Không ít Giám đốc Sở 5 năm liền không một lần tiếp dân!

(Dân trí) - Thẩm tra báo cáo của Chính phủ và các ngành tư pháp về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019, UB Pháp luật của Quốc hội muốn chỉ rõ để xử nghiêm lãnh đạo “lười” tiếp dân. Tuy nhiên, việc này theo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ là khó thực hiện vì số liệu báo cáo về vấn đề này chưa đầy đủ.

Không ít Giám đốc Sở 5 năm liền không một lần tiếp dân! - 1
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu nhiều vấn đề khi thẩm tra báo cáo công tác giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2019.

Báo cáo của Chính phủ trình UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp chiều 11/9 thể hiện, năm 2019, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp, trong đó trên một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng về khiếu nại, tố cáo. Đó là lĩnh vực môi trường, liên quan đến đất nông - lâm trường, liên quan đến quyền của người mua nhà ở một số dự án sai phép, nhà ở trong các khu nghỉ dưỡng…

Đáng chú ý là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn nhưng việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt, điển hình là khiếu nại, tố cáo của công dân Khu đô thị Thủ thiêm, TPHCM.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình này, theo Chính phủ là do công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những hạn chế nhất định, thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết tâm trong việc tiếp công dân, đối thoại với dân, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, có những vụ việc giải quyết không đúng chính sách, pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Thường trực UB Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể, phân tích sâu sắc hơn về chất lượng, hiệu quả, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc tổ chức tiếp công dân, việc tổ chức đối thoại trong tiếp công dân và gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu, báo cáo của Chính phủ cũng cần chỉ rõ người đứng đầu các ngành, các cấp nào không trực tiếp thực hiện quy định tiếp công dân, ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ để có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người không thực hiện nhằm đưa công tác này vào nền nếp, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, bức xúc, kéo dài.

Giải trình ý kiến này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, thực hiện kiến nghị của UB thường vụ Quốc hội qua giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, Chính phủ đã chỉ đạo người đứng đầu các các bộ ngành, địa phương phải trực tiếp tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật về tiếp công dân.

Tuy nhiên, số liệu về người đứng đầu cơ quan hành chính trực tiếp tiếp công dân hiện chưa đầy đủ do từ năm 2019 mới thực hiện việc phân tách số liệu tiếp công dân của lãnh đạo và người đứng đầu, mặt khác báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cũng chưa cập nhật kịp thời tiêu chí này.

Không ít Giám đốc Sở 5 năm liền không một lần tiếp dân! - 2
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, nguyên nhân nhiều lãnh đạo lười tiếp dân là vì không có chế tài xử lý với những trường hợp vi phạm quy định.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga thắc mắc về trường hợp những Giám đốc sở, Chi cục trưởng Chi cục Thuế 5 năm liên tục không tiếp dân một ngày nào, nhưng không bị xử lý. Đây là nguyên nhân khiến nhiều vị lãnh đạo “lười” tiếp dân.

Vẫn liên quan đến nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo, ngoài lý do từ tiếp dân, báo cáo của Chính phủ còn nêu nguyên nhân từ bất cập trong một số cơ chế, chính sách. Công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém. Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao.

Thường trực UB Pháp luật nhận xét, đó vẫn là những nguyên nhân như đã được chỉ ra trong các báo cáo trước đây.

Một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, thực tế vừa qua đã xuất hiện một số nguyên nhân mới làm phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của doanh nghiệp tại một số khu công nghiệp gây thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân, dẫn đến tình trạng người dân bức xúc, phản ứng.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là các lĩnh vực nêu trên, kiên quyết hơn trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm.

Chủ nhiệm UB Pháp luật cho biết, có một số ý kiến cho rằng, cần phải khắc phục một trong những nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo hiện nay là tình trạng không nhất quán trong việc xử lý, giải quyết giữa các cơ quan có thẩm quyền các cấp đối với những khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất.

P.Thảo