1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Thanh Hóa:

"Làng thanh niên lập nghiệp" sau 8 năm vẫn chưa thể an cư

(Dân trí) - Sau gần 8 năm lập nghiệp, cuộc sống của những hộ dân ở Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng vẫn gặp nhiều khó khăn. Quá nhiều điều bất cập khiến các hộ dân chưa thể “an cư”, dù dự án được kỳ vọng giúp thanh niên vững vàng làm giàu trên vùng kinh tế mới.

Nhà hoang ở Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng

Dự án Làng thanh niên lập nghiệp (LTNLN) Sông Chàng do Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phê duyệt đầu tư vào 10/2007. Được Tỉnh Đoàn Thanh Hóa khởi công xây dựng vào năm 2008 trên địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân.

Làng được xây dựng ven đường Hồ Chí Minh, trên diện tích 600 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 32 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là thu hút khoảng 150 hộ gia đình trẻ đến đây sinh sống, phát triển kinh tế. Theo dự án Làng có nhà văn hóa, nhà trẻ-mẫu giáo, trạm y tế... Mỗi đoàn viên thanh niên (hoặc gia đình đoàn viên thanh niên) vào định cư ở LTNLN Sông Chàng sẽ được cấp 400m2 đất ở, được cấp đất trồng mía, cao su…

Dự án được kỳ vọng không chỉ giúp thanh niên đến ở Làng thoát nghèo mà còn có thể làm giàu ngay trên vùng đất mới. Thế nhưng đã gần 8 năm trôi qua, nhiều bất cập vẫn tồn tại nơi đây, khiến cho không ít những hộ dân lên đây vẫn chưa thể “an cư”.

Thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, chưa được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, khó khăn trong vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế, trẻ em chưa được làm BHYT, Những ưu tiên dành cho người dân vùng 30a không được thụ hưởng …vẫn là những rào cản không nhỏ đối với những hộ dân ở Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng.

Hàng chục ngôi nhà bỏ hoang

Chúng tôi đếm được khoảng hai mươi căn nhà vắng bóng chủ nhân, cửa khóa im ỉm. Trong số đó, nhiều ngôi nhà có lẽ đã không có người ở khá lâu nên cỏ dại đã mọc bao kín đường đi lối lại, sân vườn chỉ toàn là cỏ dại. Vài căn nhà mối mọt đã bắt đầu xâm hại lên phần cửa gỗ, vách nhà.

"Làng thanh niên lập nghiệp" sau 8 năm vẫn chưa thể an cư - 1

Những căn nhà xây xong rồi bỏ hoang ở Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng
Những căn nhà xây xong rồi bỏ hoang ở Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng

Tìm hiểu sự việc chúng tôi được biết, đất sản xuất bàn giao cho các hộ dân tại làng đang còn thiếu so với dự định ban đầu, mỗi gia đình chỉ có 3 ha đất sản xuất thì quá ít. Ngoài trồng mía, sắn, không thể trồng lúa, hoa màu khác nên hết vụ họ không có việc gì làm. Hơn nữa, nhà ở và vườn diện tích 400m thì quá nhỏ, không thể chăn nuôi gia súc được.

Chính vì vậy các hộ không thể tự trồng lúa, hoa màu để tự chủ nguồn lương thực. Cũng vì chỉ “độc canh” trồng mía, sắn nên thời gian nhàn rỗi bất đắc dĩ của các hộ thường kéo dài, nghề phụ lại không có nên nhiều hộ đã đóng của nhà mà đi làm thuê.

Nhiều căn nhà đang xây dựng thì hết tiền nên đành bỏ dở công trình, chủ nhà chấp nhận đi làm thuê nơi khác. Người về quê gốc, kẻ tìm việc phương xa, người thì tranh thủ vào các khu dân cư trong vùng bán sức lao động. Tình trạng trên khiến nhiều ngôi nhà ở LTNLN Sông Chàng luôn trong tình trạng vắng chủ nhà, cửa khóa im ỉm.

Trạm y tế xuống cấp
Trạm y tế xuống cấp

Chia sẻ với chúng tôi, chị Lương Thị Hồng, hộ dân tại đây bày tỏ: “Ngoài 400m đất ở và 3ha đất sản xuất được cấp, toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng nhà cửa gia đình em phải bỏ ra xây dựng. Tuy nhiên, để xây được một ngôi nhà trên phần đất được giao không hề đơn giản. Do địa hình nằm trên triền đồi khá dốc, sau khi nhận đất các hộ dân phải tự bỏ vốn san lấp mặt bằng để xây nhà. Ai nhiều tiền thì xây nhà to, ít vốn thì dựng tạm căn nhà nhỏ để ở. Trước đây Làng thanh niên đầu tư cho mỗi cụm 2-3 gia đình một bể nước, giếng khoan để sinh hoạt chung, thế nhưng vào mùa khô nguồn nước nhanh chóng cạn kiệt. Thêm vào đó, nguồn nước lại bị nhiễm đá vôi nặng, muốn sử dụng được phải lọc đến 2-3 lần. Nước sạch đã không có, đến nay gia đình em cũng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nên, gia đình muốn vay mượn ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế thì hết sức khó bởi không có tài sản đảm bảo thế chấp”.

Không chỉ có nhà ở, khu nhà được xây làm trạm y tế tại Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng khá khang trang nhưng không hề có hoạt động khám chữa bệnh. Căn nhà vắng tanh, không thấy một cán bộ nhân viên y tế nào có mặt. Do bị bỏ không từ lâu nên công trình trạm y tế cũng đang có biểu hiện xuống cấp, nước mưa ngấm vào tường nhà tạo ra những khoảng rêu bám xanh rì.

Trẻ em không được làm thẻ BHYT

Ngoài bất cập về đất đai, nguồn nước sinh hoạt, những hộ dân ở Làng thanh niên lập nghiệp sông Chàng còn thiệt thòi khi không được thụ hưởng những chế độ thuộc dân vùng 30a.

Trẻ em trong làng không được làm thẻ BHYT, khi ốm đau người dân phải xin chính quyền xác nhận để đi viện huyện, viện tỉnh.... Được biết, hiện Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng có 34 cháu dưới 6 tuổi.

“Con cái chúng tôi không có cháu nào trong làng được làm thẻ BHYT. Mỗi lần con ốm đau muốn đi viện chúng tôi phải lên chính quyền đi xin giây xác nhận rất mất công” – một hộ dân ở Làng chia sẻ.

Vẫn còn tồn tại nhiều bất cập tại Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng
Vẫn còn tồn tại nhiều bất cập tại Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng

Ông Lê Chí Liệu, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: “Cái khó là Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng một mặt thuộc địa giới hành chính của xã Xuân Hòa, mặt khác lại do Tổng đội TNXP quản lý. Làng thanh niên vẫn chưa phải là một thôn, chưa đủ các chức danh, bộ máy hoạt động của một thôn được nhà nước công nhận mà chỉ mới có Bí thư chi bộ. Do chưa đủ bộ máy hoạt động nên chưa có người xác nhận các giấy tờ, thủ tục để làm các loại giấy tờ, thủ tục như thẻ BHYT, vay vốn ngân hàng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định... vẫn chưa thể thực hiện được”.

Cũng theo ông Liệu thì, các hộ được Tổng đội đứng ra tín chấp vay vốn nhưng số tiền thấp, muốn đảo vốn vay thêm thì không được bởi không có tài sản thế chấp, đất ở chưa được cấp quyền sử dụng, đất nông nghiệp thì lại là đất giao khoán của Tổng đội. Điều này đã gây ra nhiều bất cập, khó khăn cho các hộ dân ở Làng thanh niên.

Nói thêm về vấn đề này, anh Đào Văn Tuyên – Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP phát triển kinh tế Thanh Hóa cho biết: “Trước đây, dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng thu hút, bố trí được cho 141 hộ gia đình lên lập nghiệp, giải quyết cho gần 300 lao động. Vì vi phạm chủ trương, chính sách, cam kết khi về Làng nên 20 hộ đã bị thu hồi đất. Ngoài ra còn có khoảng gần 20 hộ tranh thủ thời gian nông nhàn đi làm thêm nơi khác”.

“Trước những kiến nghị của các hộ dân về việc làm thẻ BHYT cho các cháu, Tổng đội cũng đã làm việc với xã, huyện để tạo điều kiện cho các cháu khi ốm đau được nhập viện và hưởng theo đúng chính sách, chế độ. Ngoài ra, để các hộ vay vốn phát triển, Tổng đội phải đứng ra tín chấp với các ngân hàng để các hộ vay vốn với mức từ 30 - 50 triệu. Tuy nhiên để các hộ chủ động vay vốn, vay với số lượng lớn để đầu tư phát triển thì đây vẫn là một bất cập. Tổng đội cũng đã phối hợp với chính quyền xã, rồi họp bàn với các hộ dân, kiến nghị đề xuất lên huyện, lên tỉnh xin chủ trương lập thôn mới “Thanh Niên” và đang chờ tỉnh quyết định. Chúng tôi đã xây dựng dự kiến nguồn nhân sự khi thôn mới Thanh Niên được thành lập. Chính quyền xã, rồi Tổng đội sẽ tạo điều kiện thuận lợi hết mức cho các hộ dân về định cư ở đây yên tâm phát triển kinh tế...” – ông Tuyên nói.

Hơn lúc nào hết những gia đình trẻ ở Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ có trách nhiệm từ nhiều phía. Có được như vậy, những gia đình trẻ thanh niên nơi đây mới có thể “an cư” làm giàu trên vùng đất mới.

Bình Minh