1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Thừa Thiên Huế:

Hàng chục gốc lộc vừng trăm tuổi bị “hốt” trộm

(Dân trí) - Những gốc lộc vừng trăm tuổi ở các làng quê Quảng Điền, Phong Điền (TT-Huế) đã bị mất trộm trong vòng hơn 1 tháng qua. Kẻ gian đã cưa, đào nguyên gốc lộc vừng đưa lên phố bán với giá từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng.

Nhìn hàng lộc vừng hơn trăm tuổi bị "đột" mất 12 gốc. Ông Bùi Bỉnh - Trưởng thôn Thạch Bình (thị trấn Sịa - Quảng Điền) không kìm được tức giận: “Ngày 18/4, thôn mất 4 gốc; 22/4 mất thêm 4 gốc nữa, chưa kịp hoàn hồn thì đêm 25/4 lại mất tiếp 4 gốc. Thủ đoạn ăn trộm của kẻ gian hết sức tinh vi: khoảng từ 10h đêm đến 2h sáng hôm sau, tụi ăn trộm đào các gốc lộc vừng, rồi dùng đường kênh dẫn nước thủy lợi vận chuyển đến nơi có xe tải nhỏ chờ sẵn, rồi tuồn ra ngoại tỉnh tiêu thụ luôn”.

Hàng chục gốc lộc vừng trăm tuổi bị “hốt” trộm - 1

Hàng lộc vừng của thôn Thạch bình trở thành miếng mồi ngon cho bọn trộm
(Ảnh: Hoàng Thùy).
 
Còn ở thôn Vân Trình (Phong Bình - Phong Điền) tình trạng mua bán lộc vừng diễn ra công khai hơn rất nhiều. Sẵn trong nhà dân luôn có các gốc lộc vừng có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng. Anh Thanh, một chủ vườn cho biết: lộc vừng ở Phong Bình được mua bán cả năm nay rồi. Ai có nhu cầu mua cứ đến liên hệ trực tiếp với chủ vườn. Nhiều khách hàng đặt cọc tiền trước, khi có hàng họ sẽ đưa xe đến tận nơi để chở. Sẽ không có gì đáng nói nếu không phải nhiều gốc lộc vừng được đem ra mua bán này có được nhờ… ăn trộm.

Công an huyện Quảng Điền mới tóm gọn 5 đối tượng ăn trộm lộc vừng xuyên huyện. Anh Võ Đà - trưởng công an thị trấn Sịa cho biết: đêm 13/5, trong lúc tuần tra, các chiến sĩ công an đã phát hiện nhiều đối tượng đang chuẩn bị vận chuyển các gốc lộc vừng ra khỏi địa bàn. Các đối tượng khai nhận hành vi ăn trộm 12 gốc lộc vừng ở thôn Thạch Bàn, 1 gốc ở xã Quảng Vinh… và bán được hơn 23 triệu đồng.

Chủ mưu trong các vụ trộm lộc vừng liên tiếp trên toàn huyện chính là Trần Phi Long (SN 1982), Lê Văn Miên (SN 1974 - cùng trú tại thị trấn Sịa) cùng với Nguyễn Thái (SN 1975) và anh em Hồ Vĩnh (SN 1984) và Hồ Luận (SN 1989 - cùng trú tại Điền Hương - Phong Điền, thuê nhà trọ tại thị trấn Sịa).

Ban ngày, Long loanh quanh các làng, nghe đâu có lộc vừng là Long đến, khảo sát địa điểm để ban đêm Thái, Vĩnh, Luận dùng cưa xẻ thân lộc vừng, dìm xuống kênh, kéo ra đến đường tỉnh lộ, dùng xe tải nhỏ vận chuyển đi tiêu thụ.

Lộc làng lên phố

Xưa kia, cây vừng chỉ là loài cây tạp, không có giá trị kinh tế. Bởi tính năng chịu nước, sống khoẻ, tàn lá nhiều mà cây lộc vừng thường được người dân đem trồng ở những bờ ruộng làm ranh đất và lấy bóng mát. Cây vừng cứ thế sống đời sống bình dị, ẩn khuất sau luỹ tre làng, cho đến khi cơn sốt lộc vừng tràn về.

Ông Phan Bâng (80 tuổi - người làng Thạch Bình) cho biết: "Đã có rất nhiều người đến đây hỏi mua, trả giá đến trăm triệu mấy gốc mưng trước đình làng, nhưng không ai bán vì muốn giữ lại gốc rễ của làng. Nếu các anh công an mà không ngăn chặn kịp thời tình trạng trộm cắp, thì một vùng rộng lớn của làng Thạch Bình sẽ ra sao khi mùa mưa đến. Nước sẽ theo hói ăn sâu vào làng, gây nên cảnh sạt lở".
 
Hàng chục gốc lộc vừng trăm tuổi bị “hốt” trộm - 2

Một gốc lộc vừng vừa được dân làng Thạch Bình trồng lại
(Ảnh: Hoàng Thùy).

Từ ngày các nhà hàng, khách sạn chọn trồng lộc vừng trước sân nhà như biểu tượng của tài lộc thì cơn lốc săn lộc vừng với các dáng thế đẹp đã nóng lên ở các vùng quê Thừa Thiên Huế. Các đại gia sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để có các cây thế đẹp. Anh Thanh cho biết: "Nếu gặp người chịu chơi, chuyện tiền bạc không là vấn đề, chỉ cần có dáng, thế đẹp là OK. Các dáng thịnh, tài, phước được mua với giá cao lắm".

Hiện nay, công an huyện Quảng Điền đã thu giữ 6 gốc lộc vừng của nhóm Phi Long trả lại cho làng Thạch Bình, nhưng con số đó vẫn còn khá nhỏ nhoi so với số gốc lộc vừng đã bị bọn trộm đào đi.

Nhiều người dân vẫn tỏ ra rất lo lắng khi lợi nhuận từ lộc vừng bị đẩy lên quá cao. Chị Trần Thị Thu - người thị trấn Sịa cho biết: bọn trộm không cần biết đến lợi ích của lộc vừng, chỉ cần có đối tuợng tiêu thụ là chúng tiến hành đào bới ngay. Mà đối tượng tiêu thụ thì từ Bắc đến Nam, thậm chí qua cả Lào nữa nên chảy máu lộc vừng không biết bao giờ mới dứt?!

Cây lộc vừng (còn gọi là cây mưng) có tên khoa học là Barringtoria acutangula Gaertn với bộ rễ dày, sum suê, thường mọc ở sát bờ sông, suối, có tác dụng giữ đất, giữ nước rất tốt.
 
Lộc vừng được xếp trong bộ bốn loại cây quý theo phong thủy phương Đông là: sanh - sung - tùng - lộc, hay bộ "tam đa" với 3 loại cây: sung - lộc vừng - vạn tuế. Cây này thân gốc lưu niên, có tuổi thọ hàng trăm năm, hoa đỏ rực có đỉnh sinh sản vô định và dài, dễ tạo dáng thế...
 
Lộc vừng chỉ có ở các nước Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam.

Hoàng Thùy