1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Nên bỏ việc cấp số dịnh danh khi khai sinh cho trẻ?

(Dân trí) - Trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 19/6, dự thảo Luật Hộ tịch nhận nhiều quan tâm về nội dung Chính phủ đề nghị cấp mã số định danh cá nhân cho công dân ngay từ khi làm giấy khai sinh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (Trưởng Ban soạn thảo dự án luật) cũng nêu quan điểm, đến khi công dân đủ 14 tuổi mới được làm thẻ căn cước công dân theo mã số định danh cá nhân đã được cấp từ khi làm giấy khai sinh. Khi đó cũng mới đưa ảnh nhận dạng vào thẻ căn cước công dân bởi khi đủ 14 tuổi, đặc điểm nhận dạng của mỗi người sẽ ít thay đổi so với trước năm 14 tuổi.

Thảo luận về luật này, nhiều đại biểu nhất trí với quy định cấp thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân (CMND) để đơn giản hóa nhiều loại thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, đồng thời phù hợp với xu hướng hiện đại trong quản lý Nhà nước về dân cư.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu nhận xét, nhiều nội dung của Luật hộ tịch và Luật căn cước công dân trùng nhau.
 
Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang).
Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang).

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đặt câu hỏi với việc Bộ Công an trình luật căn cước công dân, Bộ Tư pháp trình luật hộ tịch. Cả 2 luật đều nêu sẽ cấp thẻ căn cước cho công dân từ khi mới sinh ra, vì vậy gây chồng chéo, đề nghị phải phân công rõ nhiệm vụ cụ thể của từng bộ.

Ông Tính cho rằng, thẻ căn cước công dân được cấp cho trẻ từ khi sinh ra tới 14 tuổi là chưa phù hợp vì chưa đủ điều kiện nhận dạng, nên cấp thẻ khi công dân từ đủ 14 tuổi trở lên.

Đại biểu Phạm Thị Mỹ Ngọc (Ninh Bình) lại thống nhất cấp thẻ căn cước công dân ngay từ trẻ sinh ra để thay cho giấy CMND; thể hiện các đặc điểm nhận dạng để phân biệt người này và người khác.

“Thẻ căn cước công dân sẽ thay thế nhiều loại giấy tờ khác của công dân, tiện cho quản lý, lợi cho công dân” – bà Ngọc đề nghị không quy định về khai sinh trong luật hộ tịch mà cần thống nhất như luật thẻ căn cước công dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Đồng Nai) thống nhất cao việc đến năm 2020, khi hoàn thành việc cấp thẻ căn cước công dân thì có sự thay đổi rất lớn trong quản lý Nhà nước dân cư, hộ tịch, hộ khẩu, rất lợi cho công dân về các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, ông Khánh cũng bày tỏ băn khoăn về sự chồng lấn của 2 luật hộ tịch và luật thẻ căn cước. Luật hộ tịch nên bỏ quy định khái niệm về số định danh cá nhân; thẻ căn cước công dân, vì các vấn đề này đã được quy định trong luật thẻ căn cước công dân.

Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng Luật hộ tịch đưa ra cách đổi mới đột phá về quản lý dân cư, tạo thuận lợi cho người dân, giảm bớt được các giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, luật này chỉ nên điều chỉnh về các vấn đề hộ tịch, không điều chỉnh các vấn đề về khai sinh, thẻ căn cước để tránh trùng lắp với luật Căn cước công dân.

Ông Dũng đồng ý phương án cấp giấy khai sinh, giấy chứng nhận hôn nhân vì nó có ý nghĩa hàm chứa nhiều thông tin cơ bản, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công dân; những loại giấy tờ khác chỉ cần cấp trích lục khi công dân có yêu cầu.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cũng cho rằng, giấy khai sinh là rất quan trọng đối với đời mỗi con người, vì vậy nên cấp giấy khai sinh.

Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) tán thành nhận định, giấy khai sinh là một bộ phận không thể tách rời của quản lý hộ tịch, vì vậy đề nghị duy trì cấp giấy khai sinh, giấy chứng nhận hôn nhân cho công dân.

Nhiều đại biểu Quốc hội khác cùng đề nghị, phải quy định rõ giấy khai sinh là căn cứ gốc của công dân trong luật hộ tịch; không thể cấp thẻ căn cước công dân thay cho giấy khai sinh. Kể cả sau này khi có cấp thẻ căn cước thì vẫn phải có giấy khai sinh.

Về việc quản lý hộ tịch, lưu giữ cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu hộ tịch bằng công nghệ thông tin được nhận định là rất tiện dụng cho người dân, đồng bộ hóa với các dịch vụ an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ sự lo ngại trước trình độ của cán bộ công chức cấp xã, huyện trong việc sử dụng các công nghệ số hóa. Do đó, cần phải nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ làm công tác hộ tịch địa phương, đặc biệt là kỹ năng sử dụng công nghệ để tránh nhầm lẫn, phức tạp cho người dân.

P.Thảo