Mở ra hướng giảm nửa ngày làm việc/tuần cho công nhân

(Dân trí) - Ngoài phương án quy định giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần (tức làm việc 6 ngày/tuần, chỉ nghỉ Chủ nhật) như luật hiện hành, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được bổ sung thêm phương án thiết kế theo nguyện vọng của đa số người lao động là chỉ làm 44 giờ/tuần.

Mở ra hướng giảm nửa ngày làm việc/tuần cho công nhân - 1
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh nêu 6 nội dung lớn còn ý kiến khác nhau liên quan đến dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi).

Báo cáo về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) để xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội sáng 14/8, Chủ nhiệm UB Các về xã hội Nguyễn Thuý Anh đề cập kỹ vấn đề mở rộng khung thoả thuận thời giờ làm thêm tối đa.

Bà Thuý Anh cho biết, có nhiều đại biểu Quốc hội tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng. Một số ý kiến khác tán thành quan điểm của UB Các vấn đề xã hội, cho rằng nên cân nhắc kỹ vấn đề này để phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe và thời giờ làm việc của người lao động Việt Nam.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội nhận định, trên thực tế, nhu cầu làm thêm giờ là có thật, từ phía người lao động bản chất là do tiền lương và thu nhập chưa bảo đảm trang trải cuộc sống, từ phía người sử dụng lao động là do nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tùy theo từng thời điểm. Bộ luật lao động hiện hành đã quy định nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ, nhưng việc thực hiện rất khó khăn, hạn chế, tình trạng vi phạm về thời giờ làm thêm khá phổ biến.

Mặt khác, việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, trình độ quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn, tay nghề người lao động được nâng lên thì năng suất lao động, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc sẽ giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và cải thiện đời sống của người lao động.

Đáng quan tâm hơn, việc mở rộng khung thời gian làm thêm giờ tối đa trong trường hợp đặc biệt là 400 giờ/năm gấp 2 lần tổng số giờ làm thêm tối đa trong trường hợp bình thường luật định (200 giờ/năm) và bằng 50 ngày làm việc bình thường (8 giờ/ngày). Theo lãnh đạo UB Các vấn đề xã hội, đây là nội dung cần có giải trình thấu đáo cùng với mối quan hệ với thời giờ làm việc thực tế, tiền lương thực tế, hiệu quả, năng suất lao động và giải quyết việc làm...

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra dự án luật cảnh báo, việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.

Theo đó, UB Các vấn đề xã hội muốn Chính phủ tiếp tục làm rõ hơn các nội dung về quy định thời giờ làm thêm theo hướng đảm bảo chặt chẽ, giới hạn trong một số trường hợp đối với một số ngành, nghề, công việc nhất định. Các nguyên tắc được nhấn mạnh với việc àm thêm là phải có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động; áp dụng tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ, bổ sung quy định khống chế giờ làm thêm tối đa theo tháng và có cơ chế  kiểm tra, thanh tra, giám sát đảm bảo sự tuân thủ quy định về thời gian làm thêm giờ, tránh để xảy ra tình trạng phổ biến vi phạm pháp luật về làm thêm giờ như hiện nay.

Mở ra hướng giảm nửa ngày làm việc/tuần cho công nhân - 2
Các phân tích đưa cho thấy, khối cơ quan hành chính đã áp dụng quy định làm việc 40 giờ/tuần (tức 5 ngày/tuần) 20 năm nay trong khi khối doanh nghiệp vẫn phải làm 48 giờ/tuần.

Liên quan trực tiếp tới vấn đề tăng giờ làm thêm là chuyện tiền lương làm thêm giờ. Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội thông tin, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ như quy định hiện hành về vấn đề này, ý kiến khác thì đề nghị cần quy định về lương làm thêm giờ theo lũy tiến.

Do còn ý kiến khác nhau giữa các bên như vậy, UB Các vấn đề xã hội vẫn trình 2 phương án quy định về tiền lương làm thêm giờ để UB Thường vụ Quốc hội thảo luận.

Phương án 1 là hướng đề xuất của Chính phủ, giữ nguyên như Bộ luật hiện hành, tiền lương làm thêm vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%; làm thêm giờ vào ban đêm còn được trả thêm ít nhất 20%. Ngoài ra, một quy định được bổ sung thêm là việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn quy định trên thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện.

Phương án 2 được thiết kế trên cơ sở ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là trả lương lũy tiến đối với thời gian làm thêm giờ tính theo số giờ làm thêm trong ngày và có sự khác biệt tương ứng với làm thêm giờ trong ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần, ngày lễ, tết và ngày nghỉ có hưởng lương. Tuy nhiên, phương án này chưa có đánh giá tác động đầy đủ để làm căn cứ quyết định quy định cụ thể.

Với thời giờ làm việc bình thường, cơ quan thẩm tra dự luật lưu ý ý kiến cho rằng, quy định về thời giờ làm việc giữa khu vực công (khu vực hành chính) với người lao động đang không bình đẳng, đề nghị nghiên cứu để quy định người lao động làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần.

Nhấn mạnh nguyên tắc cần khuyến khích giảm thời gian làm việc bình thường trong tuần của khu vực có quan hệ lao động nhằm hướng tới bình đẳng với khu vực hành chính và xu hướng chung hiện nay của thế giới với mục tiêu thúc đẩy các biện pháp tăng năng suất lao động, việc làm đầy đủ và tạo dư địa mở rộng khung làm thêm giờ cho một số ngành nghề, lĩnh vực có nhu cầu, UB Các vấn đề xã hội bổ sung thêm một phương án thiết kế về nội dung này để UB Thường vụ Quốc hội xem xét.

Theo đó, phương án 1 như Chính phủ trình vẫn được giữ nguyên: không quá 8 giờ trong  một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần, người sử dụng lao động có thể quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng không quá 10 giờ/ngày. Phương án 2 được thiết kế theo nguyện vọng của đa số người lao động, đó là, thời giờ làm việc bình thường là 8 giờ/ngày và 44 giờ/tuần.

Để UB Thường vụ có cơ sở xem xét vấn đề này, Chính phủ cũng được yêu cầu bổ sung đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách khuyến khích thực hiện quy định làm việc 40 giờ/tuần, cung cấp kinh nghiệm của các nước về việc này, trong đó lưu ý về thời giờ làm việc giữa công chức, khu vực công với khu vực doanh nghiệp, thị trường của các nước ASEAN, các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các nước EU; kèm theo thông tin cụ thể hơn về thời giờ làm thêm của các quốc gia tương ứng với thời giờ làm việc bình thường.

P.Thảo