dân phải gánh nợ cho công ty. Còn giấy ủy quyền là chỉ thực hiện việc mua bán mía của năm 2018-2019, trong đó không có nội dung nào nhắc tới việc phải trả nợ cũ trước kia, nên Cty mía đường trừ ngang nợ vào tiền mía của dân là không được”- ông Nho khẳng định. 

Việc Cty mía đường lập lờ đánh lận việc thanh toán tiền cho người dân sang một bên thứ 3 không có trong thỏa thuận khiến người dân vô cùng bức xúc và đã có đơn kiến nghị đến chính quyền địa phương.

Ngày 3/10/2019, UBND huyện Nông Cống đã tổ chức buổi làm việc giữa 3 bên là Cty mía đường, Công ty TNHH 2 Thành viên ứng dụng Công nghệ cao, Nông nghiệp, Thực phẩm sữa Yên Mỹ và đại diện người dân trồng mía. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống chủ trì buổi làm việc đã kết luận, nợ 2 công ty tự đàm phán và thanh toán với nhau và Cty mía đường phải có trách nhiệm thanh toán nợ cho chủ hợp đồng là người dân trồng mía.

Bình Minh