1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đủ loại “vỏ bọc” kinh hãi không ngờ của hành vi xâm hại trẻ em

(Dân trí) - Ngược đãi, bạo hành con cái; dụ dỗ thiếu nữ trẻ cởi đồ, khoe thân, live stream trên mạng; dùng diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nóng, biến trẻ nhỏ thành máy cày game show…

Rất nhiều góc độ được các đại biểu Quốc hội phản ánh trong phiên thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em sáng 27/5.

Hình ảnh bị xâm hại trên mạng theo nạn nhân cả đời

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhận xét, báo cáo giám sát cho thấy sự thật không ngờ được khi hầu hết người xâm hại trẻ em là những người thân quen, thậm chí là bố mẹ ruột của các cháu.

Ông Phương dẫn chứng vụ việc một cháu bé ở chung cư bị ông cụ 70 tuổi cạnh nhà xâm hại. Gần đấy nhất, một bé gái mới 4 tuổi lại bị bố dượng và mẹ đẻ bạo hành đến mức tử vong. Sự việc chỉ bùng lên khi bà ngoại cháu đau xót chụp ảnh thi thể đầy thương tích đăng lên mạng. Rồi chuyện trẻ bị xâm hại bởi các cô nuôi dạy ở trường, lớp mầm non xảy ra như cơm bữa…

Ông cho Phương đặt câu hỏi, dư luận hồ nghi liệu còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu mà không được đáp lại, có bao nhiêu những hành vi suy đồi đạo đức, các hành vi xâm hại trẻ mà chưa được ngăn chặn? Những con số trong báo cáo giám sát, đại biểu nhận xét, mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về vấn nạn này trong khi những sự việc đã xảy ra, có xử lý thì những tổn thương tâm lý với trẻ cũng mãi mãi không chữa lành được.

Đủ loại “vỏ bọc” kinh hãi không ngờ của hành vi xâm hại trẻ em - 1
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu trước Quốc hội về nạn xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn, ủy viên thường trực UB Tư pháp) nêu lên vấn đề mới là trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.

Bà dẫn những con số thống kê cho thấy sự phức tạp của môi trường mạng với 64 triệu người thường xuyên sử dụng Internet tại Việt Nam, tỷ lệ lớn tập trung vào nhóm người vị thành viên cho tới 24 tuổi. Trong số đó, số trẻ em tiếp xúc sớm với mạng cho thấy, hầu hết các em đều có những trải nghiệm tồi tệ về các hành vi xâm hại, phổ biến nhất là bị buộc phải xem “phim đen”, xem những hình ảnh đồi trụy. 1/3 số trẻ đó cũng từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng.  

Mánh khóe để xâmh hại trẻ trên môi trường mạng của các đối tượng được đại biểu khái quát là tạo các phòng “chat” ảo trên mạng, đội lốt là những người có học thức, điều kiện kinh tế khá, tỏ ra rất hiểu biết tâm lý trẻ em. Qua trao đổi, sau một thời gian để tạo tin cậy với trẻ, các đối tượng sẽ xa rời dần chủ đề học hành, gia đình, chuyển sang gợi ý, lôi kéo trẻ xem phim khiêu dâm, để trẻ chụp ảnh cơ thể gửi qua lại.

Thậm chí nhiều trường hợp, cơ quan công an đã xác định những gã “yêu râu xanh” lên mạng trong hình hài một thiếu nữ 14 – 15 tuổi, tự gửi ảnh những bộ phận nhạy cảm để “câu” những bé gái khác tầm tuổi này, như câu chuyện thầm kín bạn gái trao đổi với nhau. Đến khi nắm được những hình ảnh của các nạn nhân, những gã “râu xanh” đó mới xuất đầu lộ diện, đe dọa, ép buộc trẻ tham gia “chat sex”, gặp gỡ, cho quan hệ tình dục, nếu không sẽ tung ảnh nóng của các em.

Nữ ủy viên thường trực UB Tư pháp dẫn chứng vụ án Bảo Anh ở TPHCM, đối tượng đã gợi ý các trẻ gái cởi bỏ quần áo, chụp ảnh khiêu dâm, lập trang web để kinh doanh thương mại, tất cả những người vào xem phải trả phí cho đối tượng.

Vụ việc khác ở Đà Nẵng, một bé gái 14 tuổi bị dụ dỗ cởi dần trang phục trong khi đối tượng quay clip, chụp ảnh live stream cho toàn bộ người dùng mạng xã hội xem. Đối tượng lại là người Trung Quốc, những hình ảnh được truyền trực tiếp, phục vụ nhóm “khách hàng” lớn của đối tượng tại Trung Quốc.

Bà Thủy đánh giá, hậu quả của việc xâm hại trẻ em trên mạng còn lớn hơn ngoài đời thật vì việc xảy ra ngoài đời rồi thời gian sẽ dần gột rửa nhưng những hình ảnh bị xâm hại, đưa lên mạng thì sẽ đeo theo các nạn nhân cả đời.

Vấn đề là hiện tại, không chỉ Việt Nam mà các nước đều phản ánh sự khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng vì các đối tượng phạm tội đều thông thạo kỹ thuật, xóa bỏ sạch sẽ các chứng cứ, trong khi hậu quả với nạn nhân thì khó xóa.

Tán thành ý kiến của bà Thủy, đại biểu Hà Thị Lan (Cao Bằng) lo ngại về xu hướng các loại tội phạm truyền thống chuyển cách thức hoạt động sang môi trường mạng, trong đó nhiều trường hợp, chính người thân, gia đình, bố mẹ vô hình chung đẩy con em tới việc bị lạm dụng, xâm hại. Thống kê trên mạng mỗi ngày có 750.000 hình ảnh xâm hại trẻ em bị đưa lên mạng.

Xâm hại trẻ em trong vỏ bọc văn hóa

Đủ loại “vỏ bọc” kinh hãi không ngờ của hành vi xâm hại trẻ em - 2

Đại biểu Phạm Trọng Nhân: "Chuyện cô bé 13 tuổi đóng những cảnh nóng trong bộ phim điện ảnh của Việt Nam chính là một hình thức “xâm hại trẻ em trong vỏ bọc văn hóa”.

Một biểu hiện đáng lo ngại khác của vấn nạn xâm hại trẻ em được đề cập bởi đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương). Đại biểu đề cập việc xâm hại trẻ qua những hình thức vỏ bọc văn hóa.

Đại biểu mở đầu câu chuyện bằng hình ảnh ông cho là ám ảnh khi một cậu bé mới 4-5 tuổi òa khóc khi không đoạt danh hiệu quán quân trong game show “Biệt tài tí hon”. Hình ảnh này được phát trên truyền hình, được cắt thành clip up lại trên mạng, chiếu tới hàng triệu người xem.

Và thực tế, những chương trình game show thiếu nhi tương tự hiện quá nhiều, trò chơi nào dường như cũng có phiên bản nhí cho thấy các nhà đài, đơn vị sản xuất bất chấp mọi sự đánh đổi vì lợi nhuận, biến rất nhiều trẻ trở thành “cỗ máy cày tiền” trên truyền hình; cũng luyện thanh, gào thét, cũng uốn éo trình diễn đủ phong cách… như người lớn lọc lõi.

“Hình ảnh những giọt nước mắt của các em khi thua cuộc hay sự căng thẳng tột độ của các em khi chờ đến lượt thi thố, cảnh bố mẹ bật khóc sau cánh gà… không phải là những thông điệp tốt đối với dư luận, xã hội. Việc một trẻ nhỏ mới 5-6 tuổi phải ganh đua với nhau, phải bắt chước dáng đi, phong cách lạnh lùng, gợi cảm của một người mẫu, việc tạo ra cách thức sống không đúng lứa tuổi cho các cháu liệu có phải là tích cực, nên khuyến khích?” – ông Nhân day dứt.

Đại biểu cũng dẫn chứng chuyện một cô bé 13 tuổi đóng những cảnh nóng trong một bộ phim điện ảnh từng gây sóng dư luận thời gian trước chính là một hình thức “xâm hại trẻ em trong vỏ bọc văn hóa” mà ông muốn đề cập, cho thấy những biểu hiện muôn hình vạn trạng của vấn nạn xâm hại trẻ em.

Đại biểu kêu gọi: “Căm phẫn với những con số trong báo cáo nhưng chúng ta cũng rất mừng là việc giám sát tối cao lần này cho chúng ta một cơ hội để nhìn nhận cách thức người lớn đang đối xử với trẻ em. Đến lúc phải cùng nhau hành động đề giữ môi trường an lành và đẹp đẽ cho con em Việt”.

Phương Thảo