1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

“Mai phục” để bắt các đối tượng bôi bẩn tượng đài Thánh Gióng

(Dân trí) - Ông Lê Anh Tuyến - Cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cho rằng, cần bố trí lực lượng theo dõi, phát hiện để xử lý, xử phạt các đối tượng đã vẽ bậy, bôi bẩn lên tượng đài Thánh Gióng.

Trao đổi về việc tượng đài Thánh Gióng - bức tượng được xây đúc bằng đồng, nặng trên 85 tấn, được an vị vĩnh viễn trên đỉnh núi đá Chồng (Sóc Sơn - Hà Nội), là công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội - đã bị một số đối tượng thiếu ý thức viết vẽ bậy gây phản cảm, mất mỹ quan, ông Lê Anh Tuyến cho rằng: Hành vi viết vẽ, bôi bẩn tượng đài là xâm hại đến công trình văn hóa được xem là tiêu biểu không chỉ riêng của thành phố Hà Nội mà còn của cả dân tộc. Để giải quyết loại “tệ nạn” mới phát sinh này, ngoài việc bố trí lực lượng quản lý, trông nom còn cần phải triển khai các lực lượng phối hợp giữa cơ quan thanh tra và địa phương để theo dõi, phát hiện để xử lý những đối tượng vi phạm. Thậm chí, nếu cần thiết cũng phải “mai phục” để phát hiện và bắt đối tượng vi phạm, xử lý theo quy định pháp luật.

“Mai phục” để bắt các đối tượng bôi bẩn tượng đài Thánh Gióng - 1

Ông Lê Anh Tuyến: "Viết vẽ bậy lên tượng đài Thánh Gióng là do sự thiếu ý thức của một số đối tượng người dân...". (Ảnh: Quốc Đô)
Cũng theo ông Tuyến, tượng đài Thánh Gióng không phải là công trình văn hóa duy nhất bị xâm hại. Trước đó lực lượng chức năng đã từng theo dõi bắt các đối tượng vi phạm để xử lý về hành vi vẽ bậy lên tường trong hầm cầu vượt đường Kim Liên mới tại Hà Nội. Kể cả việc các đối tượng dán quảng cáo, rao vặt sai qui định tại Thủ đô cũng đã bị xử phạt. Các đây không lâu, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai phối hợp cơ quan chức năng xử lý, xử phạt một số đối tượng là học sinh, sinh viên viết vẽ bẩn bừa bãi tại chùa Độc Cước. 

“Mai phục” để bắt các đối tượng bôi bẩn tượng đài Thánh Gióng - 2
Tượng đài Thánh Gióng lem luốc bởi những nét vẽ nguệch ngoạc (Ảnh: Anh Thế)

Nhiều năm trở lại đây, Cục Pháp chế cũng đã rất chú ý theo dõi, tìm hiểu những phát sinh xảy ra trong đời sống sinh hoạt của người dân, trong việc ứng xử với các di tích danh thắng và các công trình văn hóa để trình lên Bộ và Chính phủ các phương án khắc phục, xử lý phù hợp, làm sao để có hiệu quả nhất. Vẽ bậy, viết bẩn là do sự thiếu ý thức của một số người dân. Với hành vi xâm hại đến tượng đài như thế, địa phương nơi quản lý công trình văn hóa hoàn toàn có thể xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.

“Nếu lực lượng chức năng phát hiện vi phạm cần phải lập biên bản để chính quyền địa phương xử phạt ngay. Tùy theo từng hành vi vi phạm được pháp luật quy định từ mức phạt vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng” - ông Tuyến nói.

Quốc Đô - Anh Thế