1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Lang thang mua sắm ở Tân Thanh

(Dân trí) - “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô thị, có chùa Tam Thanh”, hai câu thơ trên đủ nói lên vẻ đẹp của Lạng Sơn với những địa danh nổi tiếng một thời. Mấy năm trước chợ Kỳ Lừa vẫn nức tiếng mua sắm với hàng trăm gian hàng bày bán đủ các mặt hàng của Trung Quốc. Nhưng đấy là ngày trước…

Lúc chúng tôi lên Đồng Đăng, Lạng Sơn, vào chợ Kỳ Lừa chỉ thấy những người bán hàng mặt mày ủ ê. Nhiều gian hàng đành quây nilon chờ bán hàng tối. Mấy năm nay để mua sắm, người ta đã đổ hết lên Tân Thanh. 

 

Cái gì cũng có

 

Chỉ mươi năm trước Tân Thanh vẫn còn hoang vắng bởi chẳng ai nghĩ một nơi heo hút như thế lại có thể trở thành một nơi mua sắm sầm uất. Qua những đoạn đường men theo khe núi khá đẹp, chúng tôi vào địa phận Tân Thanh.  Một chiếc barie nhấc lên cho các loại xe đi qua mà chẳng bị hạch hỏi giấy tờ, ngoài việc mua chiếc vé 10.000 đồng.

 

Có đủ loại  ôtô, nhất là các loại ôtô to trở được vài chục người đã đậu ở bãi giữ xe Tân Thanh. Có lẽ họ đến đây từ sáng sớm. Cả cơ quan thuê một xe, tranh thủ lên Lạng Sơn mua sắm. Cũng có khi cả gia đình, mời thêm họ hàng, hàng xóm thuê cái ôtô lên Tân Thanh, sáng đi chiều về vừa chơi vừa mua sắm, đúng là nhất cử lưỡng tiện.

 

Loanh quanh một lát tôi cũng tìm được nơi để xe trong cả đống bạt ngàn ôtô. Có 4 khu để mua sắm chơi bời. Khu Trung tâm thương mại Việt Trung có lẽ sầm uất nhất với 2 tầng. Tầng trên có cả dịch vụ khách sạn. Một khu nữa  nằm bên ngoài ngay sát khu Thương mại Việt Trung, nom có vẻ dân dã hơn nhưng cách bài trí cũng tương đối thuận tiện chứ không nhom nhem như các chợ ở VN. Một khu nữa gọi là “Vui chơi giải trí quốc tế” nhưng khu này có vẻ vắng hơn. Thêm một khu vừa mới khai trương chưa được 1 tháng là khu “Thế giới phụ nữ” 2 tầng  hiện đại với khoảng 60 gian hàng, có cả thang máy lên xuống.

 

 

Lang thang mua sắm ở Tân Thanh - 1
 

Chú nhóc khâu giày tại một

góc Trung tâm thương mại.

Trước cửa Trung tâm Thương mại Việt Trung là những chiếc xe thấp tè trên đựng một thứ khoai giống khoai sọ nhưng to hơn nhiều. Quất ngọt nhỏ như ngón tay ăn khá ngon.  Những hạt dẻ to, rất ngon khiến tôi mua một lúc tới 3 kg nhưng cẩn thận: Cứ 3 hạt thì có 1 hạt bị thối. Giá một cân hạt dẻ chưa luộc 10.000 đồng, còn luộc rồi vì tách được hạt thối nên giá tới 50.000 đồng. Đừng nghĩ hạt dẻ cứ to, bóng là ngon đâu nhé. Người bán cũng toàn là người Trung Quốc, nhưng họ biết tiếng Việt và nói tiếng Việt khá giỏi. Nếu không biết tiếng thì chỉ cần ra hiệu rồi cân và giơ ngón tay tính tiền.

 

Một món ăn rất phổ biến ở đây là bánh bao. Có mấy loại bánh bao chay, ngọt và mặn và giá cũng tương đối rẻ: 2.000 đồng một chiếc, ăn khá ngon. Đi một lúc nếu thấy đói cũng có thể tìm mua “cơm, phở, cháo, miến” như rất nhiều hàng quán ở dưới xuôi, nhưng nói chung là không ngon. Nhiều người lên đây mua sắm thích một món đặc sệt Trung Quốc,  đó là lẩu Tầu. Một loại lẩu khá cay có mì kèm thịt, trứng và đậu trộn chung.

 

Mặc cả: Giá rẻ chỉ còn 1/3

 

Hàng ở đây có rẻ hơn ở Hà Nội không? Tất nhiên, có khi còn rẻ chỉ bằng một nửa giá ở Hà Nội. Sức hấp dẫn của chợ biên giới là ở chỗ đấy. Được lang thang mua sắm, mặc cả và có khi vớ được nhiều món hàng mình thích với giá rất rẻ, mặc dù nếu tính tiền thuê xe thì về đến Hà Nội cũng thành “huề”. Hàng hoá nhiều đến nỗi hoa cả mắt. Chỉ từ tầng dưới lên tầng trên đã có thang máy hiện đại. Gian hàng này của người Việt thì có khi gian bên cạnh lại của người Hoa. Dù biết tiếng hay không thì vẫn vui vẻ, hề hề cười...

 

Mua sắm thì cần gì tiếng. Hàng hoá bầy bán khá lẫn lộn, chứ không cần quy hoạch theo ngành hàng. Chăn màn, quần áo, đồ điện tử, vali... có đủ tất. Người mua tha hồ mà chọn. Đi cứ gọi là như trảy hội. Nhiều bà tay kéo một chiếc vali, tay kia ôm một bọc lớn, vai còn tiếp tục khoác thêm một cái túi to chất ngất.

 

 

Lang thang mua sắm ở Tân Thanh - 2
 

Tôi cũng mua được khá nhiều
đồ mặc dù không có trong
kế hoạch chuyến đi lần này.

Tôi vào một hàng chăn đệm hỏi một tấm đệm. Giá 180.000 đồng. Sau một hồi mặc cả giá hạ xuống còn 90.000 đồng. Một chiếc túi màu xanh nõn chuối được may khá đẹp và bắt mắt mà khi tôi về Hà Nội ai cũng đoán phải 2-3 trăm ngàn đồng, nhưng tôi chỉ phải trả có 45.000 đồng. Một hiệu đồng hồ với cả trăm loại nom rất đẹp, giá thì rẻ đến quá bất ngờ. Một đồng hồ giả hiệu Seiko người bán ra giá 150.000 đồng, cuối cùng trả 50.000 đồng cũng bán. Hỏi tại sao? Giải thích rất có lý: Mua đồng hồ này đẹp chẳng kém đồng hồ xịn, nhưng chẳng sợ mất, chẳng phải giữ gìn, cũng phải vài năm mới hỏng.

 

Đang đi đã thấy 5 bà sồn sồn kéo phía sau mỗi bà một chiếc va li. Hỏi ra mới biết có 90.000 đồng một chiếc va li. Cũng chiếc va li này tôi hỏi ở Hàng Dầu là 350.000 đồng. Nhưng nếu lấy tận gốc bên kia đường biên một chiếc vali như vậy giá chỉ còn 60.000 đồng. Tôi cứ tần ngần tự hỏi nếu là người lao động làm ra chiếc va li này chắc chỉ được hưởng vài ngàn tiền công.

 

Bán ghé tai

 

Thỉnh thoảng lại thấy một thanh niên vẻ mặt bí hiểm tiến đến gần rồi hỏi: Anh có mua thuốc khỏe người không?. Nếu làm như không biết thì được giải thích: Thuốc kích dục ấy mà. Uống vào thuê phòng nghỉ ở đây, có em út phục vụ, anh thấy tác dụng ngay. Nói rồi anh ta lôi ra mấy vỉ cho tôi xem. Giá: 30.000 đồng/vỉ. Nghe đã thấy ham.

 

 

Lang thang mua sắm ở Tân Thanh - 3
 

Mua đĩa "tươi mát" tại
Tân Thanh

Chưa hết, đang đứng lớ ngớ một bà trạc ngoài 50 tiến đến rỉ tai tôi: “Có mua đĩa tươi mát không?”. “Đĩa loại gì?”. “Loại gì cũng có, châu Âu, châu Phi có tất. Còn đây là của Việt Nam”. “Giá bao nhiêu?”. “10.000 đồng hai đĩa”. Nói rồi bà móc trong túi ra một túm đĩa chìa vào mặt tôi.

 

Có một thứ cũng mua bán theo kiểu ghé tai mà tôi thấy lạ là bộ giảm điện. Chỗ nào cũng thấy hỏi nhỏ: Có mua bộ giảm điện không? mà không thấy bán công khai. Theo một nhân viên bán hàng người Trung Quốc giải thích thì chỉ cần sử dụng bộ giảm điện này sẽ tiết kiệm được 1/3 điện  năng trong nhà mà giá chỉ có chưa đến 100.000 đồng. Nhưng nếu bạn có ý định tiết kiệm điện thì cũng đừng mua loại máy này. Nó chẳng tiết kiệm được điện mà lại “tiền mất, tật mang”.

 

Người Trung Quốc bao giờ cũng rất nhanh nhạy trong việc móc hầu bao của khách. Trong khách sạn Tân Thanh, có  giá thuê phòng rất đặc biệt: Thuê cả ngày, nửa ngày, một giờ đều có hết. Nếu thuê theo giờ giá 82.000 đồng. Bạn chỉ cần ngả lưng một lát buổi trưa cho đỡ mệt, sau đó đi mua sắm tiếp. Trong phòng cũng có máy điều hòa, bình nóng lạnh, ti vi (bắt được truyền hình Trung Quốc), chỉ có điều tường thì mốc, còn chăn gối thì hơi bị.. hôi. 

 

Trà Ô Long

 

Trà Ô Long nổi tiếng của Trung Quốc với cái tên Ô Long tỉnh cũng góp mặt ở chợ Tân Thanh heo hút này. Hồi tôi đi Bắc Kinh, đã từng được thưởng thức Ô Long tỉnh. Chủ quán là một cô gái khá trẻ và cũng khá xinh. Cách pha trà cũng khá cầu kỳ. Nước phải đun sôi kỹ, tráng qua trà rồi mới để ngấm. Rót trà

 

Lang thang mua sắm ở Tân Thanh - 4
 

Cô chủ quán bán trà Ô Long.

vào một cái bình rồi mới chuyên ra cốc. Nhưng có lẽ Ô Long tỉnh vẫn không thể địch lại được với chè Thái của ta, bởi chẳng thấy có vị gì đặc biệt. Ô Long gần như không có vị gì. Thưởng thức mỗi ấm trà bạn phải trả 10.000 đồng, còn nếu mua thì trên 100 ngàn đồng một hộp. Cũng khá đắt.

 

Buổi chiều, các đoàn xe lại nối đuôi nhau rời Tân Thanh. Có lẽ chúng tôi là một trong những đoàn cuối cùng rời Tân Thanh. Trung tâm sẽ đóng cửa lúc 5giờ30 phút. Nhưng một số hàng quán ăn đêm cũng bắt đầu chuẩn bị bày ra, dành cho những người ngủ lại để hôm sau đi mua sắm tiếp. Ở một góc Trung tâm, dường như tách biệt hẳn với thế giới mua sắm ồn ào bên ngoài, tôi vẫn thấy một chú bé cần mẫn ngồi khâu giầy (ảnh 4).

 

Và tôi, mặc dù lên Tân Thanh chỉ với dự định viết bài, nhưng cuối cùng cũng không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của việc mua sắm và đành móc hết cả tiền ra để khuân một đống đồ (ảnh 5).

 

Mà hình như ai cũng thế cả. Nếu không thì đi Tân Thanh làm gì.

 

Đức Trung