1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

“Làng ung thư” An Bình trong cơn “khát” nước:

Kỳ 2: Dự án nước sạch - Vừa làm vừa “chạy”

(Dân trí) - Trước yêu cầu bức thiết của người dân thôn An Bình, UBND xã Cam Thanh đã huy động vốn trong dân từ tháng 10/2006 để triển khai dự án cung cấp nước sạch. Nhưng cho đến nay, khi người dân đang phải nai lưng trả nợ ngân hàng thì dự án vẫn giẫm chân tại chỗ vì chưa... xin giấy phép.

Kỳ 1: Chết vì nước, sống để chờ nước

 

Dự án cấp nước sạch cho làng An Bình có tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, hệ thống đường ống chính do Công ty cấp thoát nước Quảng Trị đầu tư (trị giá 1,7 tỷ đồng). Số còn lại nhân dân đóng góp 60%, UBND huyện Cam Lộ trích ngân sách hỗ trợ 40% kinh phí lắp đặt đường ống vào từng hộ gia đình. Do yêu cầu của đơn vị thi công, vốn huy động trong dân phải được chuyển trọn gói một lần bằng tiền mặt hoặc séc. 

 

Đối với các gia đình làm nông nghiệp của làng An Bình, việc huy động khoản tiền hơn 1,5 triệu đồng không hề đơn giản. Chính vì vậy, tháng 10/2006, UBND xã Cam Thanh đề xuất huyện cho 159 hộ dân làng An Bình đăng ký tham gia dự án được vay 2 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách huyện, trong thời hạn 3 năm, lãi suất 0,65%/tháng. Số vốn này được giải ngân nhanh chóng và chỉ trong một thời gian rất ngắn, toàn bộ số tiền do nhân dân đóng góp đã đến tay UBND xã.

 

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn tất và nước sạch sẽ đến với 159 hộ dân An Bình (chủ yếu ở các đội 5, 6, 7 - những đội có tỷ lệ chết vì ung thư cao nhất) trước Tết Nguyên đán Đinh Hợi. Nhân dân An Bình rất vui mừng trước triển vọng này và đồng ý ký vào bản cam kết không cần đền bù đất đai, công trình trên đất trong quá trình giải phóng mặt bằng để lắp đặt đường ống. 

 

Tuy nhiên, Tết Nguyên đán trôi qua đã lâu mà dự án vẫn nằm trên giấy. Vậy là, dân vẫn phải dùng nước giếng khơi nhiễm phèn, giờ lại phải nai lưng ra trả nợ. Hỏi vì sao UBND xã không chủ động giải quyết thủ tục, hồ sơ trước khi huy động vốn, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Mừng giải thích: “Cái này tại Ngân hàng (Ngân hàng chính sách huyện Cam Lộ - PV), Ngân hàng yêu cầu phải vay trong năm 2006, nếu không sẽ sử dụng nguồn vốn này vào việc khác. Mình cần vốn nên phải bám vào Ngân hàng thôi”. Ông Mừng cũng chỉ ra nguyên nhân khiến dự án chậm mất nửa năm là do hồ sơ, thủ tục quá rườm rà, “mắc cái này một ít, cái khác một ít”.

 

Kỳ 2: Dự án nước sạch - Vừa làm vừa “chạy” - 1
 

Những thế hệ ở An Bình mòn mỏi

chờ nước sạch đến bao giờ?

 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, UBND xã An Bình có biến động về cán bộ và nhiều lần các đoàn thanh tra, kiểm tra phải về làm việc. Chính vì thế, UBND xã không tập trung hoàn thành thủ tục, hồ sơ để triển khai dự án đúng kế hoạch. Cam An - xã tiếp giáp với Cam Thanh - cũng tiến hành bảo lãnh vay vốn cho dân vào tháng 10/2006 nhưng đã hoàn thành dự án và có nước sạch từ trong Tết.

 

Mãi đến ngày 30/4/2007, công trình mới được khởi công. Theo hợp đồng đã ký giữa UBND xã Cam Thanh với Công ty cấp thoát nước Quảng Trị, thời gian hoàn thành là 60 ngày, tức đến 30/6 sẽ hoàn thành. Nhưng vừa thi công được vài ngày, công trình đã phải tạm dừng do vướng mắc về giấy phép (Công trình được thi công dọc theo hành lang an toàn của đường QL 9 và cắt ngang QL 1).

 

Được biết, hiện nay Ban quản lý dự án đã gửi công văn trình Cục quản lý đường bộ - Bộ Giao thông - Vận tải để xin giấy phép thi công. Ông Mừng chối quanh rằng đó không phải là nguyên nhân khiến công trình bị đình trệ: “Bên xin giấy cứ xin giấy, còn bên thi công vẫn cứ thi công. Công trình tạm dừng vì Nhà máy nước Quảng Trị đang bận làm công trình khác ở đâu đó”(?).

 

Như vậy, thay vì làm theo đúng quy trình là lập quy hoạch tổng thể trình lên cơ quan chức năng để xin giấy phép trước khi triển khai, UBND xã Cam Thanh lại “mạnh dạn” tổ chức giải phóng mặt bằng, thi công trước. Đến khi có vướng mắc mới dừng ngang để “cầu cứu” cấp huyện trong việc xin giấy phép. 

 

Bản thân ông chủ tịch xã cũng không nắm rõ việc xin giấy phép đang được tiến hành đến đâu, vì như ông nói: “Ban quản lý dự án trực tiếp xin nên nắm rõ hơn”.

 

Về việc này, ông Nguyễn Huynh - Phó chủ tịch UBND huyện Cam Lộ - cho biết: “Dự án trì hoãn từ tháng 10/2006 đến 4/2007 là do hồ sơ dự án không đồng bộ, đến nấc nào mới gỡ nấc đó. Chạy sau thì bao giờ cũng đến sau. Hiện nay, vẫn còn nhiều vướng mắc nhưng đồng chí Mừng lại “chạy quanh”, bị động từ trong tư duy giải quyết công việc. Huyện đã nhiều lần đôn đốc đồng chí Mừng lên trực tiếp làm việc với Chủ tịch UBND huyện để cùng tháo gỡ nhưng đồng chí có ý e ngại vì trước đây đã từng bị kiểm điểm”.

 

Ông Huynh cho biết thêm, dự án này do UBND xã làm chủ đầu tư, trực tiếp làm việc với đơn vị thi công nên UBND huyện Cam Lộ chỉ chỉ đạo, hỗ trợ vốn mà không làm thay cấp dưới.

 

Theo phản ánh của quần chúng, đến thời điểm này việc thi công đã tiếp tục được vài ngày nhưng lại phải tạm dừng vì còn thiếu… giấy phép của Cục đường sắt. Nguyên nhân là khi thi công, Nhà máy nước Quảng Trị đã luồn đường ống qua cầu đường sắt Bắc - Nam mà chưa được sự đồng ý của  Cục đường sắt.

 

Chỉ còn 15 ngày nữa là đến ngày hoàn thành dự án theo hợp đồng. Nhưng với quy cách làm việc “vừa làm vừa chạy” như trên, không biết bao giờ dân mới hết cơn “khát” nước sạch!

Phan Tùng - Hồng Kỹ