1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Được gặp Bác Hồ là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi”

(Dân trí) - “Hình ảnh Bác với bộ quần áo ka ki màu bạc, chân đi đôi dép cao su chưa bao giờ phai mờ trong ký ức của tôi. Hai lần được gặp Bác Hồ và lần bảo vệ thi hài khi Bác mất là niềm vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi” – người lính già Nguyễn Bá Sáu tâm sự.

Ký ức 2 lần gặp Bác

Ông Sáu kể lại câu chuyện Bác Hồ gặp chị công nhân vét cống rãnh và niềm xúc động khi nhớ ngày bảo vệ thi hài Bác.

Đã ở cái tuổi 90, nhưng ông Nguyễn Bá Sáu (SN 1929, xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) vẫn còn khỏe và minh mẫn. Cho đến bây giờ, trải qua nhiều chục năm, thế nhưng kể về câu chuyện được gặp Bác, ông Sáu vẫn nhớ rất rõ từng thời gian, từng lời Bác nói, Bác căn dặn.

Ông Nguyễn Bá Sáu lên đường nhập ngũ vào năm 1952, thuộc Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1955, ông được điều về đi cải cách ruộng đất, sau đó thì về khu tập huấn của quân khu Tả Ngạn (Hải Phòng).

“Được gặp Bác Hồ là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi” - 1

Dù đã 90 tuổi thế nhưng ông Sáu vẫn nhớ như in từng câu chuyện về Bác Hồ.

Thời điểm về đây công tác, ông Sáu đã vinh dự được gặp Bác Hồ. Đó là vào ngày 30/5/1957, đơn vị ông được lệnh sẽ đi bảo vệ một buổi nói chuyện, nhưng cả ông và đơn vị đều không biết rằng lần đó lại vinh dự được bảo vệ buổi nói chuyện của Bác Hồ và được tận mắt nhìn thấy Bác.

“Lâu nay, mọi người đều nhìn thấy Bác qua tranh ảnh, chứ chưa ai được vinh dự gặp Bác. Khi chúng tôi đến làm nhiệm vụ đã thấy bà con tập trung ở Nhà hát Thành phố (Hải Phòng) đông lắm. Anh em chúng tôi được yêu cầu làm hàng rào danh dự để ngăn cách phía trên khán đài và bà con ở dưới. Bất ngờ từ trong Nhà hát, Bác bước ra với trang phục ka ki trắng, đầu đội mũ cát trắng và chân đi đôi dép cao su. Bác bước đi nhanh nhẹn, vừa đi vừa lấy mũ vẫy chào bà con. Tôi nhìn thấy Người thì sững sờ vì quá bất ngờ. Sau đó, thì nghe bà con ở dưới hô như sấm dậy “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Tiếng hô vang như không muốn dứt, Bác Hồ phải giơ tay ra hiệu để đồng bào im lặng” – ông Sáu nhớ lại.

Rồi ông kể tiếp: “Tôi vẫn còn nhớ tình huống thấy mọi người cứ xì xào hỏi nhau chuyện gì, Bác mới quay sang bảo cụ Đỗ Mười đi cùng tìm hiểu xem bà con đang muốn hỏi gì. Cụ Đỗ Mười mới bảo Bác là bà con thắc mắc sao Bác không đi giày mà lại đi dép cao su. Thì Bác mới nói trên micro rất to rằng “Thưa đồng bào, đôi dép cao su này đã theo tôi suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ giống như người bạn nên bây giờ đi đâu cũng phải mang theo”.

Trong câu chuyện, Bác hỏi thăm các cụ bô lão, bộ đội, công nhân viên chức, đồng bào Hoa kiều, đồng bào nước ngoài đang sống và làm việc ở Hải Phòng… Bác biểu dương khen ngợi nhân dân Hải Phòng đấu tranh kiên trì, bền bỉ… Sau đó, Bác phân tích rõ âm mưu thủ đoạn của Mỹ Diệm trong việc phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Cuối cùng, Bác nhấn mạnh nhiệm vụ của nhân dân Hải Phòng phải nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, vì đây là đầu mối giao thông đường biển quan trọng để thông thương, buôn bán và quan hệ với nước ngoài, phải xây dựng Hải Phòng thành trung tâm kinh tế, chính trị của Đồng bằng Bắc Bộ.

“Được gặp Bác Hồ là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi” - 2

Tấm ảnh Bác Hồ được treo trong gia đình ông Sáu mấy chục năm qua nhắc ông luôn nhớ về những lời căn dặn của Bác.

Điều mà ông Sáu ấn tượng mãi về sau này trong lần Bác Hồ về thăm Hải Phòng, chính là hình ảnh Bác Hồ trên đường đến Nhà hát đã gặp chị công nhân vét cống rãnh đang miệt mài làm việc. Bác xuống xe và lại gần hỏi chuyện chị công nhân, Bác ân cần dặn dò chị chú ý giữ an toàn lao động và giữ sức khỏe. Chị công nhân lúc đó đã xúc động mà khóc vì không dám tin việc mình được gặp Bác Hồ và được Bác ân cần hỏi thăm, động viên như vậy. Ông Sáu cũng cho biết, hình ảnh đó sau này được tờ tin tức Hải Phòng đăng lại và lan truyền đến người dân Hải Phòng cho đến những năm sau này.

Đến năm 1959, ông Sáu được chuyển về Cục an ninh quân đội. Ở đây, ông tiếp tục được vinh dự gặp Bác Hồ lần thứ 2 vào năm 1964.

“Trước 1 ngày, chúng tôi nhận lệnh sẽ có đoàn của Bộ đến thăm. Ngay từ khi loáng thoáng thấy bóng ông cụ râu tóc bạc, vẫn bộ quần áo ka ki, vẫn đôi dép cao su như lần tôi gặp Bác ở Hải Phòng tôi đã phát hiện ra đúng là Bác Hồ. Tôi vui sướng vô cùng, không lời nào diễn tả được. Nghĩ trong lòng rằng, tôi quá vinh dự khi được 2 lần gặp Bác” – ông Sáu tâm sự.

Ngay khi Bác đến thăm, Bác đã xuống bếp ăn để kiểm tra. Ông Sáu càng bất ngờ hơn khi thấy Bác xắn tay áo, thò tay vào chậu nước, thấy có nhiều cơm cháy, Bác đã phê bình nhà bếp để thừa cơm lãng phí trong khi dân đang còn đói.

Sau đó, Bác khen nhà bếp sạch sẽ, ngăn nắp, hợp vệ sinh. Bác cẩn thận dặn dò những việc nhỏ nhất như  bếp trưởng phải chế biến món ăn cho ngon miệng, để bộ đội ăn hết khẩu phần, mới có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ nhân dân giao phó. Bác đi thăm nơi ở, nơi làm việc của cán bộ rồi thăm cả vườn rau, chuồng nuôi lợn. Bác đi đến đâu dặn dò cán bộ đến đó.

“Sau cùng Bác mới quay lên hội trường nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ. Lúc này, chỉ có một số cán bộ, lãnh đạo được vào hội trường. Một số chị em nhà bếp cứ lấp ló ngoài cửa để nhìn Bác từ xa, Bác mới gọi mọi người lại và bảo “Các cô các chú cứ vào đây”, rồi Bác chỉ tay về phía hàng ghế đầu tiên của lãnh đạo và bảo mọi người cùng ngồi vào. Những cử chỉ, hành động dù là nhỏ nhất của Bác cũng khiến tôi nhớ mãi cho đến bây giờ” – ông Sáu kể.

 Bác nói chuyện trong 2 tiếng, Bác phân tích kỹ về chiến tranh lạnh và phong trào của Quốc tế… Bác phân tích âm mưu của Mỹ ngụy và chủ trương của Đảng ta đối với công cuộc giải phóng miền Nam. Bác nhấn mạnh “Cuộc kháng chiến còn gay go gian khổ nhưng nhất định phải quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Các chú có làm được không”…

Đặc biệt, việc Bác nhớ tên nhiều người trong đơn vị khiến ai cũng bất ngờ. Bác hỏi thăm bà Hồ Thị Bi (lúc đó là nữ quân hàm cao nhất – Thiếu tá- Đại biểu Quốc hội khóa 2); bà Nguyễn Thị Chiên, anh La Văn Cầu…Cuối cùng Bác hỏi bà Cúc-  vợ ông Nguyễn Chí Thanh về sức khỏe bà cụ - mẹ của ông Thanh, Bác dặn bà Cúc cố gắng chăm sóc cụ và các cháu khi chồng công tác xa nhà…

Đau đớn ngày bảo vệ thi hài Bác!

Cảm xúc đau đớn trong những ngày bảo vệ thi hài Bác Hồ vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim người cựu binh già Nguyễn Bá Sáu.

“Được gặp Bác Hồ là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi” - 3

Ông Sáu rưng rưng khi nhắc về ngày bảo vệ thi hài Bác Hồ.

Ông bảo, đã nghe lãnh đạo nói và biết Bác ốm nặng nhưng vẫn bất ngờ khi nghe tin Bác mất. Tôi và anh em trong đơn vị biết tin thì không ăn không ngủ được. “Dù rằng vẫn tin vào Đảng vào Bộ chính trị, thế nhưng Bác ra đi vào lúc đất nước đang bước vào cuộc kháng chiến gay go, ác liệt khiến chúng tôi ai cũng rơi vào trạng thái chẳng những buồn đau, trống trải, hụt hẫng, tang thương mà còn lo lắng không nguôi trước vận mệnh của Dân tộc” – ông Sáu trải lòng.

Trong lễ tang Bác được tổ chức tại Quảng Trường Ba Đình, ông Sáu cùng đồng đội nhận nhiệm vụ bảo vệ thi hài của Bác dưới hầm. Ông Sáu vẫn nhớ, hôm đó, trời mưa như trút nước nhưng hàng vạn người Việt Nam vẫn không quản ngại đến dự lễ tang của Người. Bà con vào viếng khóc như mưa như gió. Nhiều người vừa bước vào viếng Bác đã ngã gục, ông Sáu cùng đồng đội phải dìu ra ngoài, những bà già, phụ nữ thì khóc ngất.

“Được gặp Bác Hồ là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi” - 4

Ông Sáu cho biết, ngày viếng Bác, hàng vạn đồng bào cả nước về viếng Bác. Nhiều người khóc ngất khiến ông Sáu và đồng đội phải dìu ra ngoài. (Ảnh: tư liệu).

Đã 50 năm trôi qua, ông Sáu chưa bao giờ quên đi những thời khắc ấy. Ngồi nhớ và kể lại câu chuyện, ông vẫn nghẹn ngào, không nói nên lời. “Cả hai lần tôi được gặp Bác đều thấy Bác giản dị trong bộ quần áo ka ki màu bạc, chân đi đôi dép cao su, hình ảnh đó tôi nhớ như in cho tới tận bây giờ. Cuộc đời tôi, được gặp Bác, được bảo vệ thi hài của Người đó là niềm vinh dự và tự hào không thể nào quên. Những năm sau này ra quân trở về, tôi vẫn nhớ và làm theo lời căn dặn của Bác” – người lính già Nguyễn Bá Sáu tâm sự.

Bình Minh