1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giải quyết khiếu nại, tố cáo: Cần một cơ chế thoáng

(Dân trí) - Nếu để người khiếu nại phải chờ đến 30 ngày mới được cơ quan ra quyết định hành chính phản hồi, quyền lợi của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, thiệt hại của doanh nghiệp là không thể tính toán được - Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) bày tỏ quan điểm trong buổi thảo luận về Luật Khiếu nại tố cáo sáng nay.

Trong dự thảo luật, việc qui định, bước một, người có khiếu nại phải khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định, và cơ quan này có 30 ngày để trả lời người khiếu nại được nhiều đại biểu quan tâm “mổ xẻ”.

 

Theo ông Xuân, “không cần dành 30 ngày cho cơ quan đã ra quyết định hành chính để giải quyết khiếu nại, vì thực tế, có tới… 99% các cấp chính quyền đã ra quyết định hành chính không thay đổi quyết định của mình”. Ông đề nghị: “Người dân có thể khiếu nại đến cấp đã ra quyết định hoặc có thể khiếu nại lên cơ quan hành chính cấp trên hoặc cũng có thể lập tức khởi kiện ra tòa”.

 

Cùng quan điểm với đại biểu Xuân, đại biểu Nguyễn Đức Dũng, tỉnh Kon Tum cũng cho rằng, các cơ quan hành chính khi ra quyết định thường bảo vệ quan điểm của mình, chính vì vậy, việc các cơ quan này tự giải quyết, tự xem xét quyết định  để “thấy sai thì sửa” là rất ít. Ông đề xuất: “Đề nghị bỏ cơ chế đó để tạo điều kiện cho người dân trong việc khiếu nại những quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tốt nhất là lần một khiếu nại với cơ quan hành chính cấp trên của cấp ra quyết định, nếu người khiếu kiện vẫn không đồng ý có thể chuyển ngay sang tư pháp, khởi kiện ra tòa”. Ý kiến này cũng được đại biểu Võ Minh Phương (Lâm Đồng) tán thành vì theo ông việc này cũng phù hợp với yêu cầu của WTO.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Hiệu, thành phố Hà Nội yêu cầu phải đưa việc giải quyết khiếu nại là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan có thẩm quyền. Ông cho rằng, thời gian qua, việc giải quyết khiếu nại chưa tốt là do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện đầy đủ chức năng của mình. Ông cũng để nghị sửa luật  theo hướng chỉ đưa ra tòa án những khiếu nại hành chính trong lĩnh vực thương mại và sở hữu trí tuệ chứ không phải tất cả như tờ trình.

 

Ông Hiệu cũng cho biết, hiện chúng ta đang thiếu khoảng 1000 thẩm phán, vì vậy, khi chuyển tất cả các khiếu nại hành chính sang xét xử ở toà án cần phải tính đến vấn đề con người. “Theo báo cáo của chính phủ về giải quyết khiếu nại tố cáo thì hàng năm có hàng vạn khiếu nại quyết định hành chính. Chỉ 1/10 số này chuyển sang tòa án thôi thì sẽ rất khó khăn”, ông Hiệu lo lắng.

 

Tuy nhiên, theo nhận định của đại biểu Nguyễn Đức Dũng, tỉnh Kon Tum thì hiện nay nhiều tòa hành chính đang… thất nghiệp nên không cần lo đến vấn để quá tải.

 

Luật sư sẽ vào cuộc

 

Đại biểu Ngô Sĩ Hưởng cho rằng, cơ chế đưa luật sư vào giải quyết khiếu nại hành chính như một trợ lý pháp lý, thậm chí thay người khiếu kiện để làm việc với cơ quan hành chính là rất hay, giúp cho việc khiếu kiện có hiệu quả hơn và chấp hành pháp luật cũng tốt hơn. Đại biểu Võ Minh Phương, Lâm Đồng đề xuất, cần qui định rõ hơn vấn đề này. Ông cho rằng, cần đưa vào luật qui định người khiếu nại có quyền tự mình  hoặc nhờ luật sư tham gia giải quyết khiếu nại.

 

Theo đại biểu Nguyễn Đức Dũng: Qui định Luật sư tham gia với tư cách là giúp đỡ pháp lý thôi là chưa ổn, nếu chỉ qui định như vậy thì phạm vi tham gia của luật sư còn hẹp hơn khi chưa sửa đổi. Ông đề nghị “Cần qui định luật sư không chỉ là người giúp đỡ pháp lý mà có thể là người đại diện trong quá trình tham gia khiếu nại…”.

 

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân, tỉnh Tây Ninh cũng cho rằng, sửa đổi theo hướng luật sư có thể là người đại diện hợp pháp  là hoàn toàn đúng đắn. “Vì khi có luật sư tham gia, người khiếu nại yên tâm hơn, tin tưởng hơn và người giải quyết khiếu nại cũng thận trọng hơn, và tăng trách nhiệm hơn”.

 

Về lĩnh vực tố cáo, đại biểu Nguyễn Đức Dũng cho rằng, trong giải  quyết đơn thư tố cáo hiện nay, đơn thư nặc danh không được giải quyết nhưng thực tế nhiều thư nặc danh rất chuẩn, do “miếng cơm manh áo” mà họ không dám nêu tên: “Đề nghị coi đơn thư nặc danh như một nguồn thông tin cần xem xét”, ông Dũng đề nghị.

 

Chiều nay, QH tiếp tục thảo luận dự án sửa đổi một số điều luật Khiếu nại, tố cáo.

 

Đức Hòa - Hồng Hạnh